Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 3 năm 2022 | 12:1

Bứt phá trong sản xuất, để nông dân thành “chuyên gia” đồng ruộng

Trang bị kiến thức cho nông dân trở thành “chuyên gia" đồng ruộng là mục tiêu lớn của ngành Nông nghiệp, các địa phương đang nỗ lực tích cực tạo bứt phá về giá trị sản xuất, phát triển các lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

mo-hinh.jpg
Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du (Công ty Cổ phần Tập đoàn DaBACO).

 

Bắc Ninh: Tạo bứt phá về giá trị ngành mũi nhọn

Chăn nuôi đã và đang chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp. Phương thức chăn nuôi chuyển biến rõ rệt, từ hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tận dụng sang hình thức chăn nuôi trang trại tập trung và hộ gia đình chăn nuôi chuyên nghiệp. Các vùng chăn nuôi chuyên canh được hình thành mạnh mẽ, tạo bứt phá về giá trị sản xuất, trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Toàn tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi lợn tập trung tại các xã Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du), Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ, Ninh Xá, Trí Quả (Thuận Thành), Tam Giang, Văn Môn, Yên Phụ (Yên Phong), Lai Hạ (Lương Tài); vùng chăn nuôi gia cầm tại các xã Hòa Tiến (Yên Phong), Tương Giang, Tân Hồng (Từ Sơn), Lạc Vệ (Tiên Du), Trung Chính, Phú Hòa (Lương Tài), Đình Tổ, Nghĩa Đạo, Ninh Xá (Thuận Thành); Vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại xã Cảnh Hưng (Tiên Du), Đình Tổ, Gia Đông, Nghĩa Đạo (Thuận Thành); Chi Lăng, Đào Viên (Quế Võ)... Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như CP, Jafpa, CJ… cùng hơn 20 HTX dịch vụ chăn nuôi, Câu lạc bộ chăn nuôi; khoảng 30 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẳng định: Những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, công nghệ chăn nuôi được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao; hệ thống sản xuất và cung ứng giống vật nuôi, thức ăn chăn trong tỉnh ngày càng phát triển và không ngừng được mở rộng, đa dạng về chủng loại… là cơ sở để hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, đáp ứng tối ưu nhu cầu tiêu thụ nội, ngoại tỉnh.

Chủ trương của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Ưu tiên phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực cấp tỉnh, thịt lợn, thịt, trứng gia cầm; lợn giống và gia cầm giống. Đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Kiểm soát môi trường chăn nuôi bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt.

Hiện nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tổng đàn gia súc, gia cầm có mặt thường xuyên khoảng 300.000 con lợn; 5,6 triệu con gia cầm; 29.000 con trâu bò. Tỷ lệ sản lượng lợn được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương 4%; gia cầm là 8%; tỷ trọng sản phẩm ứng dụng công nghệ cao khoảng 25%. Tỉnh đang phấn đấu xây dựng 1 cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn; 5-8 cơ sở giết mổ, sơ chế quy mô nhỏ; 70% cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, không gây ô nhiễm; 100% trang trại chăn nuôi lớn bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học… hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, khống chế dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến vật nuôi và có nguy cơ lây sang người. Những con số ấn tượng này cho thấy, chăn nuôi thực sự có bước đột phá mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch thành các vùng chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, trọng tâm trong lộ trình xây dựng nền nông nghiệp thông minh của tỉnh. Tỉnh đã, đang thực hiện nhiều chính sách khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sử dụng dây chuyền khép kín, hiện đại; sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Các chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả cao như: Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; chính sách xây dựng cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp; hỗ trợ công tác phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ chăn nuôi an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ… Đồng thời ưu tiên phát triển sản xuất con giống và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu phương thức chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung gian liên kết các hộ chăn nuôi thông qua các tổ chức như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội, Hiệp hội, Câu lạc bộ... tạo chuỗi khép kín thông qua hợp đồng ứng trước vốn, vật tư với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam...

