Chủ tịch UBND xã Phong Lạc (Trần Văn Thời - Cà Mau) Nguyễn Văn Hiên cho biết, toàn xã có hơn 2.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến (NTQCCT), với 1.622 hộ tham gia. Từ đầu năm đến nay, có 264 hộ nuôi 340ha tôm theo hình thức này.
Với diện tích vuông khá rộng, ông Hồ Văn Thới (ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc) chia một phần đất làm khu vực dèo tôm với diện tích 3.000m2, 3ha còn lại làm ao nuôi. Theo ông Thới, để nuôi tôm thẻ hiệu quả, trước khi thả con giống vào ao dèo phải tiến hành thuốc cá thật sạch, 4-5 ngày sau tiến hành thả con giống. Khi tôm được 30 ngày tuổi sẽ cho bung ra ao nuôi để tôm mau lớn. Mỗi vụ nuôi tôm thẻ từ 2-2,5 tháng, với 50.000-60.000 con tôm giống, ông Thới thu nhập 20 triệu đồng trở lên.
Ông Thới cho biết: “Tôi thả tôm sú trước 2 tháng, rồi mới thả tôm thẻ. Như vậy, khi thu hoạch tôm thẻ cũng bắt đầu thu hoạch tôm sú. Ngoài ra còn thả thêm cua. Nuôi theo hình thức xen canh như vậy, có thu nhập được nhiều đầu. Tôm thẻ 1 năm nuôi được 3 vụ, tôm sú 2 vụ, còn cua cũng thả nuôi được 2 đợt”.
Là người tiên phong và cũng là hộ gặt hái được nhiều vụ nuôi thắng lợi, ông Lê Minh Thuấn (ấp Tân Hiệp, xã Lợi An) rất tâm đắc khi nói đến mô hình NTQCCT. Được tiếp cận mô hình NTQCCT ít thay nước vào năm 2016 theo dự án chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân của địa phương, từ vụ nuôi đạt hiệu quả ban đầu, bao năm qua, ông Thuấn vẫn duy trì nuôi theo hình thức này và hiện áp dụng theo hình thức nuôi 2 giai đoạn.
Ông Thuấn cho biết: “Tôi chọn đối tượng tôm sú và thả nuôi mật độ thưa, mỗi vụ nuôi khoảng 20.000 con tôm giống. Nếu thời tiết thuận lợi, sau khi dèo được 25 ngày, tôi đặt lú, bắt tôm ra ngoài ruộng nuôi thêm 90 ngày là tôm có thể đạt 20-30 con/kg, bình quân 500 kg/ha. Những năm gần đây, để tôm phát triển tốt, tôi quan tâm đến chuyện trồng lúa để tạo môi trường, thức ăn cho tôm”.
Nhận thấy mô hình NTQCCT chậm mà chắc, sau khi được xã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào năm 2020, anh Nguyễn Minh Chính (ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc) thử nghiệm nuôi trên diện tích 15.000m2 sản xuất của gia đình. Từ đầu năm đến nay, anh thả nuôi 2 đợt tôm sú, mỗi đợt thu nhập vài chục triệu đồng. Anh cũng vừa thả nuôi vụ mới được gần 1 tháng.
Anh Chính chia sẻ: “NTQCCT phù hợp với mình về vốn, sức lao động. Tuy so với con tôm công nghiệp hay siêu thâm canh, thu nhập không bằng nhưng mình tự chủ về vốn, khả năng lao động, kỹ thuật. Điều mong muốn là môi trường nước ngoài kênh, rạch làm sao đảm bảo cho nuôi tôm. Các mô hình khác xả thải làm nguồn nước bị ô nhiễm”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn thông tin: “Theo kế hoạch, năm nay huyện phấn đấu đạt 9.200ha nuôi NTQCCT. Qua vận động, nhân rộng mô hình, đến nay toàn huyện có 10.151ha NTQCCT, đạt hơn 110% kế hoạch. Để giúp người dân nuôi tôm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, năm 2021, chúng tôi triển khai dự án NTQCCT 3 giai đoạn kết hợp nuôi cá đối mục cho 6 hộ dân, với 12 ha trên địa bàn xã Phong Điền”.