Chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đang được tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai.
Những mô hình mang lại nhiều lợi ích
Ông Tô Hiến Thành (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa) chia sẻ: Trước đây, chuồng lợn của gia đình được làm bằng nền bê tông đặc nên chất thải luôn ứ đọng tại nền chuồng, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Để khử mùi hôi, gia đình phải bơm nước rửa chuồng và tắm cho lợn mỗi ngày từ 2 - 3 lần tốn rất nhiều nước và khó khăn trong xử lý nước thải.
Từ khi mô hình chuồng sàn được đưa vào sử dụng, hằng ngày chúng tôi chỉ việc cho thức ăn vào máng lợn, không phải tắm và vệ sinh chuồng, không gây ô nhiễm môi trường. Cùng với việc tiết kiệm chi phí chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia đình còn tận dụng được chất thải dưới bể để làm phân bón phục vụ cho phát triển trồng trọt.
Nhằm khắc phục tình trạng quá tải trong xử lý chất thải chăn nuôi từ hầm khí sinh học biogas, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Bắc Giang đã triển khai mô hình máy tách phân.
Qua theo dõi đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết các mô hình được hỗ trợ đã khẳng định hiệu quả trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường, khắc phục vấn đề quá tải của hệ thống biogas; đồng thời lượng bã phân sau khi được tách ép được đưa vào ủ với men vi sinh tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ cây trồng.
Mô hình máy tách phân của gia đình anh Dũng được nhiều hộ tới tham quan, học tập
Anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Chùa, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng) cho biết: Mô hình này rất phù hợp bởi lượng chất thải chăn nuôi của gia đình do quy mô có lúc lên tới hàng nghìn con.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý Dự án LCASP tỉnh Bắc Giang, đây là loại máy tiên tiến, bao gồm: Hệ thống máy ép tách phân, máy khuấy thủy lực, máy bơm nước và một thùng chứa nước để xịt rửa. Ngay sau khi tiếp nhận thiết bị, lắp đặt và đi vào vận hành, bước đầu mô hình đã khẳng định được hiệu quả; đồng thời, tạo ra sản phẩm phân hữu cơ thân thiện môi trường và có lợi cho cây trồng, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn và bền vững.
Hệ thống hố ủ phân compost và hệ thống xử lý nước thải sau biogas tưới tiết kiệm cho cây ăn quả đã được nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang áp dụng. Mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tận dụng tối đa được nguồn chất thải để chăm sóc cây trồng.
Theo anh Nguyễn Hữu Khải (thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn), khi việc tiếp cận khoa học kỹ thuật về xử lý chất thải của nhiều hộ chăn nuôi còn nhiều hạn chế thì những mô hình như thế thật sự là “đòn bẩy” giúp người chăn nuôi hướng đến những giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường.
Quy trình xử lý chất thải rắn làm phân bón hữu cơ được triển khai theo quy trình cụ thể, dễ làm thông qua việc phối trộn trấu, rỉ mật và men vi sinh theo tỷ lệ nhất định; sau đó tiến hành ủ bạt, đảo trộn định kỳ. Sau khoảng 30 ngày khi phân tơi xốp, không có mùi khó chịu sẽ đạt tiêu chuẩn và được bón trực tiếp vào cây hoặc tích trữ trong bao. Sản phẩm này tạo ra những vi sinh vật có lợi cho cây trồng và đất.
Mô hình sử dụng phân bón làm nguyên liệu để nuôi giun quế đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ chăn nuôi. Với số tiền gần 100 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình anh Mạnh (thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, Yên Dũng) đã xây dựng mái che để nuôi giun quế trên diện tích 70m2. Được biết, với đàn lợn thương phẩm thường xuyên duy trì từ 500-600 con cộng với hơn 1 nghìn con gà nên lượng chất thải gia súc, gia cầm của gia đình anh Mạnh là rất lớn. Theo anh Mạnh, ứng dụng mô hình này đã mang lại lợi ích quan trọng, mô hình vừa xử lý được chất thải mà không gây ô nhiễm môi trường; phân gia súc, gia cầm được chuyển hóa thành phân hữu cơ cao cấp phục vụ cho cây trồng và nuôi trùn quế rất hiệu quả.
