Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 9 năm 2021 | 14:15

Băn khoăn xung quanh việc công an Hà Nội cấp giấy đi đường

Nhiều người được hỏi đều băn khoăn về việc cấp giấy đi đường có nhận diện do công an cấp, bởi có thể gây phiền toái cho người dân và cho chính lực lượng chức năng.

Người dân băn khoăn
 
Theo Công an TP Hà Nội, sẽ có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường từ ngày 6/9, thực hiện 4 bước.
 
Bước 1, Tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.
 
Bước 2,  Công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.
 
Bước 3, Công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.
 
Bước 4,  Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.
dsc_5704.JPG
Ông Nguyễn Quốc Khánh đề nghị thành phố nên có biện pháp thiết thực hơn
 
Ngay sau khi nhận được thông tin Công an Hà Nội sẽ cấp giấy đi đường, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH TM Ngọc Mai (217 Lâm Du, Bồ Đề, quận Long Biên) chia sẻ: Là chủ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, tôi chỉ xin với lãnh đạo các cấp “đừng đẻ thêm nhiều thủ tục phiền hà” đối với doanh nghiệp và nhân dân nữa.  
 
Ông Khánh cho biết, sáng nay, tôi ra phường để làm thủ tục xin cấp giấy đi dường nhưng đã làm được đâu. Hiện lực lượng công an, cảnh sát khu vực cũng đang phải căng mình để thực hiện phòng chống dịch bệnh tại các chốt kiểm soát, giờ lại phải dành thời gian tiếp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đến kê khai và hướng dẫn làm thủ tục cấp giấy đi đường có nhận diện.
 
"Chính quyền nên có biện pháp khác, không phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân, nếu lấy gia đình, tổ dân phố làm “pháo đài” thì hãy quản thật chặt, các cơ quan cũng phải quản chặt người của đơn vị mình, chứ làm thế này thì rất khổ cho nhân dân. Đừng làm phức tạp thêm tình hình”, ông Khánh nói.
 
Bà Nguyễn Như Hoa nhà ở Yên Viên (Gia Lâm) từ hôm qua đến nay thường xuyên hỏi mọi người về việc công an cấp giấy đi đường, trong khi công việc đi lại giữa huyện Gia Lâm và quận Long Biên.
 
Bà Hoa cho biết, gia đình ở thị trấn Yên Viên, hàng ngày tôi sang Ngọc Lâm để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, tôi không biết có phải lên công an phường để xin cấp giấy đi đường hay không? Theo thông tin mà tôi nắm được qua báo, đài, khu vực quận Long Biên là “vùng cam”, vùng sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu thực hiện theo Chỉ thị này thì chúng tôi được phép đi lại, như thế có cần phải gặp công an để xin cấp giấy đi đường hay không?
 
“Đã qua nhiều này giãn cách xã hội, nhận thấy giấy đi đường như hiện nay khá ổn, từ 6/9, Hà Nội đã phân các vùng đỏ, cam, xanh, vì vậy, vẫn có thể sử dụng giấy đi đường đã được cấp trước đó, không nhất thiết phải cấp lại mẫu giấy khác. Lực lượng chức năng chỉ cần xiết chặt kiểm tra, giám sát tại các chốt”, bà Hoa nói.

Chị Nguyễn Thu Dung ở quận Nam Từ Liêm cho biết, sau khi xem thông báo về việc Công an Hà Nội sẽ cấp giấy đi đường mới, chị cũng rất lo lắng về thủ tục làm giấy tờ.

"Hà Nội giãn cách thêm 2 tuần mà bây giờ mới tổ chức cấp giấy đi đường thì quá gấp. Hôm qua mới ra văn bản thông báo, nếu ngày 6/9 đã áp dụng kiểm tra thì tôi lo sợ không kịp làm giấy đi đường, không thể đến công ty làm việc và không biết khi ra đường phải xuất trình giấy tờ gì", chị  Dung nói.

Theo chị Dung, sáng nay chị cũng đã liên hệ với công an khu vực nhưng họ cho biết đang chờ hướng dẫn từ Công an thành phố.

 
Luật sư không thuộc đối tượng được cấp giấy
 
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật Nguyễn Khánh Toàn và các cộng sự (Hà Nội), cho biết, theo văn bản của Công an TP. Hà Nội ban hành vào chiều 3/9 thì luật sư chúng tôi nằm trong diện không được cấp giấy đi đường. Điều này trái với Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  Theo tôi được biết, Liên đoàn Luật sư sẽ có văn bản gửi cho UBND TP. phố Hà Nội.
 
img_20210904_140840.jpg
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh toàn và Cộng sự

 

“Khi cơ quan tố tụng bắt giữ người, nếu như luật sư không là đối tượng được cấp giấy đi đường, thì luật sư sẽ mất đi vai trò của mình khi không được tham gia tố tụng ở ngay giai đoạn tạm giữ”, ông Toàn nói.
 
Việc công an sẽ thực hiện cấp giấy đi đường có nhận diện, nhưng cảnh sát khu vực sẽ tiếp nhận thông tin và hướng dẫn các đối tượng được cấp giấy đi đường như vậy là mua thêm việc cho lực lượng này, trong khi họ đang tham gia lực lượng chống dịch, đồng thời sẽ gây nên nhiều hệ lụy khác, ông Toàn đề nghị Hà Nội phải tìm biện pháp khác.
 
Trả lời báo chí, nguyên Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, vấn đề quan trọng lúc này là tăng cường ý thức trách nhiệm, ý thức pháp luật, thực hiện các biện pháp an toàn từ điểm dân cư, các nơi dễ tập trung đông người chứ không phải tập trung vào quản lý giấy đi đường.
 
Như vậy có nghĩa là phải đưa ra được các biện pháp dài hơi trong phòng chống dịch, thậm chí bây giờ chống dịch không được cực đoan.
 
"Thủ tướng đã nói bây giờ chúng ta phải sống chung với dịch, có nghĩa chúng ta phải tổ chức các biện pháp để phòng chống dịch ngay trong các gia đình cũng như ở công sở… chứ không phải là câu chuyện đi đường hay không đi đường", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
 
Theo ông Nhưỡng, đi đường là một câu chuyện rất bình thường, nếu chúng ta cản trở việc này, thậm chí gây ách tắc, gây ra các tụ điểm trong quá trình thực hiện chính sách, kiểm tra giấy tờ sẽ có nguy cơ xảy ra tiêu cực như lây nhiễm chéo… thì hậu quả còn ghê gớm hơn rất nhiều so với những vấn đề khác.
 
"Theo tôi, giấy đi đường là không cần thiết, giao cho ai thực hiện cũng không cần thiết, thậm chí có nguy cơ sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác mà chúng ta chưa hình dung được. Bản thân việc cấp giấy đi đường đã ách tắc rồi chứ chưa nói việc kiểm tra trên đường.
 
Như vậy, cả khâu đầu và khâu cuối đều có vấn đề nên người dân mới cảm thấy bức xúc. Vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức phòng chống dịch chứ không phải là thực hiện các biện pháp cực đoan", ông Nhưỡng cho biết thêm.
 
Hà Nội đã 4 lần ban hành quy định về mẫu giấy đi đường, nhưng mỗi lần ban hành đều có những phản ứng và Hà Nội đã kịp thời điều chỉnh. Người dân mong rằng chính quyền hãy thực hiện công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, không nên có nhiều thủ tục phiền hà, có thể gây ra những hậu quả đi ngược với tinh thần phòng, chống dịch Covid-19.
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top