Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 2 năm 2018 | 16:3

Nỗ lực phòng chống rét cho đàn gia súc

Thời gian gần đây xuất hiện rét đậm, rét hại, nhiều địa phương xuất hiện băng tuyết. Để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, các địa phương đã kịp thời khuyến cáo nông dân biện pháp phòng tránh rét cho đàn trâu, bò.

t12.jpg
Nhờ áp dụng các biện pháp che kín chuồng trại, cho ăn đủ khẩu phần nên đàn trâu bò của huyện Đồng Văn vẫn khỏe mạnh trong giá rét.

 

 Hơn 2.000 con trâu bò bị chết

Hiện nay, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang trải qua những ngày có thể coi là rét nhất của mùa đông năm nay. Một số nơi đã xuất hiện băng tuyết. Mưa rét những ngày qua đã làm hơn 2.000 con trâu bò đã chết vì đói và rét trong những ngày qua, tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong đó, Cao Bằng là tỉnh có số lượng trâu, bò chết nhiều nhất, gần 670 con. Tiếp đó là Lào Cai 440 con, Điện Biên 400 con và Hòa Bình 250 con.

Chỉ tính riêng tại Lào Cai, từ đầu mùa rét đến hết ngày 19/1, toàn tỉnh đã có 382 con trâu, bò bị chết rét, ước thiệt hại 5 tỷ 716 triệu đồng. Cụ thể, Sa Pa chết 200 con; Văn Bàn 63 con; Si Ma Cai 87 con và thành phố Lào Cai 32 con (trong đó, 303 con trâu, 58 con bò, 21 con dê).

Theo ghi nhận của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, từ ngày 1/1/2018, do có nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra liên tiếp làm cho số gia súc bị chết rét tăng cao. Chỉ tính riêng từ ngày 15 - 19/1, rét đậm, rét hại tại vùng núi cao đã làm 190 con trâu, bò bị chết (Sa Pa 83 con, Si Ma Cai 49 con, Văn Bàn 32 con và thành phố Lào Cai 26 con), trong đó trâu 154 con (trên 6 tháng tuổi 89 con); bò 21 con (trên 6 tháng tuổi 17 con); dê 15 con.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân để kịp thời ứng phó, nhằm hạn chế những thiệt hại có thể gây ra...

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra với đàn gia súc, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều biện pháp để phòng chống đói rét cho gia súc; đề nghị các địa phương hỗ trợ về vật tư và kinh phí, cho những hộ khó khăn, để gia cố chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho trâu bò; không chăn thả trâu bò tự do khi rét đậm, rét hại.

Tăng cường chống rét cho đàn vật nuôi

Để chủ động phòng, chống đói, rét, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, ngành chức năng các địa phương tập trung áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói rét cho vật nuôi; cử các đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt chú trọng khu vực vùng cao, biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói rét.

Các địa phương cần chủ động sử dụng ngân sách dự phòng hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm về phòng chống đói, rét cho vật nuôi trên các phương tiện thông tin, đại chúng đến các cộng đồng dân cư, người chăn nuôi biết để áp dụng.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật; cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương; thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

t12s.jpg
Người dân Sa Pa đưa trâu bò xuống vùng thấp tránh rét.

 

Phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi. Tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do và nuôi nhốt trâu bò có kiểm soát khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Hướng dẫn nông dân chủ động, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, rạ, cỏ khô) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Cung cấp đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn thô xanh, như: bột ngô, cám gạo, rơm rạ, cỏ khô, thức ăn ủ chua, rơm ủ u rê... Tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn hàng ngày cho vật nuôi; bổ sung thêm tinh bột, thức ăn giàu đạm, muối, khoáng, vitamin thiết yếu cho vật nuôi trong những ngày giá rét. Vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng và một cây rơm rạ bảo đảm bình quân 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét.

 Dùng các loại chăn, áo cũ... hoặc các vật liệu khác để khoác giữ ấm cho đàn trâu, bò.

Kinh nghiệm của Đồng Văn

Tính đến hết tháng 1/2018, tổng đàn gia súc của huyện Đồng Văn (Hà Giang) có trên 69.840 con. Mặc dù mùa đông năm nay trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài; nhiều vùng có băng giá, song toàn huyện chưa có trâu, bò bị chết do đói, rét.

Ông Dinh Chí Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Thế mạnh trong ngành chăn nuôi của huyện được khẳng định theo hướng hàng hoá, điều đó thể hiện qua con số ấn tượng của năm 2017, toàn huyện xuất bán giết mổ 40.678 con gia súc, tăng 4.440 con so với năm 2016; sản lượng thịt hơi trên 2.276 tấn, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù là một huyện vùng cao, khí hậu khắc nghiệt, về mùa đông nhiệt độ xuống thấp, hạn hán kéo dài, thường xuyên thiếu nước và thức ăn… có thể kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng, chống rét cho đàn gia súc và triển khai, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp thực hiện. Tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc như làm chuồng trại đảm bảo đủ ấm; thực hiện nuôi nhốt, hạn chế chăn thả trong mùa đông; dự trữ thức ăn, nước uống cho gia súc. Đồng thời kết hợp với đội ngũ cán bộ thú y theo dõi tình hình dịch bệnh, tiêm phòng, điều trị một số dịch bệnh gia súc thường xảy ra vào mùa đông.

Việc dự trữ thức ăn trong chăn nuôi được huyện đặc biệt quan tâm, theo đó, huyện vận động nhân dân dự trữ trên 19.080 tấn thức ăn thô xanh, 637 tấn thức ăn tinh; với tổng diện tích cỏ trồng hiện có 1.724ha (diện tích cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp) đã cơ bản giải quyết được thức ăn thô xanh cho đàn gia súc quanh năm. Bên cạnh việc chú trọng tạo nguồn thức ăn cho gia súc, huyện Đồng Văn cũng chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thú y về cách phòng, chống, điều trị bệnh mùa đông cho gia súc; tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tại các phiên chợ, cụm dân cư về cách thức làm chuồng chăn nuôi, chăm sóc gia súc mùa đông.

Từ sự chỉ đạo sát sao của huyện và từ kinh nghiệm thực tiễn những năm trước, các xã, thị trấn đã chủ động, có cách làm riêng mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc; các hộ chăn nuôi cũng đã có ý thức dự trữ nguồn thức ăn, giữ ấm cho gia súc, nên qua 2 đợt rét đậm, rét hại vừa qua, tổng đàn gia súc của huyện vẫn được duy trì, phát triển ổn định, chưa có trâu, bò chết do đói, rét.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rét cho gia súc ở huyện Đồng Văn không những góp phần quan trọng vào đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo thêm động lực vững chắc để huyện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 


 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top