Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 1 năm 2022 | 12:56

Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động bảo vệ vật nuôi trong mùa đông

Những ngày cuối năm cùng dự báo sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại. Do đó, nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc đã chủ động, tích cực tuyên truyền nhiều giải pháp để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

Trời chuyển rét đậm, người dân không chăn thả gia súc

Gia Mô là xã vùng sâu của huyện Tân Lạc (Hòa Bình), từ cuối tháng 12/2021, thời tiết rét buốt. Đây là xã phát triển mạnh về chăn nuôi trâu, bò, chủ yếu chăn nuôi bán chăn thả, nuôi nhốt. Thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết nên gia đình bà Bùi Thị Băm, xóm Rên đã chủ động che chắn kín chuồng trại cho 3 con bò của gia đình. Mấy năm trở lại đây, do hạn chế về bãi chăn thả nên gia đình bà Băm và nhiều hộ trong xóm chuyển sang nuôi nhốt gia súc. Bình thường, buổi sáng bà đi chặt cỏ voi, buổi chiều thả bò ra khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Với diễn biến thời tiết như hiện nay bà sẽ nuôi nhốt hoàn toàn.

"Gia đình trồng được cỏ voi và dự trữ được rơm của vụ lúa vừa rồi nên đảm bảo được thức ăn cho bò. Do nhà ở gần chân núi, ban đêm nhiều sương, trời lạnh nên gia đình dùng bạt quây kín chuồng. Nếu hôm nào rét đậm, rét hại thì đốt lửa hoặc dùng đèn sưởi cho vật nuôi”, bà Băm chia sẻ. 

 

hoa-binh.jpg

Người dân chủ động che chắn chuồng trại, nuôi nhốt gia súc trong thời điểm rét đậm, rét hại. Ảnh chụp tại xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc). 

 

Là xã vùng thượng của huyện Tân Lạc, Phú Cường có địa hình nhiều núi đá, vào mùa đông, các thôn, xóm thường xuyên chìm trong mây mù. Trước đây, khi lưu thông trên quốc lộ 6, đoạn qua địa bàn xã Phú Cường thường xuyên bắt gặp hình ảnh những đàn bò ẩn hiện trong sương mù, nay tình trạng này giảm đáng kể vì người dân đã nêu cao ý thức bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa rét. Như bà con ở xóm Vó, trong sáng 26/12, các hộ dân đã nuôi nhốt trâu, bò trong chuồng.

Gia đình anh Bùi Văn Đào, xóm Vó nuôi 3 con trâu theo hình thức bán chăn thả. Theo anh Đào, trong xóm vẫn còn bãi chăn thả nên bà con thường thả vào buổi sáng, chiều muộn thì lùa về chuồng. Những ngày rét đậm, trời nhiều sương muối, gia đình anh nhốt trâu ở chuồng. "Chúng tôi được tuyên truyền về công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi nên chủ động che chắn chuồng trại để giữ ấm cho vật nuôi. Đây là tài sản lớn nên không thể lơ là được, trước đây đã có trường hợp trâu, bò bị chết rét vì chăn thả trong thời điểm rét đậm, rét hại”, anh Đào chia sẻ thêm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm trở lại đây, đa số người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có ý thức phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Do đó, số lượng vật nuôi bị chết trong mùa rét giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người chăn nuôi chưa quan tâm đến việc bảo vệ vật nuôi trong mùa rét, nhất là ở các xã vùng cao. Thực tế, trong đợt rét đậm tháng 1/2020, trên địa bàn tỉnh có một số trâu, bò bị chết. Trước tình hình thời tiết diễn biến khắc nghiệt như hiện nay, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh khuyến cáo: Các hộ cần di chuyển đàn trâu, bò thả rông trên rừng về nuôi nhốt tại chuồng. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C không nên cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do mà nuôi nhốt tại chuồng để quản lý, chăm sóc. Cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung thức ăn tinh và các loại khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.

Yên Bình bảo vệ vật nuôi trong mùa đông

Sự xuất hiện đợt không khí lạnh những ngày cuối năm cùng dự báo sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại trong thời gian tới, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống đói, rét (PCĐR) cho đàn vật nuôi.

 

yen-bai.jpg

Anh Trần Minh Dự, xã Phúc An, huyện Yên Bình quây chuồng trại để hạn chế thả trâu khi trời nhiều sương và chuẩn bị thức ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh.

 

Ngay từ những ngày đầu mùa đông, các hộ dân xã Mỹ Gia đã chủ động tu sửa, che chắn kín đáo chuồng trại, chuẩn bị rơm rạ dự trữ thức ăn cho gia súc và nắm vững kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ gia súc trong mùa đông. 

