Những năm qua, báo chí đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp và PTNT, nhất là truyền tải, phổ biến khoa học công nghệ tiên tiến đến với nông dân nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.
Từ đó, hình thành nền nông nghiệp thông minh, nông dân canh tác trong những trang trại thông minh, người nông dân thông minh là người làm chủ được tất cả.
Trang bị cho nông dân kỹ năng sản xuất và tư duy kinh tế
Tham luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ suy nghĩ về tăng thu nhập của người nông dân bằng việc suy nghĩ về câu hỏi của một nhà báo: “Nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân?”.
“Không dễ để đưa ra câu trả lời chuẩn xác. So với năm 2008, năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, cao hơn gấp 4 lần. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện. Một số hộ nông dân trở nên khá giả và giàu có nhờ vào sản xuất, kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, đây là số liệu bình quân, trong khi mức độ phân nhóm nông dân vốn luôn đa dạng và trải rộng, khó mà có thể đưa ra nhận định chung, vì khi ấy có thể đúng với nhóm này, nhưng lại không đúng với nhóm khác”, Bộ trưởng phân tích.
Theo đánh giá của tư lệnh ngành Nông nghiệp, thời gian qua, chủ yếu hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho tốt nhất, năng suất cao nhất, sản lượng nhiều nhất. Công tác quản lý, điều hành sản xuất được quan tâm sát sao. Cả guồng máy vận hành toàn lực để bảo đảm những vụ mùa bội thu, phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời…
Vậy mà, điệp khúc buồn “được mùa, mất giá” cứ khiến người sản xuất thấp thỏm âu lo theo từng mùa vụ. Nông sản dư thừa, lúa thóc đầy đồng, lợn gà đầy chuồng, cá tôm đầy ao, nhưng không đưa ra được thị trường.
Trả lời câu hỏi chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá đến bao giờ hết, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ, ông “sợ nhất” câu hỏi “đến bao giờ” được nêu tại Quốc hội, song khẳng định, Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm và sẽ làm hết sức mình để giải quyết vấn đề trên.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ cảm ơn 14 triệu nông dân đã rất năng động, linh hoạt, góp phần vào kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông, lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD, trong bối cảnh rất khó khăn, tưởng chừng như không thể nào đạt được.
Dẫn câu chuyện nông sản của một số địa phương như: cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, khi các địa phương, lãnh đạo địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại, hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương, mang một lời hiệu triệu cho các doanh nghiệp về để kết nối với nông sản của mình.
Bộ trưởng chia sẻ: “Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng” đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi, để thích ứng tốt hơn với một thế giới đầy rẫy “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ”. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân - những người trực tiếp hằng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản. Sự thay đổi căn cơ nhất bắt đầu từ việc xác định nhiệm vụ “nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân và người dân nông thôn” là ưu tiên hàng đầu tại Dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
“Để có thể trở thành chủ thể, người nông dân phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của “người làm chủ” – làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn. Muốn vậy, người nông dân phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình lại trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Đồng thời, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Do đó, toàn ngành đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tri thức hoá nông dân
“Tri thức hoá nông dân” là điều các quốc gia phát triển đã làm để giúp người nông dân trở thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ. Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình. Từ đó, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đồng thời, họ sẽ biết tối ưu hoá quy trình sản xuất, tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá lợi nhuận.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, mọi sự hỗ trợ đều là vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi. Vì lẽ đó, mọi sự hỗ trợ phải bắt đầu từ khuyến khích người nông dân thay đổi, trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực với cuộc sống, cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ.
Cao hơn nữa, từng bước “làm giàu” cho nông dân. Điều này đồng nghĩa với việc giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. “Làm giàu” cho nông dân là trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất và cả tư duy kinh tế.
“Làm giàu” kiến thức cho nông dân là yêu cầu bắt buộc. Nghề nông là nghề có tác động trực tiếp và bền sâu đến sức khoẻ, đến môi trường. Vì lẽ đó, “làm giàu” cho nông dân, ở đây, chính là giúp người dân tiếp cận và thấu hiểu kiến thức về gìn giữ môi trường, về bảo vệ sức khoẻ, trước hết là của chính mình, của người tiêu dùng, và của cộng đồng; giúp họ hiểu được “sản xuất, kinh doanh nông sản là trao đi sức khoẻ, nhận lại niềm tin”.
