Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 78 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu...
Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ
Theo Cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, cơ quan này phát hiện nhiều lô trái tươi của Việt Nam xuất khẩu vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc do bị nhiễm các loài sinh vật gây hại. Tại Bình Thuận, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện nay, việc sử dụng mã số nhà đóng gói thanh long đã được cấp mã số của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa tuân thủ đúng quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói theo quy định. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và xuất khẩu trái thanh long trên thị trường quốc tế cũng như thị trường Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Công Thương Bình Thuận đã nhận được thông tin từ Sở Công Thương Quảng Ninh về việc thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh có nhiễm vi rút Sars-CoV-2 trên bề mặt. Theo đó, ngày 13/9/2021, Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu thành phố Đông Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc) có thông báo trên vỏ bao bì bọc trái thanh long và thùng carton đựng thanh long dương tính với vi rút Sars-CoV-2 của lô hàng trái thanh long (ruột trắng), có mã vùng trồng VN-BTHOR-0035, xưởng đóng gói VNBTHPH-051… Đến ngày 15/9, phía Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm lại và có kết quả âm tính. Do đó, lô hàng đã được cho phép tiếp tục vận chuyển bán cho đối tác Trung Quốc.
Trước tình hình trên, ngày 17/9, Sở Công Thương Bình Thuận đã có thông tin về tình hình xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh, gửi các sở, ngành, Hiệp hội thanh long và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh để nắm thông tin và phối hợp triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thanh long trong điều kiện ảnh hưởng dịch Covid-19.
Kiểm tra, giám sát, quản lý các vùng trồng, cơ sở đóng gói
Mới đây, ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số trên địa bàn.
Cụ thể, khẩn trương làm việc với Cơ sở nhà đóng gói L. L, Cơ sở K.S, Công ty TNHH TM - XNK G.T, Công ty TNHH TM DV T.T. D. Q và Cơ sở thu mua đóng gói thanh long C.T. Mục đích làm rõ việc các cơ sở xuất khẩu thanh long sử dụng mã số nhà đóng gói để xuất khẩu không đúng với tên cơ sở nhà đóng gói đăng ký đề nghị cấp mã số nhà đóng gói. Cơ sở nhà đóng gói chưa được cấp mã số nhưng sử dụng mã số nhà đóng gói đã được cấp của cơ sở khác để đóng gói thanh long xuất khẩu. Việc sử dụng mã số nhà đóng gói không đúng với tên cơ sở đăng ký cấp mã số, việc ghi nhãn hàng hóa để xử lý theo quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trên cơ sở kết quả làm việc, tham mưu, đề xuất cụ thể nội dung để Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo Cục Bảo vệ thực vật trong việc Cơ sở đóng gói thanh long L.L sử dụng mã số cơ sở đóng gói VN - BTHPH - 051 đã được cấp không tuân thủ đúng theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra việc sử dụng mã số nhà đóng gói, việc sử dụng mã vùng trồng đã được cấp; ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình dịch hại tại các vùng trồng thanh long đã được cấp mã số xuất sang Trung Quốc, chú ý các loài rệp gây hại. Trường hợp phát hiện các loài rệp là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vườn trồng hoặc tại cơ sở đóng gói được cấp mã số thì bắt buộc xử lý, loại bỏ triệt để khỏi lô hàng trước khi xuất khẩu. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp khắc phục các loài sinh vật gây hại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất và cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện đúng quy định.
Tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở nhà đóng gói thanh long theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh long Bình Thuận vừa chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu. |