Gần 80m mặt đường Quốc lộ 91 đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang) bị sạt lở xuống sông Hậu. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tập trung di dời các hộ dân đến nơi an toàn, thả bao cát xuống hố xoáy để hạn chế sạt lở.
Theo đó, vào khoảng 12 giờ 30 phút đến 5 giờ 30 phút ngày 1/8/2019, đoạn Quốc lộ 91 qua địa bàn xã Bình Mỹ bị sạt lở 3 lần. Đoạn sạt lở này dài khoảng 85m, trong đó có gần 80m mặt đường Quốc lộ 91 đã bị sạt lở xuống sông Hậu.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, có 26 căn nhà của người dân đang sinh sống nằm trong khu vực nguy hiểm đã được hỗ trợ di dời tài sản, vật dụng có giá trị đến nơi khác. Các hộ dân đã được bố trí chỗ ở hoặc ở nhờ nhà người thân gần khu vực đó.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, tỉnh An Giang đã huy động hàng trăm công nhân thả hàng chục nghìn bao cát được đổ xuống sông để gia cố. Mỗi ngày có khoảng 4 chiếc sà lan chở cát được huy động tới để gia cố khu vực sạt lở.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý Đường bộ IV phối hợp trực và điều tiết đảm bảo giao thông, cảnh báo nguy hiểm; theo dõi và tổ chức khảo sát đo đạc hiện trường để có giải pháp xử lý, khắc phục; chỉ đạo Ban Quản lý Dự án 7 và Nhà thầu tổ chức thi công thông xe tuyến tránh tạm để đảm bảo giao thông.
* Trước đó, ngày 29/7/2019, tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ cũng đã xảy ra vụ sạt lở trên sông Cái Sắn dài 40m, ăn sâu vào bờ từ 3m đến 5m.
Vụ sạt lở khiến cho 5 căn nhà của người dân bị hư hỏng, trong đó có 02 căn bị trôi xuống sông hoàn toàn, 02 căn nhà bị sụp 50% và 01 căn bị rạn nứt tường, ước tổng thiệt hại gần 01 tỉ đồng.
Nguyên nhân của vụ sạt lở là do các căn nhà này nằm trong khu vực nguy hiểm, bờ kè không đảm bảo. Sau khi sạt lở xảy ra, huyện Vĩnh Thạnh đang đề nghị thành phố hỗ trợ mỗi hộ dân 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Huyện cũng hỗ trợ mỗi gia đình từ 5 - 9 triệu đồng và bố trí các hộ dân này vào khu dân cư vượt lũ xã Thạnh Quới để tạm thời ổn định cuộc sống.
Long An: 15 huyện, thị xã có dịch tả châu Phi
Hiện, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 232 hộ tại 77 xã của 15 huyện, thị xã và thành phố với tổng số lợn tiêu hủy trên 7.200 con. Tỉnh Long An đã hỗ trợ 5.160 lít thuốc sát trùng và 83.680kg vôi để các địa phương chống và dập dịch.
Để tăng cường công tác chống dịch, UBND tỉnh Long An đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và các địa phương phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, xem công tác xử lý, khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng cũng tăng cường chốt chặn, kiểm tra lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch cũng như các cửa ngõ của tỉnh.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, tỉnh Long An ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan để các địa phương chủ động thực hiện và thành lập trên 31 chốt kiểm dịch tạm thời, 15 đội kiểm soát lưu động trên địa bàn các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn xảy ra và lây lan rất nhanh.
Cũng theo bà Khanh, hiện, công tác xử lý ổ dịch tại các địa phương được thực hiện quyết liệt, hầu hết ổ dịch đều được triển khai tiêu hủy theo đúng quy định ngay trong ngày đầu tiên phát hiện. Công tác tiêu độc khử trùng được thực hiện liên tục, thường xuyên nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan.
Long An: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng cao
Theo Sở Y tế Long An, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh này ghi nhận trên 2.500 ca mắc sốt xuất huyết (chưa ghi nhận trường hợp tử vong), tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 466 ổ bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2018.
Một số địa phương có số ca mắc sốt huyết tăng cao gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An. Đáng chú ý là, tại các điểm nguy cơ cao như khu vực đông dân cư, khu nhà trọ, bệnh sốt xuất huyết hầu như không được người dân để ý.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, biện pháp phòng bệnh cơ bản là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng tránh muỗi đốt bằng cách xoa thuốc chống muỗi, nằm màn, che đậy, úp sấp các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, dọn rác quanh nhà...
Hiện, Sở Y tế Long An đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khoanh vùng, khống chế bệnh, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh mới, không để bệnh bùng phát ra diện rộng. Sở phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phát tờ rơi, tổng vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi... mà trọng tâm vẫn là giám sát, ngăn không để bọ gậy, muỗi phát sinh.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.