Song song là “làm giàu”, đời sống tinh thần cho nông dân, khơi gợi ở họ thái độ sống tích cực, sẵn lòng đón nhận sự thay đổi; giúp người nông dân hiểu rõ sức mạnh của “mua chung – bán chung”, của tinh thần “hợp tác-liên kết”, để chủ động tham gia vào các mô hình, tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. Bên cạnh đó, giúp đỡ họ mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.
Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết... Đã xuất hiện một số mô hình khá hiệu quả như: “Hội quán” ở Đồng Tháp, “Nông hội” ở Gia Lai, Kon Tum, “Ngôi nhà trí tuệ” ở Hà Tĩnh và những mô hình tương tự ở nhiều địa phương khác - từng bước làm chiếc cầu nối giữa Nhà và Nước, hình thành và thắt chặt tính cố kết cộng đồng, hướng đến hợp tác trong cuộc sống và hợp tác trong sản xuất.
Tiếp cận nông nghiệp thông minh
Được trang bị mọi kiến thức và kỹ năng, nông dân có thể tiếp cận dễ dàng với nông nghiệp thông minh.
Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tự động hóa, cơ giới hóa…), kết hợp với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn. Hiện, robot nông nghiệp là lĩnh vực đang bùng nổ. Theo ước tính của báo The Guardian (Anh), thị trường toàn cầu cho những robot nông nghiệp được dự đoán sẽ tăng từ 5,4 tỷ USD (năm 2020) lên hơn 20 tỷ USD (năm 2026).
Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Điều này cho thấy những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Song để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh, phù hợp, dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu và hài hòa nhất, đạt hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh với thị trường, đây được xem là yêu cầu quan trọng nhất trong tư duy kinh tế nông nghiệp, bởi những thay đổi về nhu cầu của thị trường như: Chất lượng, khối lượng, thời gian đều ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Do đó, tiếp cận thông minh với thị trường, sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí sản xuất cái gì, lúc nào, khối lượng bao nhiêu và bán đi đâu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh về tài nguyên tự nhiên, khí hậu, con người. Ngoài ra, xuất khẩu vào mỗi thị trường, sản phẩm nông nghiệp cũng cần đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng riêng của thị trường đó. Đây được xem là những yếu tố đóng vai trò quyết định đến định hướng và quy hoạch sản xuất từng loại sản phẩm.
Không chỉ tiếp cận thông minh với thị trường, sản xuất nông nghiệp thông minh còn tiếp cận thông minh trong sử dụng nguồn tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp. Tùy vào các điều kiện đặc thù của tự nhiên, việc sử dụng đất phù hợp với từng loại cây trồng và hệ thống cây trồng đã được các địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu.
Làm nông nghiệp thông minh ở Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều mô hình trang trại gia đình ứng dụng nông nghiệp thông minh thành công ở Việt Nam. Được xem là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, việc trồng trọt ở Lâm Đồng đã có những cải tiến để trở nên “thông minh” hơn, ngay cả khi không áp dụng công nghệ hiện đại.
Đến những khu vườn CNC ở Lâm Đồng, hiếm gặp cảnh nông dân làm việc, hoặc có thì cũng rất ít. Không phải người nông dân không còn mặn mà với ruộng vườn, mà bởi máy móc, phần mềm đã thay họ làm bớt những việc này.
Là một trong những đơn vị sản xuất nông nghiệp CNC đầu tiên ở Lâm Đồng, Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P có 32ha đất sản xuất nông nghiệp với hơn một nửa trong số đó được ứng dụng CNC, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Những vườn rau được trang bị hệ thống nhà kính hiện đại với hệ thống châm phân, tưới nước hoàn toàn tự động.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty, cho biết, nếu như 1ha đất canh tác theo kiểu thông thường cần 8-10 nhân công thì nông nghiệp CNC chỉ cần 4-5 người làm việc, tiết kiệm được 1 nửa chi phí lao động.
