Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 2 năm 2020 | 14:14

Cánh đồng lúa hữu cơ Đồng Phú vào vụ mới với mục tiêu mới

Nhờ thực hiện công tác dồn đổi ruộng đất để chuyển sang canh tác lúa hữu cơ từ năm 2012 đến nay nên việc lấy nước đổ ải cấy lúa vụ xuân của người dân xã Đồng Phú (Chương Mỹ - Hà Nội) khá thuận lợi.

 

Theo đó, trong Tết Nguyên đán 2020, bà con đã cấy xong đợt 1; hiện đang tập trung cấy đợt 2, dự kiến hoàn thành trong tháng 2 hoặc trước 5/3/2020.

 

tr2.JPG

Bà Nguyệt cùng chuyên gia trên đồng ruộng.


Đồng ruộng liền thửa, cấy cày thuận lợi

Bà Lê Thị Hoà, Trưởng thôn Thượng Phúc (xã Đồng Phú), cho biết, vụ xuân 2020, bà gieo cấy 1,5 mẫu ruộng (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), đã cấy xong đợt 1 từ 28 tháng Chạp 2019. Sau khi cấy xong,  ngâm ruộng gần 1 tháng nay và đang chờ đổ ải để cấy tiếp đợt 2, dự kiến cấy xong trong tháng 2/2020. Nguồn nước tưới lấy ở sông Bùi, đoạn chảy qua địa phương nên rất thuận lợi. Hiện, gia đình bà vẫn còn 0,5 mẫu ruộng đang đổ ải, ngâm ruộng để diệt chuột và sâu bệnh, chờ tháo cống xong, khoảng cuối tháng 2/2020 sẽ bừa qua một lượt và tiếp tục cấy.

“Khi tham gia Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, từ năm 2012 đến nay, việc cấy, cày của gia đình cũng như của bà con trong HTX thuận lợi hơn rất nhiều, do đồng ruộng bằng phẳng, không còn bậc thang như các thôn khác, nên việc lấy nước tưới hàng năm rất thuận tiện”, bà Hoà nói thêm. 

Ông Lê Văn Phi (thôn Thượng Phúc)  cho biết, gia đình ông có 3 mẫu ruộng, tham gia HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú từ năm 2015 đến nay. Vụ xuân hè năm 2020, gia đình ông đã cấy xong đợt 1 từ 20 tháng Chạp. Đợt 2 còn 4 sào, hiện đang đổ ải, chờ tháo cống, sẽ tiến hành cấy, nếu không thuê được người, phải cấy 2 - 3 ngày mới xong, nếu thuê được người cấy, chỉ 1 ngày là xong hết.

Năm 2019, gia đình ông Phi thu hoạch được 6 tấn lúa, doanh nghiệp đến thu mua tại ruộng với giá 11.000 đồng/kg, trong khi lúa thường chỉ 6.000 đồng/kg. Ông để lại 3 tạ thóc để sử dụng, dự kiến tháng 4 - 5/2020, sẽ thu hoạch lúa vụ xuân, như vậy, sẽ đủ nguồn gạo hữu cơ sử dụng trong cả năm.  Không như những năm trước, do giá lúa hữu cơ cao, nên gia đình ông cũng như bà con trong thôn đều bán hết và mua lúa thường về ăn.

Những năm gần đây, không chỉ ông Phi mà bà con trong HTX Đồng Phú đều chung suy nghĩ, để lại gạo hữu cơ sử dụng trong gia đình, không bán hết cho doanh nghiệp. Vì người trực tiếp làm ra hạt gạo hữu cơ xuất khẩu, phải được sử dụng trước, sau đó tích cực sản xuất tốt hơn.

Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, bà Trịnh Thị Nguyệt, cho biết: “HTX đã cấy xong trà 1 từ 19/12 âm lịch, hiện đang triển khai cấy vụ xuân 2020, nguồn nước ở địa phương khá thuận tiện, đầy đủ, bà con chỉ việc bừa ải và cấy lúa. Theo đó, khu vực cấy lúa Q5, gồm 6ha;  cấy lúa nếp Hưng Yên 10 mẫu, lúa nếp BM 9603: 5ha;  đang cày, bừa và bắt đầu cấy từ giữa tháng 2/2020”.

Bà Nguyệt cho biết thêm, lúa hữu cơ Đồng Phú hiện đang bán cho doanh nghiệp để xuất khẩu. Canh tác hữu cơ không khó, chỉ cần áp dụng đúng những quy trình như: nhổ cỏ bằng tay, bón phân hữu cơ; không bón phân vô cơ, không phun thuốc BVTV. Khi thu hoạch cũng không được lẫn với cỏ dại, hay các loại lúa khác; ngoài ra, còn có một số quy định khác, người sản xuất phải tuân thủ.

