Ngày 25/2, Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa thông báo kế hoạch mua lúa vụ Đông Xuân 2019 của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TPHCM.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Long An xem mẫu gạo tại Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến. Ảnh: Báo Long An |
Theo đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ sẽ mua 1.500 tấn lúa vụ Đông Xuân năm 2019, nhập kho dự trữ quốc gia. Phương thức mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng tại cửa kho dự trữ Nhà nước.
Địa điểm nhập kho tại điểm kho Trâm Vàng thuộc Chi cục Dự trữ Nhà nước Tây Ninh (ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu).
Thời hạn mua thóc đến hết ngày 30/4/2019. Giá mua theo quyết định của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Cùng ngày, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TPHCM cũng thông báo kế hoạch mua dự trữ quốc gia 2.000 tấn lúa. Địa điểm mua tại cửa kho dự trữ thuộc Chi cục Dự trữ Nhà nước Long An (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh).
Thời gian mở kho mua từ ngày 1/3/2019. Thời hạn mua lúa đến hết ngày 30/4/2019.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ khẩn trương triển khai và hiện. Tổng cục Dự trữ nhà nước đã bán hồ sơ gói thầu mua lúa, gạo dự trữ năm nay.
Dự kiến vào đầu tháng 3 tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ công bố giá mua và tổ chức đấu thầu thu mua lúa gạo. Việc triển khai mua lúa gạo sẽ được thực hiện ngay để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lương thực cho nông dân.
Hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang tổ chức đoàn công tác đi khảo sát giá mua gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để xây dựng phương án giá mua gạo, báo cáo Bộ Tài chính quyết định giá mua để tiến hành mua gạo trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Philippines và 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm túc quy định mua dự trữ lưu thông theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
Vụ Đông Xuân 2018-2019 của ĐBSCL gieo trồng trên 1,597 triệu ha, năng suất ước đạt 69 tạ/ha, tăng 1 tạ so với vụ Đông Xuân 2017-2018. Sản lượng toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn lúa; trong đó, lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng 7,339 triệu tấn, tương đương 3,669 triệu tấn gạo.
Thông tin từ báo Cần Thơ cho biết tại các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, thương lái bắt đầu chạy ghe tìm mua lúa. Các doanh nghiệp chế biến gạo cũng hoạt động mạnh trở lại. Ở TP. Cần Thơ, giá lúa đã nhích lên thêm từ 100 - 150 đồng/kg so với những ngày trước. Lúa tươi của nông dân tại ruộng, giống IR 50404 từ 4.400 - 4.500 đồng/kg, giống Đài Thơm 8 giá 4.900 đồng/kg, loại Jasmine 85 giá 5.000 đồng/kg, OM 4900 giá 5.400 đồng/kg, OM 5451 giá 4.900 đồng/kg, RVT giá 5.900 đồng/kg…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm cánh đồng lúa đang thu hoạch tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Ảnh: Báo Đồng Tháp |
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về mua dự trữ lúa gạo, ngày 25/2, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa tại Long An, Đồng Tháp
Theo Sở NN&PTNT Long An, vụ Đông Xuân 2018 - 2019, sản lượng lúa của tỉnh ước khoảng 1,42 triệu tấn. Việc thu hoạch sẽ dứt điểm vào cuối tháng 3/2019. Toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 103 lượt cánh đồng, diện tích xuống giống trên 9.229ha, 2.952 hộ tham gia.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An đôn đốc doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải thu mua lúa của nông dân ở những diện tích liên kết. Thời gian tới, Long An cần mở rộng thêm diện tích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để nông dân chủ động sản xuất và có đầu ra ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin trong tháng 3, các bộ có liên quan sẽ tiến hành xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường, trong đó chú trọng Philippines, Malaysia.
Tại Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lãnh đạo tỉnh đã đến làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tại huyện Lai Vung.
Đại diện Vinafood 1 cho biết kế hoạch năm 2019 của Tổng Công ty dự kiến thu mua 1,6 triệu tấn lương thực các loại, trong đó có 1,36 triệu tấn lúa gạo và 80% lượng lúa gạo tiếp tục được thu mua tại các tỉnh ĐBSCL.
Đến thời điểm hiện tại, Vinafood 1 đã chỉ đạo 12 đơn vị thành viên và các chi nhánh trực thuộc thu xếp tài chính, bố trí lực lượng tập trung thu mua lúa gạo tại các nhà máy trên địa bàn khu vực ĐBSCL. Theo đó, tổng sản lượng gạo theo kế hoạch thu mua của Vinafood 1 trong quý I/2019 là 375.000 tấn, trong đó, gạo là 350.000 tấn, lúa là 25.000 tấn.
Hiện nay, các nhà máy đang tiến hành thu mua hết công suất, đến ngày 25/2 đã đạt lượng thu mua 178.000 tấn gạo. Từ nay đến hết tháng 3, Vinafood 1 sẽ tiếp tục thu mua thêm khoảng 172000 tấn gạo và 25.000 tấn lúa. Tại tỉnh Đồng Tháp, đơn vị sẽ thu mua 130.000 tấn lúa gạo. Việc thu mua vừa phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu giao hàng ngay, vừa tạm trữ để thực hiện nhiệm vụ kích cầu và tiêu thụ lúa, gạo cho bà con nông dân.
Trước những số liệu báo cáo từ Vinafood 1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong những tháng tiếp theo, đơn vị nên phát huy những kết quả đạt được và cố gắng đẩy mạnh thu mua lúa, gạo đạt mức nửa triệu tấn cho nông dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các sở, ngành tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ đơn vị trong việc xây dựng các khối liên kết cung ứng lúa gạo, đồng thời đề nghị bà con nông dân nên chủ động trong việc liên kết với doanh nghiệp để tránh rủi ro.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.