Ngày 13/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến về Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, qua hơn 5 năm kiểm nghiệm thực tế Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho thấy một số tiêu chí vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn mang tính đặc thù của mỗi vùng miền.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình nhấn mạnh: “Bộ tiêu chí nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới thành, bại của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới. Soạn thảo một vài chữ không đúng là không thể thực hiện được. Bộ NN&PTNT phải tập trung công sức hoàn thiện Bộ tiêu chí này, không để các địa phương phản ứng vì những cách hiểu khác nhau khi thực hiện”.
Theo Trưởng Ban Chỉ đạo, để sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí này cần căn cứ vào Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, trong đó đã xác định thành tố cơ bản của nông thôn mới là ở cấp xã và đặt ra 5 mục tiêu xây dựng nông thôn mới: Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch có hệ thống hạ tầng đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; môi trường xanh, sạch, đẹp; bảo tồn phát huy được bản sắc văn hóa các vùng miền; hệ thống chính trị vững chắc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn cho rằng có 3 vấn đề nổi lên trong xây dựng nông thôn mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là các tiêu chí của nông thôn mới phải có đặc điểm, đặc thù và mức độ phù hợp với từng vùng, miền và từng địa phương chứ không thể vùng nào cũng giống nhau được; xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đi liền với đô thị văn minh; thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác và các chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với xây dựng nông thôn mới để tránh dàn trải, lãng phí.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới phải giải quyết được 5 mục tiêu hướng tới của nông thôn mới và giải quyết được 3 vấn đề nổi lên sau 5 năm thực hiện Bộ tiêu chí cũ. Theo đó, Bộ tiêu chí mới vẫn bao gồm 19 tiêu chí, sẽ mang tính chất “tiêu chí khung” để thống nhất thực hiện trong toàn quốc.
Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành khác rà soát kỹ lại các tiêu chí, tiêu chuẩn, nội hàm, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới cho giai đoạn 2016-2020. Bộ, ngành sẽ hướng dẫn, cụ thể hóa tiêu chí thuộc chức năng quản lý Nhà nước của mình thành các tiêu chuẩn cụ thể. UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hướng dẫn của các bộ, ngành để quy định chi tiết các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn, nhưng không được hạ thấp chỉ tiêu, tiêu chuẩn của các tiêu chí.
Bộ NN&PTNT tập hợp hướng dẫn của các bộ để soạn thảo cẩm nang, tài liệu hướng dẫn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho các địa phương. Đặc biệt, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí cho những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT hoàn thiện các văn bản, chuẩn bị cho cuộc họp trực tuyến toàn quốc về xây dựng nông thôn mới sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.
PV.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.