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh quy hoạch đất đai, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân được thuê, chuyển nhượng ruộng đất để xây dựng trang trại chăn nuôi hoặc cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tận dụng và khai thác triệt để diện tích đất bãi trong các vùng chuyển đổi đồng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, đất hoang hoá, đất dự phòng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Khuyến khích, vận động những hộ có đất trong vùng quy hoạch nhưng không có nhu cầu phát triển chăn nuôi, giết mổ tự đổi ruộng, chuyển nhượng hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu thuê xây dựng trang trại chăn nuôi… từng bước chuyển đổi triệt để sang chăn nuôi tập trung, hình thành vùng nuôi lớn, giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững.

Thanh Hóa: Giải pháp phát triển con nuôi chủ lực

Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao giá trị kinh tế và bền vững, trên cơ sở phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất,... tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn phát triển 5 loại con nuôi chủ lực, gồm, bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn, gia cầm và trâu thịt. Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đã khuyến khích thu hút đầu tư,  thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại...

 

177d1192907t54687l0.jpg
Người dân xã Mậu Lâm (Như Thanh) phát triển đàn bò thịt cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Là địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển chăn nuôi, những năm qua, huyện Thọ Xuân đã chú trọng phát triển đàn gà lông màu, số lượng đàn hơn 700 nghìn con. Theo đó, để nâng cao chất lượng con nuôi, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi theo hướng tập trung, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, khép kín; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nuôi theo quy trình VietGAP; tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định. Đồng thời, hỗ trợ lựa chọn các loại giống có năng suất, chất lượng cao; mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi, như chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, bể biogas... Nhờ đó, mô hình chăn nuôi gà lông màu ngày càng được mở rộng, tập trung chủ yếu ở các xã, như Xuân Hồng, Trường Xuân... Bên cạnh phát triển đàn gà lông màu, huyện còn tập trung phát triển các con nuôi lợi thế, như bò thịt, lợn ngoại hướng nạc,... với các trang trại khép kín, có máng ăn, máng uống tự động...

Tại các xã, thị trấn cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện, chuyển giao công nghệ phối giống nhân tạo cho người chăn nuôi để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, như bò lai Sind, Brahman, bò Úc, trâu Murrah... Hệ thống hạ tầng giao thông đến các khu vực chăn nuôi cũng luôn được huyện quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn, phương tiện phục vụ chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi với các doanh nghiệp, như, Công ty Happy Farm, Công ty Nông sản Phú Gia...

Để nâng cao chất lượng cũng như số lượng đàn trâu và bò thịt chất lượng cao, các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Cẩm Thủy,... đã chú trọng ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong việc chọn tạo giống. Các biện pháp đã được áp dụng, như sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc, sử dụng tinh bò BBB phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt, sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah để phối giống cho đàn trâu cái... Việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gia súc đã hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng, nguồn con giống được kiểm soát, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 – 30%... Được biết, mỗi năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thụ tinh nhân tạo được khoảng 27 nghìn liều tinh bò; 2,5 nghìn liều tinh trâu Murrah Ấn Độ; tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 63%; du nhập một số giống bò BBB, Droughtmaster, RedAgus và tinh đông lạnh để phối giống với đàn bò cái nền lai Zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò.

Đến nay, toàn tỉnh có 12 nghìn con bò sữa, hơn 70 nghìn con bò thịt chất lượng cao, khoảng 190 nghìn con trâu, 600 nghìn con lợn ngoại hướng nạc, gà lông màu 7,5 triệu con. Những kết quả bước đầu về phát triển đàn vật nuôi chủ lực cho thấy tỉnh ta đã có những hướng đi đúng đắn, hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển đàn vật nuôi chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân chủ trương, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh để người dân có kế hoạch lựa chọn các loại con nuôi phù hợp với phát triển sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển chăn nuôi, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho việc phát triển các con nuôi chủ lực có quy mô lớn. Bên cạnh đó, hướng dẫn, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi theo hướng VietGAP...

