Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 5 năm 2018 | 17:29

Bốn lần cải cách tiền lương: Vẫn còn nhiều bất cập

Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003) nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều bất cập.

tien-luong.jpg

Vẫn còn nhiều bất cập

Trong bài viết của mình, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phân tích:

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003), trong đó cải cách chính sách tiền lương năm 1993 đã thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ và được tiếp tục điều chỉnh, cải cách từ năm 2003.

Trong quá trình thực hiện, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung chính sách tiền lương. Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật về tiền lương theo nguyên tắc coi tiền lương là giá cả sức lao động hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động có hiệu quả hơn, người lao động có việc làm, tiền lương, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. 

Thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 và Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), nước ta đã từng bước hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đã thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực, không ban hành mới các chế độ phụ cấp theo nghề, triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm tạo cơ sở cho việc trả lương…

Bên cạnh ưu điểm và kết quả đạt được, chính sách tiền lương của ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động; quy định mức lương bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở còn thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm đời sống và chưa là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương; có quá nhiều loại phụ cấp; tiền lương tính theo chế độ thấp nhưng có nhiều trường hợp các khoản thu nhập ngoài lương từ chi phí hoạt động hành chính chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của cán bộ, công chức.

Tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối trong kinh tế thị trường, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; việc Nhà nước quy định một số nguyên tắc về xây dựng thang, bảng lương đã can thiệp vào quyền tự chủ tiền lương của doanh nghiệp; chưa phát huy được tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động; cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự gắn tiền lương của người lao động với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh…

Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan từ nội lực của nền kinh tế còn yếu, đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế từ nước nghèo trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tích lũy còn ít, nguồn lực còn hạn chế, nợ công đã ở sát giới hạn cho phép, không còn nhiều dư địa chính sách, trong khi phải ưu tiên bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, nhìn một cách nghiêm túc và bao quát, có thể khẳng định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tiền lương là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, việc hoạch định, điều chỉnh chính sách rất khó và dễ phát sinh những bất hợp lý; việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương còn chậm do tư duy đổi mới chưa theo kịp sự phát triển, còn tư tưởng bình quân, cào bằng; chưa có nghiên cứu toàn diện về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; số lượng đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, làm cho đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước quá lớn và ngày càng tăng.

Việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự làm cơ sở để xác định biên chế và trả lương. Nguồn kinh phí được giao tự chủ trong tổng chi ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hợp lý, dẫn đến việc sử dụng các khoản chi hoạt động hành hành chính để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức viên chức khá lớn và trở thành phổ biến.

Chưa phân biệt rõ chính sách tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công; việc điều chỉnh tiền lương gắn với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công dẫn đến thay đổi lộ trình của từng chính sách.

Chưa phân định rõ mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, giữa đại diện chủ sở hữu với ban hành điều hành doanh nghiệp trong quản lý, giám sát tiền lương tại doanh nghiệp.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, hệ thống thông tin thị trường lao động, tiền lương, năng lực thương lượng về tiền lương của người lao động trong ký kết hợp đồng lao động và việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn còn hạn chế.

Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, dẫn đến việc xây dựng và thực hiện một số chính sách còn chưa tạo được đồng thuận cao, nhất là về việc đổi mới tổ chức, quản lý và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ phí (giá) dịch vụ.

Nhiều điểm mới quan trọng về cải cách tiền lương

Thảo luận về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp” tại Hội nghị Trung ương 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cho rằng, Đề án cải cách chính sách tiền lương có những điểm mới, đột phá nhưng thành công phải thực hiện hiệu quả ngay việc cải cách thu chi ngân sách, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới hoạt động của khối sự nghiệp công lập để tạo nguồn bền vững cho Đề án.

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến cân đối vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng.

Chính sách tiền lương ở nước ta tính đến nay đã trải qua 4 lần cải cách. Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội.

Theo đồng chí Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thực tiễn 20 năm qua cho thấy mong muốn cải cách tiền lương không thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là không triệt để đưa các loại chi phí vào lương. Chính vì thế, trả lương không xác đáng mà bình quân, cào bằng.

Thứ hai, nguồn lực có hạn, lương được điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường. Đặc biệt quy định mặt bằng lương theo hệ số nên làm mất ý nghĩa tiền lương. Thứ ba, quá trình thực hiện tiền lương lại phát sinh phụ cấp và thu nhập ngoài lương.

“Đặc biệt, ban hành và quyết định phụ cấp thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến phụ cấp đặc thù, làm cho méo mó quan hệ tiền lương, mất đi vai trò ý nghĩa của tiền lương, nhất là tiền lương không còn là vai trò chính và là động lực của cán bộ công chức”, đồng chí Ngô Đông Hải đánh giá.

Tổng kết Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị đã nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần phải kiên trì, kiên quyết triển khai thực hiện thắng lợi các nội dung cải cách đã được Hội nghị lần này đề ra với nhiều điểm mới quan trọng so với các lần cải cách trước đây.

Đối với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường... Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Cùng với đó là mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng mức chi thu nhập tăng thêm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù...

Theo Tổng Bí thư, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm đủ nguồn cho cải cách tiền lương; bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước....

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top