Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy trên sông, kênh rạch thay đổi làm bờ sông nhiều tỉnh, thành phố ở ĐBSCL bị sạt lở, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Đặc biệt, mới đầu mùa mưa nhưng một số địa phương đã xuất hiện nhiều vị trí sạt lở.
Nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng
Mới đây, trên địa bàn quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) liên tục xảy ra sạt lở khiến 4 hộ dân không còn nơi cư ngụ. Theo đó, vào khoảng 3 giờ sáng 17/5, trên tuyến sông Bến Bạ đoạn qua khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú xảy ra vụ sạt lở khiến nhà của 2 hộ dân bị sụp xuống sông, ước thiệt hại trên 350 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Tô Châu, chủ căn nhà số 227B vừa bị đổ sụp xuống sông nhớ lại, khoảng 2 giờ 30 phút sáng 17/5, khi con tôi thức pha sữa cho cháu ngoại thì nghe tiếng động lớn của vách tường đang bị nứt ra. Lập tức hô to, cả nhà thức dậy và vội chạy nhanh ra ngoài. Ngay sau đó, phần nhà phía sau sụp xuống sông Bến Bạ, kéo theo tài sản, vật dụng gia đình rơi xuống sông. Rất may, gia đình kịp thời bế 2 cháu nhỏ chạy ra khỏi nhà nên không ảnh hưởng đến người.
Trước đó, ngày 16/5, con rể bà Châu đi làm về thấy tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt nên chuyển một phần vật dụng gia đình đến gửi nhà người quen. Nhưng, gia đình bà chưa kịp dọn hết tài sản thì sạt lở xảy ra. Ðồ đạc mất hết, chén bát, nồi ơ cũng không còn… Ngay cạnh nhà bà Châu, gia đình bà Phạm Ngọc Hân cũng bị sụp đổ 1 căn nhà và 3 phòng trọ cho thuê cùng vật dụng gia đình…
Tại khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, khoảng 4 giờ sáng 16/5/2021, cũng xảy ra vụ sạt lở làm căn nhà của ông Ðặng Văn Hạnh bị sụp đổ một phần xuống sông, thiệt hại tài sản trên 20 triệu đồng. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng trục vớt tài sản cho người dân. Các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở cũng được hỗ trợ một phần tiền trước mắt để hạn chế khó khăn.
Ông Trần Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết, sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã hỗ trợ trước mắt cho các hộ dân bị mất nhà mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng. Riêng trường hợp của bà Châu do có hoàn cảnh khó khăn nên quận đang đề nghị hỗ trợ xây dựng lại căn nhà cho gia đình bà từ nguồn vận động xã hội hóa….
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 5 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 120m, làm ảnh hưởng 21 căn nhà và 3 phòng trọ tại các quận Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Tại An Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cho biết, hiện toàn tỉnh có 53 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm đặc biệt cần chú ý. Điển hình như: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu) sạt lở mạnh hàng năm, đang đe dọa đường giao thông dài 6.900m, trong đó sạt lở mạnh thuộc 2 ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4.400m. Địa hình vách lòng sông khá đứng, độ sâu thay đổi từ -11m đến -19m từ thượng nguồn về hạ nguồn, cách bờ từ 30-50m. Khu vực ngã 3 sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu của sông Hậu và sông Châu Đốc nên tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông, tạo hố sâu ở khu vực giữa sông, hố có độ sâu -30m có chiều dài 130m, rộng 70m, dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở bất ngờ với những mảng trượt lớn, khu vực này đông dân cư.
Đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) có đáy sông sâu và gần Quốc lộ 91, hình thái đáy sông cho thấy nguy cơ sạt lở rất cao và nguy hiểm, dài 1.900m, kéo dài từ Vàm kênh Cây Dương đến phà Năng Gù. Địa hình đáy sông có lạch sâu cách bờ Bình Mỹ khoảng 60m, chiều dài lạch sâu 370m, rộng trung bình 70m, độ sâu từ -15m đến -19m. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương đặc biệt lưu ý các đoạn được cảnh báo nguy hiểm.
Tại tỉnh Vĩnh Long, tình trạng sạt lở bờ sông đến mức báo động. Địa phương có trên 5.000 tuyến sông, rạch dài gần 5.600km, sạt lở xảy ra suốt năm và đã tàn phá nhiều công trình đất đai, nhà cửa. Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, hằng năm địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến/điểm sạt lở, làm mất 5.000 - 6.000m bờ sông, kinh, rạch.
Không chỉ bờ sông, kênh rạch bị sạt lở, hiện nay ở nhiều tỉnh như tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở đê biển, sạt lở từ bờ biển lấn sâu vào đất liền. Cơ quan chức năng các địa phương đã phải lên tiếng cảnh báo tình hình sạt lở ven biển có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Chủ động khắc phục sạt lở
Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, vào thời gian chuyển mùa như hiện nay (từ mùa khô sang mùa mưa) thường xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Bởi, vào mùa khô mực nước xuống thấp làm giảm độ kết dính của đất; sang mùa mưa, đất bị xâm thực nước, đặc biệt là đất ven sông, rạch thêm nước mưa thấm vào, tăng trọng lực và tạo dòng chảy nên dễ dẫn đến hiện tượng sạt lở.
Còn theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, tình hình khô hạn đến sớm và kéo dài, mưa lớn tập trung vào giai đoạn cuối năm, mực nước trên sông hạ thấp, nước trong đất bị mất cân bằng nên vào đầu mùa mưa, nếu có mưa lớn cục bộ sẽ làm mặt đất thấm nước nhanh, làm đến kết cấu đất mềm, yếu, trong khi mực nước sông còn thấp, dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng.
Ngoài ra, dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái taluy và khả năng xảy sạt lở, đổ ụp xuống sông là rất cao...
Do đó, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi, cảnh báo người dân thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, di dời người dân khỏi nơi xung yếu…
Tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ), nơi chịu nhiều thiệt hại do sạt lở bờ sông, thời gian tới địa phương này xác định sẽ tăng cường phối hợp các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát tất cả các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn. Từ đó đưa ra phương án khắc phục sạt lở, hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ các tuyến đường giao thông tại khu vực sạt lở.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, nhận định, thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dòng chảy trên sông thay đổi, độ kết dính của đất bị giảm... Do đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng tránh, hạn chế xây dựng công trình, nhà cửa ven sông cần tập trung thực hiện. Bên cạnh đó khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án công trình (kè kiên cố) và phi công trình (kè sinh học) là giải pháp hữu hiệu, bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị cần được quan tâm thực hiện thời gian tới...”.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, thời tiết đã vào mùa mưa, ngay thời điểm này các địa phương cần chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão, lốc xoáy; các nơi có nguy cơ sạt lở cao gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn...
Từ đó kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh, rạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất các giải pháp khắc phục sạt lở ở khu vực đã và có nguy cơ xảy ra sạt lở…
Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL diễn ra đã nhiều năm nay, trước biến đổi khí hậu, trên sông, kênh rạch bị thay đổi dòng chảy chắc chăn thời gian tới tình trạng sạt lở sẽ xảy ra thường xuyên, thậm chí nghiêm trọng hơn. Trước thực trạng này, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án để khắc phục, đặc biệt cần có phương án khắc phục mang tầm khu vực, có như vậy mới đồng bộ, mang tính bền bững.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.