Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 11 năm 2017 | 4:29

Báo chí chính thống vẫn là dòng thông tin chủ lưu

“Gần đây, sai phạm của báo chí là rất lớn. Những sai phạm của báo chí đó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam vẫn là dòng chủ lưu”.

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội hôm nay (17/11).

Đại biểu Mong Văn Tình chất vấn: Như chúng ta đã biết báo chí là loại hình truyền thông có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ và có vai trò to lớn trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội, trong thời gian qua báo chí nước ta đã phát huy được thế mạnh của mình là thông tin nhanh, nhạy, kịp thời, phát hiện, biểu dương nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, tích cực, đấu tranh chống lại việc xấu, biểu hiện tiêu cực trong xã hội, làm cầu nối nước ta đối với thế giới, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiểm tra hệ thống hạ tầng thông tin truyền thông tại Hội nghị cấp cao APEC. Ảnh: Nguyễn Đông

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà báo chí nước ta trong thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, nhược điểm, trong đó theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông là tình trạng vi phạm chủ yếu liên quan đến việc thông tin sai sự thật, thông tin chưa chính xác, làm uy tín của nghề báo nói chung bị giảm, thậm chí thông tin sai sự thật có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn con người. Trên phương diện quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, Bộ trưởng và ngành truyền thông thông tin sẽ có những giải pháp như thế nào để giải quyết tình trạng trên?

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn chia sẻ, đây cũng là một vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vai trò của báo chí từ trước đến nay đã thể hiện rất rõ ràng. Nếu không có báo chí thì mọi mặt của đời sống xã hội không được phản ánh đầy đủ như hiện nay. Từ khi Đảng thành lập đến nay thì báo chí luôn luôn đồng hành và phản ánh mọi mặt hoạt động của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí, báo chí đi tiên phong, góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, đưa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào cuộc sống.

Phải nói vai trò báo chí rất lớn trong mọi bước thành công của Đảng, Nhà nước, của đất nước thì đều có vai trò của báo chí. Tuy nhiên, gần đây ta có thể thấy rằng những sai phạm của báo chí là rất lớn. Những sai phạm của báo chí đó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu, bên cạnh đó thì sai phạm cũng phải đáng báo động.

Luật Báo chí năm 2016 đã khẳng định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trong báo chí nhưng cũng quy định rất rõ trách nhiệm quyền hạn của cơ quan báo chí. Việc đăng tải thông tin xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân là hành vi được cấm nêu rất rõ trong Luật báo chí năm 2016 tại Điều 9. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan chỉ đạo để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về báo chí. Đặc biệt là quy định liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí và hoạt động báo chí.

Trong năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí. Có thể nói năm 2016 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn, thông tin gây phương hại đến lợi ích của quốc gia nên cũng có hai cơ quan báo chí bị xử lý và có thời điểm chỉ trong một tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật. Riêng vụ nước nắm đã có 50 cơ quan báo chí bị xử lý. Một thông tin sai sự thật về vụ một cháu bé tự tử ở Gia Lai, có gần 12 cơ quan báo chí bị xử lý. Như vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra xử lý rất nghiêm, ngoài ra xử lý các việc sai phạm khác khi báo chí đưa tin cố ý hoặc vô tình xâm hại đến lợi ích của nhà nước, của nhân dân đều được xử lý nghiêm.

Phát hiện 27 cuộc tấn công mạng tại Hội nghị APEC

Đề cập tới tấn công mạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói hiện tượng này ngày càng phổ biến; dẫn tới lộ, lọt thông tin và thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. Đây cũng là vấn đề với nhiều quốc gia khác.

Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Riêng tại Hội nghị APEC, phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công. 

"Không có hệ thống thông tin nào an toàn tuyệt đối trong thời gian dài nên công tác đảm bảo an toàn thông tin phải liên tục", ông nói.

Hạn chế được lãnh đạo ngành Thông tin Truyền thông chỉ ra là, hiện có 41% cơ quan, tổ chức trên toàn quốc không thực hiện đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% chưa triển khai các biện pháp an toàn thông tin...

"Phải xác định đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, mỗi gia đình và tổ chức", ông nói. 

"Gỡ 5.000 video xấu độc trên Youtube"

Lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông cho biết Việt Nam đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook...

"Trên Youtube, chúng tôi đã cố gắng và mới gỡ được trên 5.000 video xấu độc. Tuy nhiên lượng video đưa lên là rất lớn, do vậy cơ quan quản lý phát hiện video nào vi phạm thì sẽ chuyển họ xử lý. Quá trình làm việc với Goolge, Youtube, Bộ Thông tin Truyền thông nhận được sự hợp tác tốt hơn so với Facebook", ông Tuấn nói và cho hay, trong cuộc gặp mới đây với giới chức Mỹ, ông đã đề cập vấn đề này và có ý "chê Facebook". 

Thời gian tới, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội. Cùng với đó, những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng vì cơ quan quản lý không thể rà soát hết được 53 triệu người dùng mạng xã hội. 

Tranh luận về nội dung trên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì Việt Nam phải có biện pháp để giữ chủ quyền trên không gian mạng, không thể chỉ "trách móc, vỗ vai" là xong. 

"Việt Nam không phải đất hoang để hãng nước ngoài nào đó cứ làm ăn mà ta không thu thuế gì cả", ông Kim bày tỏ quan điểm.

"Bốn nhà" cùng phát triển mạng xã hội trong nước

Trả lời chất vấn về mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói đây là vấn đề toàn cầu, các nước đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nước Nga có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet, Trung Quốc có mạng xã hội riêng..., còn các nước khác hầu hết phụ thuộc vào Facebook, Google.

Theo Bộ trưởng, lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge, nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Hiện có mạng trong nước đã thu hút 70 triệu người dùng nhưng con số ngày càng suy giảm, so với các mạng lớn của nước ngoài thì vẫn khiếm tốn.

Ông Tuấn cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh, khi đó mới có cơ sở tin tưởng mạng xã hội trong nước cạnh tranh Facebook, Goolge trong 5-7 năm tới.

Bộ trưởng Tuấn cũng cho rằng Việt Nam phải thực hiện mô hình "4 nhà", gồm nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung vào cuộc một cách tập trung. "Đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của 2 mạng xã hội toàn cầu hiện nay", ông nói. 

D.T

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top