Gia đình bà Vũ Thị Hòa, thôn Trung Tâm hiện có 13 con trâu, bò. Với bà, đàn trâu, bò là tài sản có giá trị kinh tế cao của gia đình nên bà luôn tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cán bộ khuyến nông trong PCĐR dịch bệnh để đàn vật nuôi khỏe mạnh. 

Bà Hòa cho hay: "Tôi đã thu gom rơm rạ từ vụ mùa, chăm sóc tốt diện tích cỏ voi đã trồng để làm thức ăn cho bò, chuẩn bị bạt quây chuồng trại che chắn gió, mưa cho gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Đồng thời, chấp hành nghiêm tiêm phòng các loại vắc - xin cho gia súc do xã triển khai”.

Để PCĐR cho đàn gia súc, anh Trần Minh Dự ở thôn Khuôn Đát, xã Phúc An đã chủ động quây chuồng trại chắn gió lùa, hạn chế thả trâu khi trời nhiều sương, chuẩn bị đầy đủ thức ăn dinh dưỡng để 10 con trâu có đủ sức tránh rét khi không khí lạnh tăng cường trong những ngày vừa qua.

Xã Phúc An hiện có đàn gia súc chính hơn 2.300 con và  hơn 10.000 con gia cầm; có nhiều hộ dân chăn nuôi ngoài đảo hồ Thác Bà và trên núi; tập quán thả rông gia súc vẫn còn. Do vậy, để làm tốt việc PCĐR, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An cho hay: "Cùng với tích cực thông tin đến bà con về tình hình diễn biến thời tiết, xã đã chỉ đạo cán bộ thú y tiêm phòng đầy đủ cho 100% đàn trâu, bò trong diện phải tiêm. Đồng thời, tổ chức 4 buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn tinh bột, cách làm chuồng trại và sưởi ấm cho trâu, bò cho các hộ chăn nuôi. Bằng việc triển khai quyết liệt các biện pháp trong PCĐR cho đàn vật nuôi, đến nay, cơ bản tỷ lệ chuồng trại của các hộ chăn nuôi đã được che chắn đảm bảo kín gió và giữ ấm cho đàn vật nuôi”. 

Huyện Yên Bình hiện có tổng đàn gia súc chính trên 120.000 con, 780.000 con gia cầm. Để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa rét, các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên phụ trách địa bàn hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ thú y viên tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp PCĐR cho đàn vật nuôi. 

Đối với các hộ chưa có chuồng trại kiên cố thì vận động nhân dân làm chuồng và mua bạt che chắn, giữ ấm cho gia súc; thực hiện tốt việc dự trữ thức ăn. Đồng thời, tổ chức 80 lớp tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương và thu hút được 2.400 lượt người dân tham gia. 

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi thời tiết để thông báo kịp thời cho các hộ chăn nuôi. Trường hợp nhiệt độ xuống dưới 13 độ C, yêu cầu các hộ phải nhốt gia súc trong chuồng, tuyệt đối không chăn thả ngoài trời; đồng thời, bổ sung thêm thức ăn tinh bột và nước ấm cho vật nuôi; hướng dẫn các xã tiêm vắc - xin phòng ngừa các bệnh hay gặp vào mùa đông cho đàn gia súc; thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra và hướng dẫn người chăn nuôi PCĐR cho đàn gia súc, gia cầm”. 

Nậm Hàng chủ động chống rét cho vật nuôi

Xã Nậm Hàng (Nậm Nhùn, Lai Châu) có gần 1.000 hộ dân, trong đó khoảng 900 hộ tham gia chăn nuôi với tổng đàn gia súc 4.380 con (trâu 1.910 con; bò 960 con; lợn 1.510 con) và 39.900 con gia cầm các loại. Để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, người dân xây dựng chuồng trại kiên cố, thoáng mát, sạch sẽ; tiêm phòng vắc-xin định kỳ, tích cực trồng cỏ...

 

lai-chau.jpg

Người dân xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) nuôi nhốt gia súc trong mùa đông.

 

Đặc biệt, thời tiết mùa đông có những diễn biến phức tạp, xã chủ động xây dựng, triển khai phương án PCĐR cho vật nuôi tới từng bản. Cử cán bộ đến hộ chăn nuôi hướng dẫn dùng bạt, nilon che chắn, gia cố chuồng trại đúng cách. Tuyệt đối không thả rông gia súc khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết. Tích cực trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ sau mùa gặt và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ, bổ sung thêm ngô bột, sắn, chuối… đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi những ngày giá rét.

Công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi được tăng cường. Trong năm, xã thực hiện phun hơn 100 lít tiêu độc khử trùng tại 8 bản; tiêm 2.200 liều vắc-xin phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò; 1.200 liều vắc-xin lở mồm long móng; 1.200 liều tụ huyết trùng và 600 liều dịch tả lợn.

