Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 1 năm 2019 | 15:30

Cách nào để nông nghiệp khu vực Tây Bắc bứt phá?

Tây Bắc sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đất đai phì nhiêu, rộng lớn, khí hậu đa dạng, có điều kiện để phát triển nông lâm nghiệp, du lịch và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: cây ăn quả, chè, cà phê,...

 

Tuy nhiên, vùng này chưa phát triển, ngay cả với lĩnh vực giàu tiềm năng - nông, lâm nghiệp do gặp khó khăn về hạ tầng, địa hình hiểm trở...

Đâu là giải pháp để nông nghiệp Tây Bắc bứt phá?

 

1.JPG
Bà con Nậm Lộng chuẩn bị hạt giống niên vụ 2018-2019.
 

Kỳ 1: Liên kết tạo nên sức mạnh

Ngoài hạ tầng chưa hoàn thiện, khu vực Tây Bắc còn gặp khó trong sản xuất nông nghiệp khi trình độ, năng lực tổ chức sản xuất, quản trị của người dân, cán bộ hợp tác xã hạn chế.

Cần HTX để đi xa hơn

Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Lan (Mai Sơn - Sơn La) Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, khởi nghiệp năm 2010, ông thành lập HTX vận tải, chuyên chở vật liệu xây dựng, chủ yếu trong địa bàn huyện, tỉnh. Mức thu nhập của Ban quản lý 6-8 triệu đồng/người/tháng; lái xe 5-6 triệu đồng/người/tháng, công việc và thu nhập khá ổn định.

Tuy nhiên, nhận thấy làm nông nghiệp có lợi thế hơn, ví như, đất đai nhiều, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đến mảng nông nghiệp, nhất là Sơn La có thế mạnh về cây ăn trái, năm 2014, ông thành lập HTX kiểu mới, với 52 thành viên, tổng diện tích cây ăn quả 100ha, trong đó có 60ha xoài; 20ha bưởi; 20ha nhãn, cam Canh.

HTX trồng giống xoài Đài Loan ghép với xoài bản địa, để có cây khỏe và chất lượng trái tốt. Năm 2017, khi Ngọc Lan có đơn hàng xuất khẩu đầu tiên, ông Dũng tổ chức cho các thành viên vào Nam, tham quan học hỏi. Rất may, xoài Sơn La hơn hẳn khu vực phía Nam, nơi vẫn được xem là thủ phủ của xoài, có lẽ do chất đất và khí hậu Sơn La tốt hơn. Năm 2018, HTX xuất khẩu 107 tấn, trong đó, sang Trung Quốc 100 tấn, doanh nghiệp đến thu mua tại vườn với giá 13.000 đồng/kg; 7 tấn xuất sang Úc, tiêu chuẩn khắt khe hơn, yêu cầu quả đẹp, đồng đều, chất lượng hơn, trọng lượng 0,6 - 0,8 kg/quả, giá cũng cao hơn, 23.000 đồng/kg. Dự kiến, năm 2019, đơn hàng sẽ cao gấp nhiều lần, bởi hiện dù xoài chưa ra hoa đã có nhiều khách đặt hàng. 

Đặc biệt, 20ha bưởi da xanh của HTX, sau 2 năm về đất Sơn La, ruột vẫn hồng, nhưng vỏ đã chuyển màu hơi hanh vàng. Vì vậy, năm 2016, ông Dũng xin phép Cục Sở hữu trí tuệ đổi tên thành bưởi Ngọc Lan, mang tên HTX. Cũng như xoài, bưởi Ngọc Lan vị đậm đà, ráo nước, có lẽ do thổ nhưỡng Tây Bắc thích hợp cây ăn quả có múi. Hoặc, giống nhãn muộn Hưng Yên được trồng năm 2011, không những phát triển tốt mà năng suất khá cao.

Ông Dũng cho biết, gia đình chỉ có 2 vợ chồng canh tác, trừ chi phí, thu nhập 500 triệu đồng/năm. Song, đây là con số của 3 năm nay, những năm trước, thu đến đâu chi vào vườn đến đấy. Các thành viên khác, hộ cao nhất, ông Đào Văn Hùng, canh tác 7ha, năm 2017 và 2018 trừ chi phí, thu lãi 1 tỷ đồng/năm. Dự kiến, năm 2019 cao hơn, thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng, vì đã có nhiều mối hàng xuất khẩu.

