Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 6 năm 2022 | 9:12

Bắc Kạn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế

Những năm qua, Bắc Kạn luôn quan tâm, chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Nhiều mô hình chuyển đổi có doanh thu đạt 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô truyền thống. Bắc Kạn đang phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên hơn 210ha đất lúa trong năm 2022. 

bxtbk-de865bf91f7c.jpg
Nhiều gia đình nông dân huyện Ba Bể chuyển đổi sang trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao

 

Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao

Có hơn 1.800m2 ruộng, gia đình bà Nông Thị Tân ở thôn Bản Váng, xã Địa Linh, huyện Ba Bể mỗi năm làm 2 vụ lúa, nhưng nguồn thu không được bao nhiêu dù năm đó không mất mùa.

Nhận thấy trồng cây bí xanh thơm mang lại hiệu quả cao hơn trồng lúa, gia đình bà đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa sang trồng bí xanh thơm. Bà Tân cho biết: “Bí xanh thơm đem lại giá trị cao hơn trồng lúa khá nhiều. Cùng với đó, chăm sóc bí dễ hơn, tốn ít công hơn. Chính vì thế, từ 3 năm nay, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ ruộng cấy lúa sang trồng bí xanh. Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng gia đình vẫn bán hết bí và thu lãi khoảng 30 triệu đồng”.

Nhận thấy việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước tưới, nên cuối năm 2017, anh Hoàng Ngọc Linh ở thôn Chi Quảng A, xã Phương Linh (Bạch Thông) chuyển đổi hơn 6.000m2 ruộng cấy lúa sang trồng cây chanh tứ mùa và dành 2.000m2 đào ao thả cá.

Theo anh Linh, việc chuyển sang trồng chanh tứ mùa mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô. Đến nay, ngoài sản lượng cá đạt 6 tạ/năm, gia đình còn có hơn 200 gốc chanh cho thu hoạch với sản lượng 7 - 8 tấn quả/năm, thu về khoảng 150 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn trước.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Tuy (thôn Bản Cáu, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn) đã chuyển đổi khoảng 800m2 đất ruộng sang trồng cây lạc đỏ. Theo chị Tuy, trồng lạc cho thu nhập cao gấp đôi so với cây lúa. Năm ngoái diện tích này đem lại cho gia đình khoảng 6 triệu đồng sau 3 tháng.

Vụ đông xuân 2021-2022, xã Bằng Phúc được Công ty TNHH VIETNAM MISAKI (Chợ Mới) liên kết trồng hơn 2ha cây rau cải Nhật, sản lượng thu về khoảng 41 tấn, giá trị hơn 80 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Vụ xuân năm nay, công ty tiếp tục liên kết, ký hợp đồng bao tiêu với bà con trồng hơn 2ha cây dưa chuột bao tử trên đất ruộng. Cây dưa chuột có thời gian sinh trưởng 3 tháng, toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu.

Ông Triệu Hồng Kê, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc, cho biết: “Do đặc thù thời tiết lạnh nên địa phương thường chỉ thực hiện được 1 vụ lúa, còn vụ xuân đất đai bỏ không rất lãng phí. Do đó, xã đã định hướng bà con lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm vùng để triển khai. Năm nay,toàn xã trồng hơn 25ha ngô xuân, hơn 2ha dưa chuột và gần 1ha cỏ voi trên đất ruộng”. 

_dsc1375_20220624152243.jpg
Tọa đàm "Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế nông nghiệp” tại Bắc Kạn
 
 

Nhiều khó khăn

Trong tọa đàm “Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế nông nghiệp” được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn, nhiều đại biểu đã chỉ ra những khó khăn trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế.

Theo bà Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy, bên cạnh những thuận lợi về du lịch để tiêu thụ sản phẩm, về nguồn nhân lực tại chỗ, điều kiện tự nhiên để phát triển các sản phẩm là đặc sản địa phương, thì HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm.

“Thiếu nguồn nhân lực, mẫu mã bao bì của sản phẩm chưa bắt mắt, thiếu vốn, thiếu năng lực quản lý, chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, giá thành còn cao là những khó khăn của HTX”, bà Nhung nói.

Theo lãnh đạo Công ty CP GAP Việt Nam, công ty đang gặp khó khăn trong công tác thử nghiệm sản phẩm phân bón cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Lãnh đạo công ty cho biết: “Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay vẫn theo quy mô hộ gia đình, nên doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tập hợp để thử nghiệm, tiến tới đào tạo cho toàn bộ số hộ dân và HTX trên địa bàn theo đúng kế hoạch. Ngoài ra, việc thay đổi tư duy trong quan niệm sản xuất hướng tới việc sản xuất bền vững, đảm bảo được sản phẩm an toàn, không vượt quá dư lượng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật cũng là một điều nan giải, cần thời gian để có thể đồng hành và chứng minh cho bà con thấy được tác dụng thực sự của sản xuất GAP”. 

dua-xanh-1-28389b069414.jpg
Trồng dưa lưới ở HTX Đại Hà cho nông dân thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa truyền thống 

 

 

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn,  thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng, kinh tế nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm, chỉ đạo và đạt được những kết quả khả quan. Các HTX, nhà nông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; nhiều sản phẩm nông nghiệp OCOP đạt 3 sao trở lên. Sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn được thị trường trong và ngoài nước lựa chọn. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu như miến dong (xuất sang Cộng hòa Séc), ngô ngọt (Thái Lan, Campuchia), thịt  bò (Trung Quốc)…

Ông Hùng cho biết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Khuyến khích nông dân chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cây trồng chuyển đổi phải gắn thị trường tiêu thụ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Bắc Kạn thực sự đem lại kết quả tích cực so với trồng lúa, ngô truyền thống, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/ha/ năm (nếu trồng 2 vụ), lợi nhuận thu được đạt trên 40 triệu đồng/ha, cao hơn 1,5 - 2 lần so với trồng lúa, ngô truyền thống. Tiêu biểu như mô hình trồng cây gai xanh, mô hình trồng cây khoai tây vụ đông; mô hình nuôi cá nước lạnh… Các mô hình này có sự liên kết sản xuất, có đầu ra ổn định, có thu nhập cao hơn, giá cả hợp lý do đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

“Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2022, Bắc Kạn sẽ chuyển đổi 210,3ha. Trong đó, cây trồng hàng năm 177,6 ha; cây trồng lâu năm 22,8 ha; kết hợp với nuôi thủy sản 9,9 ha”,  ông Hùng cho biết thêm.
 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn Hà Sĩ Huân nhấn mạnh sự cần thiết liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2035. Các đơn vị, địa phương nâng cao trách nhiệm trong triển khai các dự án/đề án phát triển sản xuất nông nghiệp; tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất…  

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần phối hợp với các doanh nghiệp, HTX rà soát các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân để tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện, góp phần thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh.

 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top