Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 1 năm 2017 | 2:13

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé: Bảo tồn và giữ rừng biên cương

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa bàn 5 xã thuộc biên giới Việt - Lào của huyện Mường Nhé (Điện Biên), diện tích đất quy hoạch cho khu bảo tồn là 45.581ha, diện tích được giao quản lý 45.132,13ha. Hiện, diện tích đất có rừng là 33.061,93ha, độ che phủ rừng đạt 73,26%.

Đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng

Hoạt động phối hợp tuần tra bảo vệ rừng với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: Những năm qua, các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) được đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả, công tác quản lý bảo vệ rừng và sử dụng rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng độ che phủ của rừng từ 68% (năm 2012) lên 73,26% (năm 2016); góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường vai trò chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai lũ lụt và bảo vệ nguồn nước; góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân.

Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng kiểm lâm từ hạt đến xã đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy chính quyền địa phương các cấp về các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); cán bộ kiểm lâm đã bám địa bàn xã được phân công thực hiện quản lý rừng “tận gốc”. Các vụ khai thác rừng trái phép, đặc biệt là đối với gỗ quý hiếm phần lớn đã được kiểm lâm phát hiện và ngăn chặn kịp thời; tình trạng khai thác lâm sản, đến nay về cơ bản đã được ngăn chặn.

Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm đáng kể, trong 5 năm (2012-2016), số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý là 23 vụ, trong đó phá rừng 3 vụ, khai thác lâm sản 4 vụ, vi phạm các quy định của Nhà nước về PCCCR 3 vụ, vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng 13 vụ. Phạt hành chính 33,8 triệu đồng. Đặc biệt, đơn vị đã không để xảy ra các vụ khai thác rừng, cháy rừng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Ngoài ra, Ban quản lý còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã vùng đệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về BVPTR, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, hướng dẫn cho nhân vùng đệm thực hiện sản xuất nương rẫy theo quy hoạch, phát dọn thực bì trên diện tích nương, ruộng cố định theo quy định.Thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, từ năm 2012 đến năm 2016, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn phối kết hợp với UBND 5 xã vùng đệm và các lực lượng đóng chân trên địa bàn tổ chức 315 buổi học tập, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 15.436 lượt người.

Tác động dịch vụ môi trường rừng

Ông Tâm cho biết thêm, Ban quản lý đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2013 đến nay. Qua 4 năm thực hiện, bước đầu đánh giá chính sách chi trả DVMTR đã góp phần đáng kể trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của đơn vị. Tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là 31.211,10 ha.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán .

Trong đó, từ năm 2013 - 2015, đơn vị giao khoán cho 34 nhóm hộ là người dân và các đơn vị vũ trang, các đoàn thể xã bảo vệ 18.731,05ha. Hàng năm, căn cứ vào kết quả nghiệm thu Ban quản lý giao bổ sung thêm diện tích bảo vệ cho 49 tổ chức cộng đồng thôn bản là  26.523,65ha, với 1.550 hộ tham gia. Số tiền đơn vị chi trả cho các nhóm nhận khoán qua các năm trên 7,4 tỷ đồng.

Việc triển khai chính sách không chỉ giúp người dân vùng đệm tăng thu nhập từ rừng mà còn trực tiếp giúp cán bộ cơ quan chuyên môn nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Về ý thức của người dân, từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, người dân được tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của rừng, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, hàng năm người dân có thêm thu nhập đáng kể từ nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chi trả DVMTR là chính sách có hiệu quả phát triển kinh tế rừng bền vững cả về xã hội và môi trường.

Đối với đơn vị, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần to lớn trong công tác quản lý, BVPTR, PCCCR của đơn vị. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé quản lý bảo vệ trên 45.000ha rừng và đất rừng đặc dụng. Với địa hình rộng lớn, tình hình dân di cư tự do diễn biến phức tạp, nạn săn, bẫy bắt, khai thác các loại lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra, với biên chế hiện có của đơn vị là 23/26 cán bộ, viên chức thì công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.

Về hiệu quả BVPTR, qua thống kê từ năm 2012 đến nay thấy, số vụ vi phạm lâm luật giảm từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Nếu như năm 2012, trên địa bàn xảy ra 5 vụ phá rừng và khai thác gỗ trái phép trong khu bảo tồn, năm 2014 xảy ra 1 vụ, thì từ năm 2015 đến nay, không xảy ra vụ phá rừng và khai thác gỗ trái phép nào.

Năm 2012-2013, diện tích rừng của Khu bảo tồn là 31.211,1ha (Quyết định 1167/UBND tỉnh Điện Biên), độ che phủ 68%. Năm 2015-2016 diện tích rừng là 33.061,93ha, độ che phủ 70% (theo kết quả kiểm kê rừng của đơn vị được phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Điện Biên năm 2015).

Qua đó cho thấy chính sách chi trả DVMTR đã và đang đóng góp rất lớn trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân vùng đệm khu bảo tồn và góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đơn vị.

Vẫn còn những khó khăn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do thiếu nhân lực, địa hình khu bảo tồn bị chia cắt mạnh, không có đường tuần tra bảo vệ rừng nên việc tuần tra thường đi theo các khe suối và các đường mòn, khi xảy ra cháy rừng, công tác tiếp cận đám cháy gặp nhiều khó khăn.

Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau nên vật liệu cháy có độ ẩm thấp tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Mùa mưa công tác tuần tra rừng hạn chế do các suối nước lớn và trơn trượt rất nguy hiểm.

Đời sống người dân khu vực vùng đệm Khu bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu là đồng bào dân tộc, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, quản lý lâm sản, đa dạng sinh học còn hạn chế do vậy công tác truyền thông, tuyên truyền còn gặp khó khăn.

Dân cư vẫn chưa được sắp xếp ổn định tại các xã vùng đệm, người dân vẫn lén lút vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái, đa dạng sinh học.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Tâm cho biết thêm, Ban quản lý quyết tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng; triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đệm; thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục kêu gọi sự đầu tư hợp tác đối với cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình dự án nghiên cứu khoa học trong khu bảo tồn; đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được thành lập theo Quyết định số 1019/QĐ/UBND ngày 03/10/2005 của UBND tỉnh Điện Biên với diện tích 45.581ha, nằm trên địa phận các xã: Sín Thầu, Chung Chải (nay là 2 xã Chung Chải và Leng Su Sìn), Mường Nhé, Nậm Kè huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Vương Trang

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top