Giám đốc HTX Coffee Bích Thao (TP. Sơn La) Nguyễn Xuân Thao cho biết, toàn tỉnh hiện  có trên 17.000ha cà phê, đây cũng là vùng chuyên canh cà phê Arabica lớn nhất  cả nước.

Ông Thao và các xã viên có thâm niên trồng cà phê trên 20 năm. Song, phải đến tháng 5/2017 mới thành lập HTX, với 11 thành viên. Diện tích bình quân các hộ thành viên 3ha/hộ; doanh thu 300-500 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, bà con còn xen canh xoài, nhãn trong vườn cà phê, tăng nguồn thu đáng kể. Ông Thao cho biết, rủi ro của cà phê Sơn La thường là sương muối, nhưng 10 năm nay chưa thấy.

Sản phẩm của HTX xuất sang các nước: Đức, Mỹ, Thái Lan, Nga và tiêu thụ trong nước. Tám tháng đầu năm 2018 đã xuất khẩu gần 1.000 tấn. Hiện, HTX đã thuê các chuyên gia Đức, Mỹ để chế biến cà phê mật ong, và đã xuất khẩu được 6,8 tấn.

Đặc biệt, 7 năm trước, khi còn ở xưởng cơ khí, ông Thao đã chế tạo thành công máy tách vỏ cà phê siêu tiết kiệm nước, nay kịp thời phục vụ cho thành viên và bà con trong vùng. Nếu như ở miền Nam, tách vỏ 10 tấn cà phê, cần 19-20m3 nước, thì HTX chỉ cần 1,7-2,3m3. Được biết, cách đây 6 năm, các doanh nghiệp nước bạn Đức đã sang phối hợp với Sơn La, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình mới, và thu mua trực tiếp sản phẩm. 

“Từ thực tế trên, chúng tôi thấy, cần phải thành lập HTX, để cùng nhau đi xa hơn, mua vật tư rẻ hơn. Nhất là xuất khẩu trực tiếp, không phải qua khâu trung gian, lợi nhuận thu về cao hơn và không bị thương lái ép giá khi được mùa”, ông Thao  nói.

Và cùng chia sẻ khó khăn

Ông Giàng A Chinh, Giám đốc HTX Táo mèo (bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), cho biết, quê ông có cây sơn tra (táo mèo) mọc tự nhiên trên rừng, là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào. Năm 1994, được khoanh nuôi, bảo vệ để khai thác tốt hơn, song, đầu năm 2018, ông mới thành lập HTX, để giúp bà con tiêu thụ tốt hơn.

HTX có 7 thành viên, hộ nhiều nhất là ông Chinh có 39ha, trong đó 30ha trồng mới, 9ha đang khai thác. Bà con trong HTX, người nhiều nhất 6 -7ha táo mèo đang khai thác. Thị trường chủ yếu là Phú Thọ, Sơn La và một số huyện lân cận. Sơn tra có đặc điểm như nhãn, năm được mùa, năm không. Năm 2016, ông thu hoạch trên 18 tấn, bán với giá 12.000 đồng/kg; các thành viên, hộ nhiều nhất thu được 17-18 tấn. Sang năm 2017, sơn tra mất mùa, các thành viên bị giảm thu nhập.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khi thu hoạch sơn tra là đường sá khó khăn, do phải đưa từ núi cao xuống, đường dốc đứng, trơn trượt. Từ chân núi về xã trên 30 km, phải gùi hàng trên lưng và qua 3-4 con suối mới đến bản. Phụ nữ chỉ gùi được 30 - 35kg, đàn ông  40-45kg. Trời nắng có thể đi xe bán tải, nếu mưa phải đi xe máy, và thường  chở ít nhất 70- 80kg trên xe.

Mặt khác, sơn tra thu hoạch tháng 9-10, thường có mưa, nên càng nan giải. Cách đây vài năm, khi bản còn lưu hành loại xe ô tô của Liên Xô cũ, ông Chinh phải quấn mấy vòng xích vào bánh xe để giảm độ trơn trượt. Sản xuất ở đây rất vất vả nhưng người dân không nhụt chí. Hiện, Nậm Lộng chỉ có duy nhất tuyến đường nhựa 50km từ huyện về xã.

