Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 1 năm 2021 | 21:18

An Giang có 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao

Hiện nay, An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu phong trào xây dựng NTM khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

20210125_195352.png
Làng hoa An Thạnh (Chợ Mới- AG) chuẩn bị hoa đón Tết. Ảnh:CTV.
 
Những ngày cận Tết Tân Sửu, chúng tôi trở lại An Giang. Được biết, sự chung sức chung lòng của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, và người dân đã giúp phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” thu được những kết quả đáng tự hào.
 
Hiện nay, An Giang trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu (An Giang, Hậu Giang) phong trào xây dựng NTM khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Hòa chung khí thế mùa Xuân đã tràn ngập về trên quê hương nông thôn mới An Giang, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vui vẻ cho biết: “Nông thôn mới An Giang giờ đã thực sự khoác “chiếc áo mới” với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng, giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho nhân dân. Giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đạt gần 14.800 tỷ đồng.
 
Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm 18,99%. Với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, An Giang đã và đang triển khai thi công với tổng số 677 danh mục công trình, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
 
Tính đến nay, An Giang đã có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM; trong đó có 1 huyện NTM (huyện Thoại Sơn), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên). Hiện, tỉnh có 61/116 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 52,58%), hoàn thành sớm hơn 1 năm so với lộ trình kế hoạch đã đề ra. Với kết quả này, An Giang (cùng với tỉnh Hậu Giang) vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhất vì thành tích đạt được trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.  
 
Cuối năm 2020, An Giang có 14 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới đạt trên 50 triệu đồng; mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân hàng năm là 1,5%”.
 
Chỉ tính giai đoạn (2016 – 2020), tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của tỉnh đạt trên 11.820 tỷ đồng. Trong đó vốn người dân đóng góp hơn 991 tỷ đồng, chiếm 8,38% (gồm: 600 tỷ đồng tiền mặt; trên 82.659 ngày công lao động (quy đổi thành tiền khoảng trên 115 tỷ đồng); hiến trên 178.087 m2 đất ở, giá trị hiến đất (quy đổi thành tiền khoảng 164 tỷ đồng); vật tư quy đổi thành tiền 65 tỷ đồng)… Với số tiền đóng góp của người dân, An Giang đã và đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng NTM như cầu, đường giao thông nông thôn; hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; cất nhà tình nghĩa...
 
 
20210125_195403.png
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại trồng chuối xã Tân Tuyến (Tri Tôn - AG). Ảnh CTV.
 
 
Trong thực hiện xây dựng NTM, An Giang tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện “Cánh đồng lớn” giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản chủ lực khác của An Giang được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng. Mỗi năm trung bình có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân. Một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản… mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 01 ha không ngừng nâng lên.
 
Từ đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần vào thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như xoài, các loại cây ăn trái khác; qua đó góp phần làm tăng thu nhập từ 2 - 4 lần cho nông dân (so với trồng lúa). Diện tích gieo trồng lúa năm 2013 từ hơn 641.000 ha, đến năm 2020 giảm còn khoảng 620.000 ha.
 
 
20210125_195411.png
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại Lễ tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới và ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Ảnh: CTV.
 
 
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: “Giai đoạn 2021 - 2025 này, An Giang quyết tâm phấn đấu có thêm 28 xã và 2 huyện (huyện Chợ Mới và Châu Thành) và 01 thị xã (thị xã Tân Châu) đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 3 xã/huyện phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; trên 75% trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 65 triệu đồng/người/năm. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm. Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%. Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện đầu tư công của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 3.800 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương, tỉnh và huyện là 3.650 tỷ đồng và phần còn lại là vốn huy động từ các nguồn lực xã hội”.
 
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, để tiếp tục đưa mùa xuân về trên quê hương nông thôn mới tại An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư nhấn mạnh: “Tiếp tục huy động từ các nguồn lực xã hội để duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các tiêu chí không bền vững, An Giang sẽ có giải pháp hoàn thiện, đảm bảo tính bền vững khi đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án tạo quỹ đất, rà soát, quy hoạch quỹ đất công tại các địa phương để sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
 
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo tín hiệu thị trường; thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao chất lượng và tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển".
 
 
 
Nguyễn Văn Bớt
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top