Bắc Giang hiện có 778 trang trại, trong đó có 589 trang trại đạt doanh thu trên 1,1 tỷ đồng, 180 trang trại có doanh thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Trong số đó có hàng trăm chủ trang trại là hội viên Hội Làm vườn.
Vườn cam đường Canh của gia đình ông Bùi Đức Long (người đứng bên phải) ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn - Bắc Giang) cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2017, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực. Theo đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để hội viên và nông dân hiểu và tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh VAC, trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.
Để làm được điều này, một trong những nhiệm vụ được HLV Bắc Giang quan tâm chỉ đạo sâu sát là công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên. Chỉ tính riêng HLV các huyện, thành phố đã phối hợp với ngành nông nghiệp và hệ thống khuyến nông tổ chức 690 lớp tập huấn kỹ thuật làm VAC, trang trại cho 38.834 lượt người tham gia; tổ chức 103 buổi tham quan mô hình, hội thảo trao đổi kinh nghiệm cho 2.626 lượt người.
Trong 6 tháng năm 2017, các hội viên đã trồng mới được 249.912 cây ăn quả các loại; cải tạo 1.708ha vườn tạp, nâng cấp cải tạo 475ha ao hồ nuôi thuỷ sản, có 1.811 hộ nuôi con đặc sản. Sau các lớp tập huấn, hội viên đã áp dụng vào thực tế sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế địa phương.
Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thường trực HLV tỉnh đã tập trung chỉ đạo HLV các cấp tích cực tham gia vào chương trình như: đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn, cầu cống, nạo vét kênh mương nội đồng, cải thiện nhà ở…
Trong đó, có một số đơn vị làm tốt như: Hội viên HLV huyện Tân Yên hiến 14.000m2 đất, tu sửa 23km đường giao thông nông thôn - thủy lợi nội đồng, thành lập mới và duy trì 153 tổ vệ sinh môi trường; HLV huyện Lạng Giang tu sửa, nạo vét 32,5km kênh mương, 57km đường giao thông nông thôn; HLV huyện Sơn Động vận động ủng hộ 128,5 triệu đồng; HLV huyện Lục Ngạn vận động hội viên, nông dân hiến đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong chăn nuôi, hội viên và nhân dân gặp không ít khó khăn do một số sản phẩm như lợn, gà, vịt giá xuống rất thấp, làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ, khả năng tái đàn vào các tháng cuối năm rất khó khăn. Theo số liệu thống kê tại thời điểm 1/4/2017, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 1,132 triệu con, trong đó có khoảng 900.000 con lợn thịt và 200.000 lợn nái. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt khoảng 24.000 tấn. Khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn chủ yếu là do trong thời gian qua việc phát triển chăn nuôi ồ ạt ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Đánh giá về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang, cho biết, hệ thống tổ chức Hội tiếp tục được củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng; hầu hết các cấp Hội có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Hoạt động Hội đã bám sát chủ trương, nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, quyền lợi hội viên được đảm bảo, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong 589 trang trại có doanh thu trên 1,1 tỷ đồng, có hàng trăm chủ trang trại là hội viên HLV.
Về kế hoạch trong những tháng cuối năm, ông Bái cho biết, HLV sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới có liên quan, chủ động thích ứng với những thay đổi về cơ chế, chính sách của tổ chức trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên; thực hiện Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tập trung chỉ đạo hội viên phát triển kinh tế VAC, trang trại gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Văn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.