Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 1 năm 2021 | 11:20

“Kết nối”, một nhiệm vụ của khuyến nông

Năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp nói chung và hoạt động khuyến nông nói riêng vẫn đạt được những thành tích đáng phấn khởi.

t66.JPG
PGS.TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG.

 

Theo PGS.TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia,  năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp nói chung và hoạt động khuyến nông nói riêng vẫn đạt được những thành tích đáng phấn khởi.

Đưa người có đến người cần

Mặc dù bận rộn nhiều công việc cuối năm, nhưng PGS.TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) vẫn dành thời gian trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thônvề những kết quả mà TTKNQG đạt được trong năm 2020.

Theo ông Thanh, điểm nổi bật của TTKNQG là không còn thụ động thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch như trước đây, mà đã hoàn toàn chủ động trong việc triển khai nhiệm vụ. Đó là nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, tình hình diễn biến của thời tiết, thiên tai, tình hình hoạt động sản xuất của nông dân, sau đó cùng với các đơn vị của Bộ thực hiện công việc của mình, để đồng hành cùng với bà con trong sản xuất.

Lấy một ví dụ cho việc chủ động của khuyến nông trong việc chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình, ông Thanh cho biết, năm qua, do biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TTKNQG không ngồi chờ mà trực tiếp vào cùng địa phương đưa ra những biện pháp ứng phó, đưa những quy trình công nghệ, hay phát hành những ấn phẩm về các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập mặn cho nông dân, để trong quá trình sản xuất nông nghiệp không bị biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Không chỉ đưa ra những biện pháp cho sản xuất nông nghiệp, Trung tâm còn tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề tại các địa phương để kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp với người nông dân, giải quyết vấn đề tồn đọng trong tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, đã có nhiều hợp đồng kinh tế được các doanh nghiệp ký kết với người nông dân trong cung cấp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau khi kết thúc các cuộc hội thảo, diễn đàn.

Điểm thành công nữa của TTKNQG là hệ thống trong khuyến nông đã vận hành một cách hiệu quả, hệ thống này xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. TTKNQG đã giữ kênh thông tin, giữ mối liên hệ và sự chỉ đạo chung, đáp ứng đúng tinh thần là “cầu nối” của hoạt động khuyến nông.

 

PGS.TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG đánh giá, những năm qua, nhờ có sự phối kết hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông, TTKNQG đã đưa được tiến bộ kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất. Tạp chí Kinh tế nông thôn  là đơn vị phối hợp với TTKNQG rất hiệu quả nhờ những thông tin hữu ích được đăng tải.

Giám đốc TTKNQG mong muốn, Trung tâm  và Kinh tế nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ và lâu bền để phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là những kiến thức, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp đến với nông dân.

 

“Nhiệm vụ của khuyến nông  là đưa người có đến người cần, đưa người làm ra công nghệ đến người sử dụng công nghệ, để cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân phát triển, giá trị nông sản được nâng cao, sản phẩm nông sản được tiêu thụ không chỉ tại thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế”, ông Thanh nói.

Thay đổi phương pháp để nông dân dễ áp dụng khoa học công nghệ

PGS.TS. Lê Quốc Thanh cho biết, khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực nói chung và nông nghiệp nói riêng phải luôn đi trước, nhưng việc chuyển tải những nghiên cứu khoa học kỹ thuật này vào trong nông nghiệp phải được khuyến nông thực hiện thông qua ngôn ngữ của khuyến nông, không thể đưa thẳng những kiến thức từ viện khoa học, từ nhà nghiên cứu ra đồng ruộng, nơi người nông dân đang cần.

 

t66a.jpg
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình trồng cam ở xã Thượng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh). Ảnh: Công Tường.

 

Để làm được việc này, TTKNQG hiện đang đổi mới các phương thức, mô hình, hình thức truyền thông để khoa học kỹ thuật trở nên gần gũi nhất với người nông dân, từ quy trình công nghệ phức tạp chuyển tải thành quy trình công nghệ đơn giản nhất mà người nông dân có thể “sờ nắn” và thực hiện được ngay.