Từ hiệu quả của mô hình nuôi giun quế của gia đình anh Mạnh, không ít hộ chăn nuôi quy mô lớn trong xã cũng đến học tập làm theo. Anh Đặng Văn Hương (thôn Voi, xã Quỳnh Sơn) chia sẻ: Nhờ mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn đã giúp trang trại cải thiện môi trường sống. Toàn bộ giun thương phẩm, gia đình sử dụng làm thức ăn cho ngan, gà, vịt và lợn. Lợn ăn giun quế cho chất lượng thịt rất thơm ngon và sản lượng lợn khi xuất chuồng cũng đạt cao, giúp lợn tăng sức đề kháng, giảm bệnh tật.
Công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi bằng quy trình khí sinh học biogas không xử lý được triệt để lượng nước thải phục vụ tưới cho cây ăn quả thông qua hệ thống tưới tiết kiệm đang được người dân đánh giá cao.
Với quy mô chăn nuôi khoảng 30 con lợn thịt, năm 2018, gia đình bà Nguyễn Thị Hải (thôn Yên Tập, xã Yên Lư, Yên Dũng) được Ban quản lý dự án LCASP hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học biogas, với quy mô bể xử lý hơn 30m3. Sau khi xây dựng xong, toàn bộ lượng phân thải từ chăn nuôi được thu gom vào bể và thông qua hệ thống xử lý đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo điều kiện cho gia đình có lượng gas đun nấu, tiết kiệm chi phí chất đốt mỗi tháng.
Đẩy mạnh đầu tư
Năm 2020, Ban quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ 20 mô hình xây dựng hệ thống chuồng sàn chăn nuôi lợn tiết kiệm nước với tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng. Theo đó, 20 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa thuộc các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Thế và Yên Dũng đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng bể, sàn chuồng… với kinh phí bình quân mỗi mô hình 96 triệu đồng.
Hệ thống sàn được thiết kế thông thoáng với bể bê tông bên dưới được dự trữ một lượng nước nhất định, mô hình này đã tiết kiệm được lượng nước chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm và tận dụng nguồn chất thải làm phân bón hữu cơ phục vụ chăm bón cây trồng.
Ngoài ra, các hộ tham gia còn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về xử lý chất thải để áp dụng có hiệu quả mô hình này.
Cũng từ nguồn vốn của Dự án hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp (LCASP) tỉnh Bắc Giang, năm 2020, huyện Yên Thế đã được hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng các công trình khí sinh học. Theo đó, 40 hộ gia đình được nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình và 16 hộ gia đình được nhận mức hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình.
Tăng cường truyền thông tới cộng đồng
Ban quản lý Dự án nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với UBND xã Tự Lạn (Việt Yên) tổ chức hội thảo tuyên truyền ứng dụng công nghệ xử lý nước thải sau tách phân làm phân bón hữu cơ dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các hộ chăn nuôi được cán bộ Ban quản lý Dự án LCASP tỉnh Bắc Giang trao đổi về công nghệ xử lý nước thải sau tách phân làm phân bón hữu cơ dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tác dụng của phân bón dạng lỏng đối với cây trồng; quy trình sản xuất phân bón và một số đặc điểm nổi trội từ phân bón dạng lỏng,...
Thông qua hội thảo, tuyên truyền giúp cho người chăn nuôi ứng dụng mô hình giúp tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, giảm nguồn phát thải ô nhiễm môi trường, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Bắc Giang là tỉnh có tốc độ chăn nuôi lợn khá phát triển cả về tổng đàn và số lượng các trang trại quy mô lớn. Với hơn 1 triệu con lợn, mỗi ngày phát sinh khoảng 2.850 tấn chất thải chăn nuôi. Với việc đẩy mạnh chăn nuôi thân thiện với môi trường nên môi trường trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, nhiều khu vực nông thôn có chăn nuôi phát triển nay đã sạch hơn.