Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 9 năm 2021 | 9:23

Cà Mau tạo bước đột phá trong liên kết sản xuất

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Cà Mau thực hiện tổ chức lại sản xuất, tạo bước đột phá trong liên kết theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, khai thác tối đa nội lực nhằm tạo giá trị gia tăng trong lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp.

thu-hoạch-tôm-ở-cà-mau-nguồn-ttxvn.jpg
Thu hoạch tôm ở Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)

 

Kinh tế phát triển

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, 5 năm qua, kinh tế Cà Mau đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,35 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/năm (tương đương 2.182 USD), tăng gần 1,3 lần so năm 2015; năng suất lao động xã hội giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5,7%/năm.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, diện tích nuôi tôm thâm canh 8.720ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 150.000ha, tổng sản lượng thủy sản 5 năm đạt 2,7 triệu tấn, bình quân tăng 3,7%/năm. Kinh tế biển phát triển mạnh, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm bình quân khoảng 200.000 tấn, đóng góp khoảng 55% GRDP.

Trong bối cảnh hội nhập sâu cùng quốc tế, phát huy tiềm năng và lợi thế địa phương, Cà Mau tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, trong đó chú trọng những sản phẩm mang tính lợi thế, các sản phẩm chủ lực, như: tôm đông lạnh, tôm sinh thái, bánh phồng tôm, cua biển, gạo hữu cơ, gỗ, chuối...

Tỉnh đã xây dựng và quảng bá rộng rãi các thương hiệu cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh... đến thị trường cả nước.

Không để đứt gãy sản xuất

Theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương là một  trọng điểm sản xuất thủy sản. Mỗi năm, ngành tôm Cà Mau có sản lượng 150.000 tấn tôm đã chế biến, kim ngạch xuất khẩu  trên 1 tỷ USD.

Ông Sử cho biết, thực tế một số địa phương ùn ứ mặt hàng thủy sản nhưng Cà Mau kiên quyết không để xảy ra việc gián đoạn, đứt gãy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hoá nông sản, thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi do dịch bệnh, vì sẽ rất khó để khôi phục.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đăng ký kết nối xuất khẩu hàng thủy sản. Bước đầu có 4 doanh nghiệp đăng ký với sản lượng hơn 1.300 tấn tôm chế biến, 6,5 tấn tôm nguyên liệu thô, 1.200 tấn chả cá...

Có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần kết nối tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản (gạo 1.400 tấn, dưa bồn bồn 1 tấn/ngày), hàng thuỷ sản như tôm tươi 10 tấn/ngày, cua 1 tấn/ngày, cá biển 600 tấn, mực tươi 55 tấn, khô cá biển các loại 10 tấn/ngày, bánh phồng tôm 2 tấn/ngày, nước mắm 350.000 lít...

Những ngành hàng chủ lực

Với lợi thế bờ biển dài 254 km, Cà Mau hướng nghề nuôi tôm đến năm 2025 giữ ổn định khoảng 280.000ha. Bên cạnh tập trung gia tăng năng suất, sản lượng, yếu tố chất lượng được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là tôm sinh thái, với mục tiêu đạt 49.000 ha, với các hình thức nuôi tôm - rừng ở Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân; tôm - lúa ở Thới Bình, U Minh, một phần thuộc huyện Trần Văn Thời và TP Cà Mau.

Cùng với đó là phát triển các hình thức nuôi cua xen canh với tôm và các đối tượng thuỷ sản khác, với diện tích khoảng 250.000ha. Với các thị trường lớn: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ; các thị trường truyền thống: Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc… Cà Mau hướng đến xuất khẩu sản phẩm tôm tại các thị trường tiềm năng thông qua các hiệp định thương mại đã được ký kết, tăng cường xúc tiến thương mại. Mục tiêu đạt 5,649 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2025, trong đó, năm 2025 xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 1,2 tỷ USD.

Cà Mau đã hình thành những vùng sản xuất lúa rộng lớn, mang tính bền vững, tạo ra lượng hàng hoá xuất khẩu, tăng cao giá trị gia tăng, điển hình là sản phẩm gạo hữu cơ. Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xuất khẩu gạo hữu cơ đạt 22 triệu USD (tương đương 540 tỷ đồng) tại các thị trường: Singapore, châu Âu, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Ngay trong năm nay, Cà Mau quyết tâm xây dựng vùng lúa nguyên liệu hữu cơ tại các vùng sản xuất lúa - tôm, trọng điểm tại Thới Bình và các xã vùng ven TP Cà Mau: Lý Văn Lâm, An Xuyên với diện tích khoảng 800ha, năng suất ước đạt 4 tấn/ha; phấn đấu đến 2025, nâng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ lên 2.500 ha, dành 50% cho xuất khẩu, thu về 7,2 triệu USD (tương đương 175 tỷ đồng).

Không chỉ có tôm, lúa, Cà Mau có trên 5.500ha chuối với sản lượng 100.000 tấn/năm, có giống chuối Xiêm nức tiếng ở rừng U Minh là sản phẩm có tiềm năng kinh tế lớn. Tiếp đó là gỗ, Cà Mau có khoảng 32.000ha rừng sản xuất ở vùng U Minh, 30.000ha rừng sản xuất trong khu vực ngập mặn với keo lai, tràm, đước là những cây trồng chủ lực, sẽ tạo nên ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn của khu vực.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cà Mau đã huy động được 3.859,736 tỷ đồng XDNTM.

Tổng số tiêu chí xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 1.295 tiêu chí, bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã (tăng 5 tiêu chí so với quý 1/2021 và tăng 47 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020). 43/82 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 52,4%.

Với nhiều giải pháp thực hiện: xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển các ngành hàng xuất khẩu, phát triển thị trường, chính sách, trong đó ưu tiên nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm nông nghiệp thông qua tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực…, Cà Mau hướng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp bình quân khoảng 8%/năm cho giai đoạn 2021-2025.

Nâng cấp 65 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến năm 2025, Cà Mau phấn đấu có từ 5 sản phẩm nông nghiệp trở lên đạt điều kiện xuất khẩu.

nhiều-mô-hình-kinh-tế-hiệu-quả-giúp-đời-sống-người-dân-được-nâng-lên.jpg
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp đời sống người dân được nâng lên.

 

Thực hiện 3 khâu đột phá

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, đặc biệt là phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, đi liền với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với XDNTM, tổ chức lại sản xuất, tạo bước đột phá trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái - hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, khai thác tối đa nội lực nhằm tạo giá trị gia tăng mạnh lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp”, Bí Thư Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Tập trung thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm; Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch, phát triển nông nghiệp trên 2 vùng hệ sinh thái (mặn - lợ, ngọt), xem đây là tài nguyên của địa phương để phát triển kinh tế tỉnh.

Đồng thời, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chính: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước.

Đồng thời tập trung đầu tư phát triển rõ nét các đô thị động lực gồm: TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá trong phát triển.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top