Mùa đông năm nay đến muộn hơn so với mọi năm, song diễn biến thời tiết có nhiều bất thường, ảnh hưởng đến chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, bên cạnh sự chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật của các ngành chức năng thì người chăn nuôi cũng đã biết chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi khi thời tiết lạnh.
Bà Đỗ Thị Luyến, thôn Tân Đức, xã Quảng Đức, Hải Hà cho bò ăn cỏ bổ sung trong những ngày lạnh.
Bà Phạm Thị Duyên, thôn Tân Tiến, xã Tân Bình (Đầm Hà) cho biết: Gia đình chăn nuôi theo hình thức trang trại nên ngay từ đầu đã tập trung đầu tư xây dựng trang trại kiên cố, có hệ thống biogas xử lý chất thải, tuân thủ lịch tiêm phòng đầy đủ. Hiện trang trại của gia đình có trên 100 con lợn thịt, 4 con bò, 12 con lợn nái. Những ngày gần đây, khi thời tiết chuyển rét, chúng tôi đã che phủ bạt toàn bộ chuồng trại của lợn, bò; úm bóng điện 250W để sưởi ấm cho đàn lợn con. Về thức ăn thì luôn đảm bảo cho đàn bò, đàn lợn ăn cám pha nước ấm. Bên cạnh đó, luôn giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, riêng nền chuồng bò được rắc thêm một lớp trấu để giữ ấm. Còn trong những ngày nhiệt độ xuống thấp thì chúng tôi cũng đốt một chậu than củi đặt trước cửa chuồng để đàn vật nuôi được ấm áp hơn.
Cũng như gia đình bà Duyên, hiện các trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hà, cho biết: Toàn huyện hiện có trên 8.000 con trâu, bò; hơn 6.000 con lợn và 209.000 con gia cầm. Hiện tại, công tác tiêm phòng đợt 2 của năm 2015 cho đàn gia súc, gia cầm đã được Hải Hà triển khai cơ bản xong. Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, mưa lạnh đột ngột như hiện nay, địa phương cũng đã chỉ đạo các xã, đặc biệt là những xã vùng cao, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. Qua kiểm tra chúng tôi thấy đến nay nhận thức của người dân về việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Quảng Sơn, Quảng Đức là hai xã vùng cao tập trung số lượng lớn đàn gia súc với khoảng 6.000 con trâu, bò và chủ yếu được chăn thả tự nhiên. Những đợt rét đậm, rét hại trước đây, vùng Quảng Sơn, Quảng Đức hầu như không năm nào không có tình trạng trâu, bò bị chết rét. Do đó, ngay từ đầu mùa đông năm nay, huyện Hải Hà đã chỉ đạo chính quyền hai xã này tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, phổ biến kỹ thuật chăm sóc trâu, bò trong thời tiết giá lạnh. Bên cạnh sự tích cực chỉ đạo của chính quyền, bản thân người dân ở đây cũng đã chủ động các biện pháp đảm bảo sức khoẻ cho đàn trâu, bò trong thời tiết lạnh bởi chăn nuôi trâu, bò trong vài năm trở lại đây đã trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào. Đến nay, mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò ở đây đều có 1 cây rơm làm thức ăn dự trữ, nhiều hộ đã trồng cỏ; xây dựng chuồng trại kiên cố. Bà con cũng thả gia súc muộn hơn và đưa gia súc về chuồng sớm hơn trong những ngày thời tiết lạnh.
Bà Đỗ Thị Luyến (thôn Tân Đức, xã Quảng Đức) chia sẻ: Gia đình tôi được hỗ trợ bò theo chương trình bò giống giúp đồng bào biên giới. Hằng ngày mặc dù bò được chăn thả trong rừng theo đàn nhưng chúng tôi vẫn trồng cỏ ở nhà để đảm bảo đủ lượng thức ăn cho bò. Khi trời lạnh, tôi phủ thêm bạt để tránh gió lùa và cho bò ăn bột ngô pha bằng nước ấm bỏ chút muối để con bò được đảm bảo sức khoẻ.
Phương Thuý
Một số biện pháp chống đói, rét cho đàn gia súc: - Chuồng trại: Chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt như củi, trấu, mùn cưa để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. - Thức ăn: Bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm, rạ, cỏ khô. Mỗi hộ chăn nuôi trâu bò phải có một cây rơm đảm bảo bình quân 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét. Chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo, cháo loãng...) và cho trâu, bò uống nước ấm có pha thêm chút muối để tăng sức đề kháng. - Không thả rông trâu, bò trong rừng núi; phải chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt trong chuồng kín, nền khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa cho bê, nghé để giữ ấm. - Không cho trâu, bò làm việc và chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12 độ C. - Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc theo quy định. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.