Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 10 năm 2019 | 20:54

Cần cụ thể hoá các tiêu chí về tạm hoãn xuất, nhập cảnh

Chiều nay (28/10), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

dinh-cong-sy.jpg
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La)

 

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và căn cứ tình hình thực tiễn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.

Dự thảo cũng quy định tạm hoãn xuất cảnh với “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.

Về nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, quy định tại khoản 3 là nghĩa vụ, điều kiện cần thiết của công dân khi thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh; quy định tại khoản 4 là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong khâu tổ chức thực hiện. Tiếp thu ý kiến các ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lược bỏ khoản 3, khoản 4 và bổ sung, chỉnh lý các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh để bảo đảm phù hợp với cả công dân thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh và cơ quan, cá nhân quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh như tại Điều 3 của dự thảo Luật đã chỉnh lý.

Đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát bảo đảm đồng bộ thống nhất, nhiều nội dung được chỉnh sửa thay đổi một cách toàn diện. Nhiều nội dung mới được bổ sung quy định rõ thêm các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), đề nghị Ban soạn thảo cần phải cụ thể hoá các tiêu chí về tạm hoãn xuất, nhập cảnh để áp dụng trong thực tế không bị lúng túng, hạn chế thấp nhất những trường hợp quy định của pháp luật chuyên ngành khác. Đại biểu nêu ví dụ, cần phải xem xét lại quy định các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh của luật này có phù hợp với những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hay không, vì trong Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định cấm xuất, nhập cảnh hoàn toàn không quy định về tạm hoãn xuất, nhập cảnh. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hoặc giải trình rõ để tránh lúng túng khi triển khai áp dụng pháp luật trong thực tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì lưu ý những quy định liên quan đến hạn chế quyền tự do xuất cảnh, nhập cảnh của công dân cần phải nghiên cứu kỹ vì đây là quyền hiến định và liên quan đến công ước mà Việt Nam đã ký kết. Gần đây có trường hợp đáng lẽ phải ngăn chặn xuất cảnh nhưng không ngăn chặn được nên việc thiết kế quy định là cần thiết. Nhưng nói “có đủ căn cứ” thì căn cứ này do ai quyết định và quyết định sai thì ai chịu...

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La), đề nghị bổ sung nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh ngoài việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên còn cần phải bảo đảm các thoả thuận quốc tế mà Việt nam đã gia nhập, ký kết. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc nhanh chóng hoặc kịp thời vì xuất phát từ yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về giải quyết các thủ tục hành chính nhà nước nói chung hiện nay, nhất là các thủ tục có liên quan trực tiếp tới việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đều đặt ra yêu cầu kịp thời.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top