Nắng nóng kéo dài và mưa lũ là những hình thái thời tiết đe dọa, gây thiệt hại với nghề nuôi trồng thủy sản.
Do đó, ngành chức năng khuyến cáo các địa phương và hộ nuôi cá cần chủ động các giải pháp để bảo vệ an toàn cho thủy sản nuôi trồng, giảm thiểu thiệt hại.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2022, nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán. Khả năng nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày. Đó là những điều kiện thời tiết bất lợi, nguy cơ gây thiệt hại đối với nghề nuôi trồng thủy sản. Thực tế những năm qua, vào thời điểm nắng nóng kéo dài hoặc mực nước xuống thấp, nhất là trên hồ Hòa Bình đã xảy ra tình trạng cá chết. Tháng 7/2021, hàng trăm lồng, bè nuôi cá của người dân vùng lòng hồ Hòa Bình thuộc một số xã của huyện Đà Bắc đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, với trên 33 tấn cá bị thiệt hại. Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là cá bị ngạt do thiếu oxy.
Năm nay, để bảo vệ thủy sản, hạn chế thiệt hại, Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình khuyến cáo các địa phương và các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp khi thời tiết nắng nóng, mưa lũ. Đối với cá nuôi trong ao hoặc nuôi ở lồng, bè trên sông/hồ cần tiến hành thu hoạch khi cá đạt kích cỡ thương phẩm. Đồng thời, duy trì mức nước ao trên 1,5 m, tu sửa cống, đập tràn, bờ ao để đảm bảo mực nước trong ao cân bằng với mực nước bên ngoài đề phòng mưa to, nước lớn làm vỡ bờ ao. Đặt lưới chắn xung quanh bờ ao nhằm hạn chế cá nuôi thoát ra ngoài, thực hiện bón vôi cải thiện môi trường định kỳ.
Các lồng, bè nuôi duy trì độ sâu 2,5 - 3 m, gia cố chắc và di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Người dân cần thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi sạch sẽ, thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất thải. Sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước vào ban đêm để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong ao, lồng, bè nuôi. Ngoài ra, bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Bà Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm: Khi nước sông, hồ xuống thấp cần thường xuyên treo túi vôi ở lồng, bè nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường, di chuyển lồng cá đến các vị trí có dòng chảy hoặc dẫn nước từ các khe suối chảy vào lồng, bè và kết hợp với quạt khí. Khi thấy nước đục, cá kém ăn, bơi lội chậm sử dụng bạt nilon làm tráng lưu giữ tạm đàn cá còn lại và bơm nước sạch, tạo dòng nước chảy liên tục vào tráng.