Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 5 năm 2020 | 21:29

Bổ sung cháy rừng do tự nhiên là loại hình thiên tai

Cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Phòng, chống thiên tai đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù.

Bổ sung cháy rừng do tự nhiên là thiên tai đặc thù

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng của thiên tai nhất trên thế giới.

Đại diện cho cơ quan thẩm tra của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đối với cháy rừng có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai. Việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp, về phòng cháy và chữa cháy.

“Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thòi tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nên nguy cơ cháy rừng ở nhiều tỉnh/thành phố của nước ta luôn ở mức độ cao (cấp IV - nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng”, ông Phan Xuân Dũng nhận định.

 

ong-phan-xuan-dung.jpg
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên họp. Ảnh baotainguyenmoitruong.vn

 

Theo ông Dũng, thực tế, các vụ cháy rừng lớn đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài và có tính chất nghiêm trọng. Việc khống chế các vụ cháy này đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để ứng phó.

Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao; đe dọa đến tính mạng, tài sản hơn 9 -10 triệu người dân sinh sống ở trong rừng, ven rừng và gây ra nhiều hệ lụy khác. Do vậy, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo.

Quy định như vậy cũng sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy và chữa cháy khi cháy rừng ở quy mô lớn, do tác động bất lợi của tự nhiên, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành, phải huy động hỗ trợ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tạo được cơ chế để giải quyết hậu quả của cháy rừng

Một số ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung loại hình thiên tai “cháy rừng” vào trong dự thảo luật vì tính chất khốc liệt của loại cháy này và thiệt hại gây ra.

Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn TP Hải Phòng), trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng, khô hạn kéo dài có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng tự nhiên luôn ở mức cao. Hơn nữa, theo thống kê những năm gần đây, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều vụ cháy rừng tự nhiên. Do vậy, đại biểu cho rằng, cháy rừng do nắng nóng, hạn hán kéo dài ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng, chống, kiểm soát.

Các đại biểu cho rằng, việc quy định cháy rừng là một loại hình thiên tai sẽ tạo được cơ chế để giải quyết hậu quả của cháy rừng.

Liên quan nội dung này, đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) cho rằng, tại Việt Nam có một số loại thiên tai chưa được quy định trong luật đã gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống thiên tai. Do vậy, nội dung này nên giao Chính phủ hướng dẫn xác định mức cháy rừng như thế nào được coi là thiên tai.

 

chay-rung-da-nang_efeh.jpg
Vụ cháy rừng tại núi Sọ, TP Đà Nẵng

 

Về việc đưa sương mù vào như một loại hình thiên tai, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho biết, cử tri miền núi băn khoăn về việc đưa sương mù là hiện tượng thiên tai. Ở vùng núi, người dân sống quen với hiện tượng sương mù, không phải là hiện tượng bất thường. Sương mù dù có gây một số khó khăn trong cuộc sống, giao thông, nhưng thiệt hại không nhiều.

Do vậy, nếu chúng ta quy định sương mù là một hiện tượng thiên tai thì không hiểu nước Anh sẽ như thế nào? Nước Anh tự hào vì là một "xứ sở sương mù" thì chúng ta đưa thành một hiện tượng thiên tai. Các giải pháp ứng phó với hiện tượng thiên tai này quy định tại dự thảo Luật cũng chỉ là có biển báo, thông báo. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Đồng tình cao với nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thống nhất và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đối với toàn cầu nói chung, đối với từng người dân Việt Nam nói riêng.

Khẩn trương triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng

Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa chủ trì hội nghị chuyên đề công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2020. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các chủ rừng…

Theo Sở NN-PTNT, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 236.927ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 127.891ha và rừng trồng khoảng 109.036ha. Năm 2019, do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ cháy rừng, với diện tích bị cháy hơn 1.340ha, làm thiệt hại hơn 1.180ha rừng trồng… Theo dự báo, thời tiết năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng và kéo dài; tình hình cháy rừng được nhận định rất phức tạp, nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Đến nay, các địa phương và chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 796 phương án PCCCR; xây dựng 36 kế hoạch, 39 quy chế phối hợp giữa các ngành với địa phương, chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR năm 2020.

 

r4.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC

 

Đến thời điểm hiện nay, các chủ rừng đã chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực rừng trọng điểm cháy, triển khai duy tu, sửa chữa hơn 252km đường băng cản lửa; sửa chữa phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng và phân công lực lượng trực PCCCR; đảm bảo đủ lực lượng và phương tiện chuẩn bị khi có cháy rừng xảy ra… Tại hội nghị, các địa phương và chủ rừng đã báo cáo công tác triển khai phương án PCCCR cũng như nêu một số khó khăn về công tác PCCCR như địa hình phức tạp, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị chữa cháy…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế yêu cầu các chủ rừng, địa phương và sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, triển khai các phương án PCCCR sát với tình hình thực tế. Các địa phương cấp huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ rừng trong công tác PCCCR. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra các kế hoạch, phương án và công tác chuẩn bị PCCCR ở các địa phương, chủ rừng; đồng thời tổng hợp kiến nghị của địa phương, chủ rừng để tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp tổ chức diễn tập PCCCR sát với tình hình thực tế; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác PCCCR.

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top