Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 8 năm 2018 | 13:0

Chủ động bảo vệ vật nuôi mùa lũ về

Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bắt đầu tái đàn heo sau thời gian thua lỗ kéo dài. Lúc này, bên cạnh vấn đề nguồn cung con giống, việc phòng bệnh cho vật nuôi được quan tâm hàng đầu.

vn.jpg
Bà Chi quan tâm tiêm ngừa đúng lịch và đầy đủ các loại bệnh cho đàn gia súc của mình.

 

Phòng bệnh là phương châm hàng đầu

Khoảng 2 tháng nay, giá heo hơi trên thị trường tương đối ổn định, hiện giữ mức khoảng 50.000 đồng/kg. Sau thời gian bỏ trống chuồng nuôi thì một bộ phận người dân đã bắt đầu tái đàn, nhưng chuyện tìm nguồn con giống tại chỗ không dễ dàng.

Bà Lê Thị Chi, ở ấp Trường Thuận A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, là một trong số ít người duy trì được đàn nái trong thời gian giá heo hơi tuột dốc, phấn khởi khoe: “Heo hơi có giá nên tôi bán heo con được lắm, trung bình từ 1-1,3 triệu đồng/con, trọng lượng 13-17kg/con. Bây giờ người ta kiếm heo con nhiều, mà mình không có đủ nguồn cung. Heo thịt cũng vậy, thương lái gọi điện đặt liên tục nhưng cũng không có hàng”.

Thị trường heo hơi đã ổn định, người nuôi bắt đầu manh nha tái đàn trở lại. Trước xu hướng này, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần cân nhắc tái đàn với quy mô vừa phải, không ồ ạt. Đồng thời, có biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng tốt để giảm thiểu rủi ro. Với thời tiết nắng mưa đan xen, bà con cần lưu ý vệ sinh chuồng trại thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh giúp chăn nuôi được an toàn.

Còn với hộ ông Bùi Duy Khương, ở ấp 10, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, từ khi bắt đầu nuôi gà với quy mô lớn, đã xem phòng bệnh là phương châm hàng đầu. Trại gà của ông có quy mô khoảng 1.000 con đang chuẩn bị xuất bán. Quá trình chăm sóc nuôi dưỡng được thực hiện kỹ lưỡng để không phát sinh rủi ro trong chăn nuôi. Ông Khương tâm đắc: “Ban đầu, nhờ người quen hướng dẫn kỹ thuật rồi tôi nghiên cứu tìm hiểu thêm về đặc tính của gà. Sau 2 năm tập tành chăn nuôi, tôi cũng tự tin hơn. Hiện, số gà trong chuồng chuẩn bị xuất bán, kỳ vọng được giá cao”.

Ông Khương cho hay, trung bình một đợt thả nuôi từ gà con đến khi xuất bán  khoảng 90 ngày. Mỗi năm ông nuôi 2 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 3 tháng. Thời gian đó, ông xử lý chuồng bằng vôi bột, tiêu diệt mầm bệnh bằng thuốc khử trùng do thú y địa phương khuyến cáo. Quan trọng hơn là phải chọn con giống từ cơ sở cung cấp giống chất lượng, uy tín, sạch bệnh, có như thế chăn nuôi mới đảm bảo được an toàn. Luôn giữ chuồng trại thông thoáng, tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho gà. Nhờ vậy mà 2 năm nay, ông có nguồn thu nhập khá từ đàn gà của mình.

Thời tiết như hiện nay, người nuôi vịt chạy đồng cũng chủ động bảo vệ đàn. Với kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi, bà Lê Thị Thu Mộng, ở ấp 2, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Thời tiết mưa nhiều, nắng đan xen rất dễ làm cơ thể con vịt yếu đi. Mùa này vịt thường mắc bệnh sốt, thương hàn, nếu thấy biểu hiện bệnh là trị ngay. Định kỳ 6 tháng một lần tôi dọn chuồng, sát khuẩn sạch sẽ. Rồi 15-20 ngày là rải vôi, phun thuốc khử trùng một lần, không để mầm bệnh có cơ hội phát triển, gây hại cho vật nuôi”.

Tuân thủ “5 không”

Người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có ý thức, chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm để đạt hiệu quả cao nhất trong chăn nuôi. Mưa bão xuất hiện thường xuyên như hiện nay là yếu tố bất lợi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm; đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân cần quan tâm các giải pháp chăm sóc gia súc, gia cầm để tăng sức đề kháng, chống chịu với tác động bất lợi của ngoại cảnh.

Ông Lâm Khánh Toàn, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, cần bổ sung các vitamin và khoáng chất, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Nguồn nước uống của gia súc, gia cầm phải sạch và cần thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, máng ăn uống của vật nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng. Bên cạnh tiêm phòng đầy đủ, cần lưu ý kiểm tra sức khỏe của gia súc, gia cầm. Đặc biệt, cần tuân thủ và áp dụng “5 không”: không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh…

Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, về chuồng trại chăn nuôi mùa này cần đảm bảo khô ráo, sạch thoáng. Thực hiện tốt biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp với đặc tính của từng loại gia súc, gia cầm. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ trong và khu vực xung quanh chuồng nuôi, vệ sinh dụng cụ cho ăn của vật nuôi. Phun khử trùng trong và ngoài chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, cần chuẩn bị dự phòng một số thuốc thú y thiết yếu. Hơn hết, người chăn nuôi cần chủ động tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh; thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời khi có biểu hiện bất thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết; không bán hoặc phát tán gia súc, gia cầm bệnh, chết và chất thải của chúng ra xung quanh, tránh lây lan dịch bệnh…

 

 

 

 

Kỳ Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top