Do đó, TTKNQG đã xây dựng những clip mà ở đó có sự tham gia của chuyên gia, người nông dân có kinh nghiệm thực hiện việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua thực hành của người nông dân và được phân tích, lý giải bằng cơ sở  khoa học để người nông dân có thể tiếp cận thông qua một app đã được TTKNQG xây dựng. Cách truyền tải này rất hiệu quả, giúp nông dân dễ dàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, họ không nhất thiết phải đến tham gia hội thảo, nghe các chuyên gia nói, mà chỉ cần thông qua app đó, sẽ có một kho kiến thức về sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, TTKNQG đã xây dựng rất nhiều clip về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc cắt ghép cây có múi, nếu như trước đây nhà vườn phải nghe chuyên gia giới thiệu, nghiên cứu, thậm chí đọc tài liệu cũng chưa thể áp dụng vào sản xuất được ngay. Nay, sau khi xem các clip do khuyến nông xây dựng,  nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật rất nhanh và áp dụng ngay vào thực tiễn.

Kinh tế tuần hoàn là con đường hiệu quả nhất trong nông nghiệp

“Hiện, nông nghiệp Việt Nam vẫn bị đánh giá là nền nông nghiệp có chi phí cao, do chưa khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Muốn có được hiệu quả cao trong kinh tế nông nghiệp, nhất thiết phải xây dựng bằng được những mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp tuần hoàn”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cho rằng, kinh tế tuần hoàn đã hiện hữu, năm 2020, TTKNQG đã phê duyệt 5 dự án có yếu tố kinh tế tuần hoàn như: nuôi bò của Công ty TNT 159, mô hình này tuần hoàn khép kín từ khâu chăn nuôi, chăm sóc, đệm lót, thức ăn và sử dụng chất thải, để tất cả những phụ phảm thừa từ chăn nuôi bò không làm ảnh hưởng đến môi trường và thu lại hiệu quả kinh tế rất cao; mô hình sản xuất lợn hữu cơ Quế Lâm; mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ,…

“Tuy nhiên, quy trình công nghệ được áp dụng vào nông nghiệp vẫn còn thiếu, vì hiện nay, trong nông nghiệp, các phụ phẩm thừa rất nhiều”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho rằng, khi đưa những mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn vào hoạt động sẽ làm giá thành chi phí cho sản xuất nông nghiệp giảm, nhưng giá trị sản phẩm nông nghiệp lại tăng. Lấy ví dụ về sử dựng rơm rạ của người nông dân trước đây, sau khi thu hoạch lúa, phần còn lại là rơm hầu như được nông dân mang đi đốt lấy tro hay một phần rất ít sử dụng cho trâu, bò ăn, đến nay, phần rơm rạ sau thu hoạch lúa đã  được sử dụng vào việc trồng nấm rơm và một số công việc khác. Như vậy, giá trị của cây lúa được nâng cao nhờ việc bán được lúa, đồng thời cũng bán được rơm, hay từ rơm chúng ta trồng nấm và bán được nấm. Trong khi môi trường không bị ô nhiễm do việc đốt rơm rạ gây ra mỗi khi đến mùa thu hoạch.

“Năm 2020, ngànhNông nghiệp đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có sự đóng góp của TTKNQG. Hy vọng năm mới 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TTKNQG và ngành Nông nghiệp - PTNT sẽ giành được nhiều thành tích lớn trong xây dựng và phát triển nông nghiệp Việt Nam”, ông Thanh kỳ vọng.

 

Về nhiệm vụ của TTKNQG trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo: Công tác khuyến nông cần đi vào chiều sâu, không chỉ làm mô hình “cho cần câu” và “dạy cách câu cá” như hiện nay, mà còn cần phải truyền lửa, sự tự tin, động lực và khát vọng làm giàu cho nông dân.

Hoạt động khuyến nông cần đi sâu vào quan điểm “hệ sinh thái”, nông nghiệp tuần hoàn, khai thác và sử dụng hết mọi nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, tạo ra giá trị sản phẩm và không để rác thải làm ô nhiễm môi trường...

 

 

 

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top