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn súc, gia cầm. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn; chuyển giao và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật thực hiện thụ tinh nhân tạo để tăng số lượng đàn bò sữa và bò thịt chất lượng cao, kết hợp chọn lọc với lai tạo và du nhập các giống vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với từng vùng, từng địa phương...

Hà Nội: Để nông dân trở thành ''chuyên gia'' đồng ruộng

Trang bị kiến thức cho nông dân trở thành “chuyên gia" đồng ruộng là mục tiêu lớn của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Một trong những giải pháp triển khai hiệu quả hướng đi này đang được thực hiện là tăng cường các lớp tập huấn cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (Chương trình IPM), qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, tạo nhiều nông sản chất lượng, an toàn.

Bà Nguyễn Thị Ngư ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) - một trong những nông dân xuất sắc về sản xuất rau an toàn cho Công ty VinEco chia sẻ: Thông thường, để bảo đảm cây trồng không bị phá hoại bởi côn trùng, nấm, vi khuẩn, chuột... nông dân sử dụng hóa chất. Điều này có thể giúp giảm dịch trước mắt nhưng lâu dài dễ bùng phát sự gây hại của các loài khác. Chưa kể việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật còn gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn thực phẩm...

 

can-bo-nganh-nong-nghiep-ha.jpg
Cán bộ ngành Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.

 

Tương tự, nhiều nông dân sản xuất lúa tại xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) cũng đã thay đổi nhận thức và thuần thục các khâu trong sản xuất an toàn, chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hồng Phong Nguyễn Văn Tiến cho biết: Trong những năm qua, nhờ các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật hiệu quả của ngành Nông nghiệp cũng như địa phương, nhiều nông dân “ưu tú” thực sự là “chuyên gia” trên đồng ruộng, nắm rõ nhiều biện pháp tiên tiến trong sản xuất và lan tỏa tới nhiều nông dân khác. Nhờ đó, sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật toàn phần trên cây lúa chiếm tới 90% diện tích.

Để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất an toàn, bền vững, riêng năm 2021, ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức hàng trăm lớp huấn luyện nông dân nòng cốt, xây dựng các mô hình đẩy mạnh thực hiện ứng dụng IPM trên cây trồng tại nhiều địa phương theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng, giai đoạn 2016-2021, Hà Nội lồng ghép triển khai nhiều hoạt động thuộc Chương trình IPM, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân IPM trên cây lúa, rau, chè… Các hoạt động đào tạo, tập huấn chú trọng vào nội dung thiết thực theo nhu cầu của người học và yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Qua thực hiện chương trình cho thấy, các mô hình IPM trên lúa, rau, chè, cây ăn quả… giúp nông dân giảm 15-30% lượng giống, 25-35% thuốc hóa học, 15-25% phân bón vô cơ; năng suất tăng 15-22,5%... Bên cạnh đó, với phương pháp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng hình thức “cầm tay, chỉ việc”, người dân được trực tiếp học và thực hành ngay trên đồng ruộng. Cụ thể, hiện có tới 90% diện tích đất trồng lúa ở Hà Nội được áp dụng IPM, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm chất lượng nông sản, bảo tồn thiên địch theo nguyên tắc của Chương trình IPM.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh: Chương trình IPM được triển khai ở Hà Nội từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau đào tạo kiến thức IPM cho nông dân nòng cốt tại các địa phương, lực lượng này tích cực tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, làng xóm cùng thực hiện. Nhờ linh hoạt trong triển khai, Hà Nội đã làm tốt chương trình này so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Bình quân, vùng Đồng bằng sông Hồng dùng 1,5-1,8kg thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha canh tác thì Hà Nội chỉ dưới 1kg/ha hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên cây lúa. Thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như: Lúa, rau màu, hoa, cây cảnh… và tiếp tục coi IPM là một trong những mục tiêu chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top