Ở những khu vườn CNC, nông dân chỉ phải làm 2 việc: trồng và thu hoạch. Tất cả các khâu từ tưới nước, chăm bón, điều hoà nhiệt độ, độ ẩm… đã có máy móc và phần mềm xử lý hoàn toàn tự động, đong đếm liều lượng chính xác đến từng li.
Ông Cường chia sẻ: “Chỉ tính riêng việc tưới nước, mỗi ngày phải tưới đủ 16 lần, mỗi lần 6 phút. Nếu làm theo kiểu truyền thống, thì nhân công nào tưới cho xuể 16 lần cho 17ha trong 1 ngày. Mà nếu có đi nữa thì không chỉ tốn nhân lực mà lượng nước tưới cũng hao hụt rất nhiều”.
Anh Tô Quang Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc xây dựng trang trại trồng rau xà lách thủy canh tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương). Giữa năm 2015, anh Dũng quyết định đầu tư xây nhà kính, làm hệ thống thủy canh để trồng rau. Ban đầu, chi phí hệ thống trồng rau thủy canh khá cao, ở mức khoảng 800 triệu đồng/sào (1.000m2) nhưng thị trường tiêu thụ mới là vấn đề khó. Những vụ đầu, trang trại chỉ bán được khoảng 100kg rau mỗi ngày. Đến năm 2016, trang trại đã ký kết xuất khẩu được những container rau thủy canh đầu tiên cho đối tác tại Hàn Quốc. Cho đến bây giờ, trang trại vẫn duy trì và phát triển thị trường này, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng nên được khách hàng ưa chuộng.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, hiện diện tích nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đạt 63.108 ha, tăng 1.700ha so với năm trước, tương ứng với 21% tổng diện tích canh tác. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 190,9 triệu đồng/ha/năm, bằng 1,85 lần cả nước và năng suất lao động nông nghiệp đạt 61,9 triệu đồng/người/năm, bằng 1,17 lần so với bình quân cả nước.
Thành phố Đà Lạt là địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân như Dalat Hasfarm, làng hoa Vạn Thành… đã tiếp cận, mạnh dạn đầu tư các hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây và ghi lại nhật ký sản xuất chi tiết qua một phần mềm quản lý dành riêng cho nông trại.
Nay, công nghệ cũng hiện diện trong cả khâu tiêu thụ bằng cách tận dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... để chào bán. Nông sản được chuyển thẳng đến người tiêu dùng dễ dàng mà không phải trải qua nhiều khâu trung gian nữa. Nhờ công nghệ kiểm soát tốt tất cả các khâu, ngày càng nhiều nông sản Lâm Đồng đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ…
Hãy trở thành nông dân thông minh
Tại xã Vũ Hòa (Đức Linh - Bình Thuận), nhiều nông dân sau khi ứng dụng nông nghiệp thông minh đã thoát nghèo, vươn lên thành công. Chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát ở xã Vũ Hòa cho biết, hợp tác xã có 33 hội viên, diện tích trồng rau thủy canh gần 2.000m2. Từ ngày chuyển đổi sang mô hình trồng rau sạch thủy canh công nghệ cao, các hộ nông dân của xã Vũ Hòa đã thoát nghèo bền vững và ngày càng có cuộc sống ổn định hơn, thu nhập bình quân 7-9 triệu đồng/người /tháng, cao hơn mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng khi trồng các cây nông nghiệp khác.
“Chỉ tính riêng gia đình tôi, mỗi năm thu nhập từ trồng rau thủy canh khoảng 300-350 triệu đồng. Trước kia, gia đình chỉ trông vào thu nhập từ cây cao su, tuy nhiên, làm cây cao su rất vất vả, phải bỏ vốn nhiều. Sau khi thấy trồng cây cao su cho hiệu quả không cao, tôi tìm hiểu qua sách báo, lên mạng tìm hiểu về mô hình trồng rau thủy canh và thông qua hướng dẫn của Hội Nông dân, Hội Làm vườn, gia đình mạnh dạn chuyển đổi 300m2 đất trồng cây cao su sang trồng rau thủy canh công nghệ cao.
Sau 1 năm trồng rau thủy canh thấy có hiệu quả và năng suất cao, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích lên 600m2 và hiện nay, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cao su khoảng 1.200m2 sang chuyên trồng rau thủy canh”, chị Hòa cho biết thêm.