“Năm 2018, được mùa sơn tra, nhưng giá bấp bênh, chỉ  40.000 đồng/10kg, táo hái trên cây. Giá rẻ quá, nên  khi “bí” đầu ra, HTX thu mua với giá trung bình cho bà con và đi bán ở các tỉnh bạn, hoặc tại Sơn La. Các thành viên cần HTX để đi xa hơn, đỡ vất vả, lại được giá”, ông Chinh chia sẻ.      

Được biết, sơn tra là cây cổ thụ, tuổi thọ trên 100 năm, thu hoạch xong, chỉ việc phát quang, không phải chăm sóc. Vì vậy, Tỉnh đã xây dựng nhà máy chế biến cho cả vùng ở Vân Hồ, cách Thị trấn Bắc Yên 74km, cách Nậm Lộng 170km.

Không chỉ gặp khó về giao thông, vùng Tây Bắc còn gặp khó về năng lực quản trị HTX, trình độ dân trí thấp, thiếu tư duy sản xuất.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mường Kim  (xã Mường Vi) Vàng Văn Sưởng, cho biết, quê ông có nhiều loại dược liệu quý như: gừng gió, màng tang, chùa dù, kinh giới rừng, huyết đằng, giây gấm… dùng để trị cảm cúm, ho, chữa bệnh gút, bổ máu… Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác quản lý bị bỏ ngỏ, thương lái Trung Quốc sang mua rất nhiều, và đã bị tận giệt. Từ khó khăn đó, Mường Vi đã được hỗ trợ kinh phí khôi phục cây thuốc cổ truyền.

Cơ may cũng đến với ông Sưởng, khi ông đang làm Trưởng thôn Cửa Cải, vợ làm y tế thôn bản. Ông được vận động thành lập HTX để giúp bà con thoát nghèo. Năm 2016, HTX Mường Kim ra đời, với 16 thành viên, diện tích đất 20ha. Có nhiệm vụ trồng và chế biến dược liệu, chiết xuất tinh dầu xuất sang Thái Lan và cung cấp cho đồng bào Dao làm thuốc tắm. Đặc biệt, có thể tăng diện tích để xuất thô sang Trung Quốc, vì đầu ra đang rộng mở. Hiện, mỗi năm HTX bán ra thị trường 3-4 tạ cao, tinh dầu. Các thành viên, hộ nhiều nhất 2- 3ha, bình quân 30 tấn/ha, thu nhập 60-70 triệu đồng/năm, HTX thu mua cho bà con với giá 4.500 đồng/kg tươi.

“Trở ngại lớn nhất là trình độ quản lý HTX còn kém nên đầu vào của HTX chưa ổn định, ví như: gừng gió, nguyên liệu để sản xuất tinh dầu (sản phẩm chính của HTX) đang phụ thuộc thiên nhiên, nhưng nguồn này đã cạn kiệt. Để giải quyết vấn đề trên, HTX đã cung cấp cây giống, song bà con “ngại” trồng, do chưa có tầm nhìn xa, đầu tư thâm canh cây dược liệu để có cuộc sống ổn định. Đấy là những khó khăn không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được”, ông Sường chia sẻ.    

Thực tế cho thấy, các HTX ở Lào Cai, Sơn La quả là khó khăn, và còn nhiều HTX như vậy ở khu vực Tây Bắc cần tháo gỡ. Song, việc Cà phê Bích Thao chế biến cà phê, mật ong xuất khẩu  là điều đáng ghi nhận, các HTX cần học tập.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Bắc phát triển trên quy mô sâu rộng và hiệu quả hơn, cần ưu tiêu đầu tư, nghiên cứu các định hướng sau: Nghiên cứu tăng giá trị sản phẩm hàng hoá thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm sản có thế mạnh của địa phương, gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước; tổ chức nền nông nghiệp đặc hữu, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và đa dạng sinh học; thành lập các hợp tác xã...

Đồng thời, ưu tiên xây dựng các chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp gồm rừng, gỗ, các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ và dược liệu, du lịch rừng; chính sách thúc đẩy các chuỗi giá trị gỗ được chứng nhận quản lý rừng bền vững nhằm phục vụ chế biến và xuất khẩu vào các thị trường quốc tế có giá trị cao như Mỹ, Nhật, châu Âu.

 

Kỳ 2: Đâu là cơ chế đặc thù?

 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top