Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 1 năm 2023 | 14:0

Yên Sơn xây dựng NTM gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Tổ chức bài bản Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo động lực để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường, tạo đà cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, từ đó đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là cách mà huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đang triển khai.

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Nhận thấy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội để người sản xuất, HTX, doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Yên Sơn đã phối hợp với các cơ quan mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý các cấp về công tác quản lý, điều hành chương trình; quy trình đánh giá xếp hạng; hướng dẫn, hỗ trợ, lập hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (hai người hàng đầu bên tay trái), thăm một số sản phẩm OCOP của huyện Yên Sơn.

Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí phát triển sản xuất trong xây dựng NTM. Tổ chức, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP lập phương án và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển ổn định.

Ông Trịnh Duy Hùng (bên phải), Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Hùng Hậu giới thiệu về sản phẩm mật ong của HTX.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội chợ chuyên sản phẩm OCOP. Tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm lợi thế, nhất là những đặc sản, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương; vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển sản phẩm mới; tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm.

Ông Trịnh Duy Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Hùng Hậu (xã Thái Bình), cho biết, HTX thành lập năm 2019, nghề chính là nuôi ong lấy mật, với 15 thành viên, nuôi 1.800 đàn ong bản địa, sản lượng đạt 100 tấn mật/năm. Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 6 xã trong huyện, sản lượng khoảng 30 tấn mật. Từ nuôi ong, các thành viên có nguồn thu nhập ổn định, có hộ lợi nhuận lên tới 200 triệu đồng/năm. Hàng năm, 100 tấn mật ong của HTX được thương lái thu mua xuất sang thị trường Mỹ.

Năm 2020, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, HTX bắt tay thực hiện Chương trình OCOP, hiện có sản phẩm mật ong nhãn Bình Ca và mật ong rừng Bình Ca đạt 3 sao. Năm 2022, HTX làm hồ sơ nâng hạng lên 4 sao. Từ khi đạt OCOP, mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, tiêu thụ cũng tốt hơn, đưa được vào siêu thị WinMart.

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn, cho biết, hết năm 2021, huyện có 26 sản phẩm đã được công nhận OCOP cấp tỉnh. Theo kế hoạch năm 2022, có thêm 20 sản phẩm đánh giá xếp hạng mới, nâng hạng 4 sản phẩm từ 3 lên 4 sao và 2 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao.

Được biết, khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Yên Sơn hỗ trợ chi phí tư vấn 10 triệu đồng/sản phẩm 3 sao, 20 triệu đồng đối với sản phẩm 4 sao, sản phẩm 5 sao là 50 triệu đồng. Hỗ trợ nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao 10 triệu đồng, từ 4 sao lên 5 sao là 40 triệu đồng, từ 3 sao lên 5 sao 40 triệu đồng; hỗ trợ các điểm giới thiệu bán sản phẩm, hỗ trợ các trang thiết bị bảo quản.

Theo ông Tình, giờ đây các chủ thể đã nhận thức, thấy được tầm quan trọng của Chương trình OCOP, các sản phẩm đưa ra thị trường được đóng gói, nâng cao chất lượng, có truy xuất nguồn gốc nên tiếp cận thị trường cũng dễ dàng hơn, giá thành cũng cao hơn.

Hoàn thành kế hoạch NTM năm 2022

Theo kế hoạch Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, năm 2022, huyện Yên Sơn có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt NTM nâng cao; 1 xã đạt NTM kiểu mẫu. Để hoàn thành kế hoạch, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã xây dựng kế hoạch, lộ trình giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch cho các thành viên Ban chỉ đạo xuống cơ sở để hỗ trợ khi cần.

Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang trao Bằng công nhận xã Thái Bình đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đối với các xã có tiêu chí chưa đạt, phân công trách nhiệm cho người đứng đầu chủ trì với các đơn vị phối hợp hoàn thành theo kế hoạch. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân nắm được họ là chủ thể trong xây dựng NTM. Với tinh thần chung tay xây dựng NTM, Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra và Dân thụ hưởng.

Ông Tạ Văn Tình cho biết, Yên Sơn đã lồng ghép, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, đặc biệt là vốn xã hội hóa do người dân tự nguyện đóng góp xây dựng; cùng với đó, làm tốt công tác khen thưởng với các tổ chức, cá nhân, hộ dân có đóng góp  trong xây dựng NTM.

Từ cách làm nói trên, người dân đã phát huy được vai trò làm chủ trong xây dựng NTM. Có hộ đóng góp 1.000m2 đất để làm đường giao thông, công trình nhà văn hóa, trường học. Có hộ kinh tế khá đã đóng góp cả trăm triệu đồng để xây dựng đường giao thông, cổng làng. Tỷ lệ đóng góp của người dân ở cấp huyện chiếm 20% kinh phí đóng góp xây dựng NTM. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể cùng chung tay góp sức.

Người dân đã chủ động phát triển kinh tế để tăng thu nhập, thay đổi nếp sống, vệ sinh, đường làng ngõ xóm, gia đình. Hết năm 2022, Yên Sơn có 14/27 xã đạt NTM, trung bình đạt 15,1 tiêu chí/xã, có 2 xã đạt NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt NTM Nâng cao, hoàn thành theo kế hạch đề ra.

Về kế hoạch thời gian tới, ông Tình cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, các tiêu chí đều cao hơn, do vậy, các xã phải rà soát lại kế hoạch để đáp ứng tiêu chí mới. Với Ban Chỉ đạo cấp huyện xây dựng kế hoạch giai đoạn, phân công trách nhiệm cho thành viên Ban chỉ đạo để chỉ đạo các xã thực hiện. Lồng ghép, huy động các nguồn lực, đặc biệt là tuyên truyền vận động xã hội hóa tại cơ sở.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện  Yên Sơn sẽ tham mưu UBND huyện lồng ghép các nguồn lực để xây dựng các chuỗi giá trị cho nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng NTM bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Là xã đầu tiên đạt NTM kiểu mẫu ở Tuyên Quang, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình (Yên Sơn) tâm sự, giờ đây, kinh tế - xã hội của xã có sự phát triển vượt bậc, nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh, cảnh quan môi trường thường xuyên được người dân cải tạo, xây dựng mới, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn, các chương trình dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nâng cao thu nhập có kết quả tốt. Thu nhập bình quân từ 49,3 triệu đồng/người (năm 2020) tăng lên 55,64 triệu đồng/người (năm 2021); không còn hộ nghèo.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM được thực hiện thường xuyên, nhân dân đã từng bước phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.

Những kết quả trên là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Thái Bình tiếp tục hỗ trợ đầu tư, vận động nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình và tiến tới xây dựng NTM thông minh trong những năm tiếp theo.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top