“Vừa đi chơi nhưng vẫn quan sát, theo dõi, nắm bắt được các quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tình trạng sức khỏe của đàn lợn và chỉ đạo sát sao công nhân thông qua cài đặt phần mềm trên chiếc điện thoại di động”, đó là tâm sự của anh Vũ Hoàng Lân, xã An Hòa (Tam Dương - Vĩnh Phúc).
Nắm bắt được xu thế của chuyển đổi số, anh Lân đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo hướng công nghệ hiện đại trên diện tích 6.000m2 gồm 4 chuồng nuôi lợn thịt, 2 chuồng nuôi lợn giống và lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến phục vụ cho chăn nuôi.
Hệ thống chuồng nuôi được thiết kế, phân khu riêng biệt theo số tuổi, cân nặng để quản lý và theo dõi cùng với hệ thống đèn điện, quạt điều hòa không khí hoạt động 24/24 giờ, duy trì ánh sáng, không khí thông thoáng, nhiệt độ ổn định suốt bốn mùa.
Mỗi giờ ăn, lượng thức ăn, thời gian tiêm phòng vaccine đều được ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký treo ở mỗi chuồng nuôi. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, qua đó giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho đàn vật nuôi, qua đó tạo điều kiện cho đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Nhờ vậy, nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình luôn “âm tính” với dịch bệnh.
Theo anh Lân, đầu tư nuôi lợn theo công nghệ cao giúp giảm chi phí nhân công, tiết kiệm vật tư, tránh được rủi ro dịch bệnh cho đàn lợn và tăng chất lượng thịt. Bình quân, mỗi tháng gia đình xuất chuồng 15 tấn lợn hơi, giá bán bình quân 55-60 nghìn đồng, doanh thu đạt hơn 800 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập mơ ước của nhiều nông dân trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vai trò kết nối của báo chí
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhất là sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đóng vai trò rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Báo chí là kênh truyền thông quan trọng, đa chiều, thông tin nhanh, giúp cho nông dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, báo chí góp phần phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản từ việc tuyên truyền đến người dân về sản xuất nông sản an toàn, thông tin kịp thời về thị trường, tiến bộ kỹ thuật, cách làm mới, sản phẩm mới, những điển hình tiên tiến trong sản xuất, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ vậy, báo chí còn phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách khi vào cuộc sống để các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. Báo chí là diễn đàn của nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối giữa Dân với Đảng. Là đội quân chủ lực tuyên truyền, cổ động, tạo sự lan tỏa và nhiệt huyết nhân rộng những điển hình tiên tiến, dẫn dắt, định hướng nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng từng thời kỳ...
Nói về những người làm báo mảng nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khi nhà báo đi xuống đồng, lội ruộng, gặp bà con thì phải luôn đặt câu hỏi, tại sao nông dân còn nghèo? Tại sao nông thôn chưa phát triển? Tại sao chuỗi giá trị nông sản bị đứt gãy? Tại sao chúng ta muốn ăn sạch nhưng thực phẩm lại không an toàn?...
Bộ trưởng cho rằng, muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phải có đội ngũ nông dân được chuyên nghiệp hoá.
Muốn có một nền nông nghiệp tri thức trong nền kinh tế tri thức, người nông dân phải được tri thức hoá.
Muốn tri thức hoá nông dân phải thông qua nhiều giải pháp: cấu trúc lại hệ thống giáo dục nghề từ bậc thấp tiến lên bậc cao, từ ruộng đồng tiến vào trường học, từ giáo trình cho người học đến phương pháp cho người dạy, từ hệ thống khuyến nông cơ sở đến đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, từ sách vở, tài liệu… đến thực tế.
Muốn có một nền nông nghiệp thông minh, người nông dân phải tiếp cận được tiến bộ khoa học mới nhất, thông minh minh nhất.
Để tiếp cận và kết nối, hình thành những vấn đề trên, vai trò của báo chí, đài phát thanh, các kênh truyền thông chuyên biệt dành cho nông dân và người dân nông thôn là không thể thiếu. Báo chí sẽ luôn luôn là người bạn song hành cùng người dân trải qua những đổi thay của thời cuộc.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.