Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 12 năm 2021 | 13:49

Cần xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trái lêkima

Trái lêkima (miền Bắc gọi là quả trứng gà) có màu vàng đẹp mắt, mùi thơm nhẹ, vị ngọt pha một chút vị béo. Cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, hiệu quả kinh tế khá nên hàng chục năm qua, lêkima được nhiều nhà vườn trồng xen canh với nhiều loại cây trồng khác

Một trong những địa phương có diện tích trồng lêkima lớn phải kể đến xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách) và nơi đây có thể xem là “thủ phủ” của trái lêkima trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Anh Trần Thanh Dũng Em (ấp Cứ Mạnh, xã Xuân Hòa) đưa chúng tôi ra phía sau nhà tham quan khu vườn lêkima có diện tích 1ha và chia sẻ kinh nghiệm: Vườn lêkima của gia đình có tuổi đời 5 - 30 năm,  tất cả các cây đều cho trái tốt, ước sản lượng trái 20 tấn/năm/ha, giá bán thời điểm trước dịch bệnh 8.000 - 25.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Trừ chi phí, lợi nhuận sau thu hoạch trái lêkima trên 200 triệu đồng/ha/năm. So với các loại cây ăn trái khác, cây lêkima dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, kể từ lúc trồng đến thu hoạch được trái mất khoảng 2 năm. Lêkima có đặc tính hay là cho trái quanh năm, hầu như không cần phải chăm sóc nhiều, chỉ cần sử dụng các loại phân hạt bón cho cây và không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi cây không bị sâu hại tấn công, chỉ có ruồi vàng đục trái, với loại ruồi này chỉ cần bỏ thuốc vào chai nhựa, treo một góc trong vườn là diệt được ruồi.

“Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, đúng lúc mùa vụ trái lêkima tại vườn giai đoạn thu hoạch rộ nên giá bán giảm mạnh, chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, thất thu cho nhà vườn nhiều (khoảng 3 tháng). Mặc dù giá bán thấp nhưng đầu ra của trái lêkima khá ổn định, vì thương lái  thu mua hết. Hiện, giá lêkima đã tăng trở lại, thương lái mua tại vườn với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg.   Tôi mong muốn ngành chuyên môn thành lập hợp tác xã lêkima để nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lêkima…”, anh Dũng Em bộc bạch.

Cách vườn lêkima của anh Dũng Em vài chục bước chân là khu vườn của chị Huỳnh Lệ Thi. Chị Lệ Thi phấn khởi khi giá lêkima tăng trở lại sau mấy tháng giá giảm sâu: “Tôi có 5 công lêkima, cho sản lượng khoảng 12 tấn trái/năm. Dự tính đến cuối vụ,  vườn lêkima cho thu nhập tầm 50 triệu đồng. Theo tôi, lêkima là loại trái cây sạch do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây, chỉ bón dưới gốc một ít phân bón nên nhà vườn mong muốn có hợp tác xã lêkima, để giới thiệu quảng bá hình ảnh trái lêkima tại địa phương cũng như liên kết doanh nghiệp tiêu thụ rộng rãi trong nước, kể cả thị trường xuất khẩu, để tăng thu nhập cho nhà vườn…”.

 

01.jpg
Anh Trần Thanh Dũng Em bên vườn lêkima của gia đình có tuổi đời từ 5-30 năm.

 

Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách Trần Văn Toàn cho biết: “Toàn  huyện hiện có hơn 115ha  lêkima, trong đó có 30% nhà vườn trồng chuyên canh lêkima, còn lại là trồng xen canh, cây lêkima tập trung phần lớn tại xã Xuân Hòa. Lêkima có trái quanh năm và mùa vụ chính vụ của lêkima rơi vào tháng 2-4 và 8-9. Trồng lêkima, nhà vườn không cần chăm sóc nhiều như những loại cây trồng khác, mùa nắng chỉ cần tưới 1- 2 lần/tuần, thậm chí có nhà vườn 10 - 15 ngày mới tưới, cây vẫn xanh tốt, cho trái bình thường, kể cả trồng lêkima tại vùng đất phèn cây vẫn sinh trưởng tốt.

Đặc biệt, cây lêkima có sức sống rất mạnh so với các loại cây ăn trái khác khi gặp thiên tai, nếu cây đổ ngã vẫn cho trái, thậm chí ngay gốc đổ ngã sẽ phát triển lên cây mới và tuổi đời của cây lên đến hàng chục năm. Tới đây, để hỗ trợ nhà vườn trồng lêkima, đơn vị sẽ phối hợp địa phương thành lập hợp tác xã tập hợp hộ dân trồng lêkima tham gia nhằm sản xuất ra lượng lêkima có sản lượng lớn cùng chất lượng, kích cỡ cung ứng thị trường. Đồng thời, đơn vị tìm kiếm doanh nghiệp kết nối bao tiêu đầu ra cho trái lêkima, giúp nhà vườn yên tâm hơn trong trồng trọt…”.

 

 

Thúy Liễu
Ý kiến bạn đọc
Top