Nậm Dòn là một trong những bản có số lượng gia súc, gia cầm lớn nhất của xã Nậm Hàng. Hiện, bản có 900 con và hơn 2.000 con gia cầm các loại. Những năm qua, chăn nuôi trâu, bò góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đa số bà con vay vốn ngân hàng đều sử dụng vào mục đích chăn nuôi nên bà con nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp PCĐR cho vật nuôi trong mùa đông, như: tích cực trồng cỏ voi, chủ động che chắn chuồng trại, không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. 

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lò Văn Bóng ở bản Nậm Dòn khi ông đang tu sửa lại chuồng nuôi của gia đình. Ông Bóng cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay, gia đình tôi có trên 10 con bò và gần 40 con lợn. Đây là thành quả nhiều năm tích góp, được coi là tài sản “quý giá nhất” của gia đình. Hàng năm, vào mùa đông gia đình tôi chủ động tu sửa, che chắn chuồng trại kín đáo, tích trữ thêm rơm, rạ, cỏ voi nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Do đó, thời gian qua đàn vật nuôi của gia đình tôi phát triển tốt, không bị thiệt hại bởi dịch bệnh, đói, rét”.

Ngoài gia đình ông Bóng, các hộ chăn nuôi ở bản Nậm Dòn cũng như người dân các bản khác trong xã tích cực thực hiện các biện pháp PCĐR nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về gia súc, gia cầm trong mùa đông.

Ông Mùa A Cờ, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: “Xác định chăn nuôi gia súc có vai trò quan trọng, góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; xã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp PCĐR. Đến nay, trên địa bàn xã chưa có hộ chăn nuôi nào bị ảnh hưởng bởi yếu tố khí hậu. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, thông tin tình hình thời tiết trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; vận động các hộ chăn nuôi tiếp tục thực hiện các biện pháp PCĐR cho vật nuôi trong mùa đông. Trong đó, làm tốt công tác tiêm phòng dịch, chủ động nguồn thức ăn, gia cố chuồng trại kiên cố, kín đáo...”.

Cần chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ Đông Xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ. Gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kèm theo điều kiện về chuồng trại, vệ sinh môi trường không tốt làm phát sinh dịch bệnh. Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.

Vụ đông xuân 2020-2021 rét đậm, rét hại kéo dài, số gia súc bị thiệt hại là 2.271 con và gia cầm là 335 con. Nguyên nhân chủ yếu do rét đậm thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, người chăn nuôi chuẩn bị Tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc. Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; không nhốt đàn gia súc khi mùa đông giá rét đến; chuồng trại không được giữ khô sạch trong mùa đông là nguyên nhân quan trọng làm trâu, bò bị chết.

Nhờ sự chủ động trong chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi từ Trung ương đến địa phương nên số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại do đói, rét đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Nếu như vụ Đông Xuân năm 2007-2008 rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 34 ngày gây thiệt hại trên 200.000 gia súc (chủ yếu là trâu, bò) thì sau hơn 10 năm, rét đậm, rét hại Đông Xuân 2017-2018 chỉ thiệt hại khoảng 7.100 con gia súc. Trong đó, vụ Đông Xuân năm 2013-2014 có thời tiết cực đoan nhất từ trước đến nay với hơn 30 ngày nhiệt độ dưới 0 độ C ở một số nơi nhưng chỉ có khoảng 2.800 con trâu, bò bị chết.

Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều dự án về trồng và chế biến bảo quản thức ăn phục vụ phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả tại các địa phương.

Tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ địa hình đồi núi, nhiều đồng cỏ, có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao về cả số lượng vật nuôi và sản lượng sản phẩm chăn nuôi; trình độ dân trí không đồng đều, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm; đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư... dẫn đến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao các dự án, mô hình phòng, chống đói rét cho gia súc gia cầm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai, thực hiện trong thời gian vừa qua, đồng thời cho rằng để giữ được đà chăn nuôi tăng trưởng 4% cho năm sau phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong vụ Đông Xuân này.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông Xuân năm 2021-2022 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn cần đánh giá mức độ rủi ro về các đợt rét đậm, rét hại, từ đó các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra và hướng dẫn người chăn nuôi phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó quan trọng nhất là thông tin kịp thời và thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Hướng dẫn che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh cũng như bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

Với các giải pháp tích cực, chủ động trong PCĐR, dịch bệnh cho đàn vật nuôi cùng ý thức tự giác, chủ động của các hộ dân, đàn vật nuôi sẽ được chăm sóc, bảo vệ tốt, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi cũng như đảm bảo nguồn cung thực phẩm tươi sống cho thị trường Tết Nguyên đán 2022.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top