Canh tác lúa hữu cơ tại Đồng Phú là sản xuất lúa trên cơ sở ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật từ năm 2007. Đồng thời, được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội áp dụng hàng chục năm qua, theo phương thức cấy mạ non, cấy thưa, ít dảnh (1-2 dảnh/khóm). Rút cạn nước ở giai đoạn lúa đẻ nhánh; làm cỏ sục bùn bằng tay, khoảng 1 tuần sau khi cấy (nếu thời tiết ấm), sẽ giảm được nhiều công làm cỏ, vì lúc này, cỏ chưa kịp lớn. 

 

tr2a.JPG
Cán bộ Chi cục BVTV Hà Nội và địa phương thăm cánh đồng lúa của HTX Đồng Phú.

 

Khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật SRI, hầu như không phải sử dụng thuốc BVTV; cây lúa khoẻ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết thay đổi. Không riêng người dân Đồng Phú, bà con trên cả nước hoàn toàn có thể canh tác lúa hữu cơ, để có đầu ra ổn định, người dân được sử dụng gạo sạch, không còn tồn dư hoá chất, do không sử dụng thuốc BVTV.

Các cấp, ngành cùng vào cuộc

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chương Mỹ, bà Trần Thị Thu Trang, cho biết: “Ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất, Trạm đã xây dựng kế hoạch phòng trừ sâu bệnh, sinh vật hại trên cây trồng. Đặc biệt, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM trên cây rau, ngô, lạc, và kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI.

Đồng thời, hướng dẫn bà con phòng trừ ốc bươu vàng, diệt chuột gây hại ngay từ đầu vụ; cách phòng trừ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bọ rầy phá hại lúa vụ xuân. Phòng trừ bệnh bạc lá đốm sọc, vi khuẩn, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn vụ mùa”.

Ông Nguyễn Mạnh  Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, cho biết: “Lúa xuân gieo mạ trà muộn, đã thực hiện 100% diện tích mạ che phủ nylon. Đồng thời, bắt đầu tập trung cấy sau tiết lập xuân từ 04/02 - 29/02/2020 và kết thúc trước 05/03/2020. Trong đó, lúa xuân chất lượng cao chiếm 50-55%;  lúa thuần năng suất cao  35-40%; lúa lai và các giống khác 5-10%. Trong đó, diện tích có nước 60.025ha, đạt 66,7 %; diện tích làm đất 44.504 ha, đạt 49,5 %. Diện tích lúa đã cấy 14.199,2ha, đạt 15,8% kế hoạch”.

Cũng theo ông Phương, bà con đang tập trung cấy lúa xuân đúng thời vụ, dự kiến hoàn thành trước 05/3/2020.  Mở rộng ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI: cấy 1 dảnh, cấy thưa 25-35 khóm/m2, cấy mạ non; bón phân cân đối, trọng tâm là giảm lượng đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng. Yêu cầu cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện, theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen trên mạ, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ, chuột gây hại trên lúa mới cấy.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Sở  đã ban hành kế hoạch sản xuất vụ xuân từ trong Tết Nguyên đán 2020. Đồng thời, thường xuyên có văn bản chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ đông, sản xuất vụ xuân 2020, và công tác phòng chống hạn. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác lấy nước, có kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch điều chỉnh đợt 2 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Phấn đấu đưa nước đổ ải hết 100% diện tích lúa vụ xuân. Đồng thời, tích cực làm đất, đảm bảo cấy vụ xuân kịp thời vụ, chuẩn bị tốt để “ruộng chờ mạ” và ngấu đất, lắng bùn, trước khi cấy. Đối với vùng đã cấy, cần giữ nước đều trên mặt ruộng”.

 

Xuất phát từ mục tiêu tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa hữu cơ, vụ Xuân năm 2019 Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam phối hợp với Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú triển khai mô hình sản xuất lúa Japonica hữu cơ.

Theo kế hoạch, từ năm 2020, Công ty định hướng mở rộng hàng ngàn hecta trồng lúa hữu cơ, ký kết hợp đồng đầu tư, quản lý vùng trồng, chế biến, bảo quản quy mô công nghiệp, tiêu thụ thị trường cao cấp để sản phẩm lúa hữu cơ Đồng Phú không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Định hướng của Công ty khi bắt tay với Hợp tác xã không chỉ dừng lại ở phát triển nông nghiệp hữu cơ mà còn tiến tới sẽ là mô hình nông nghiệp du lịch hữu cơ sinh thái và hướng tới xuất khẩu gạo hữu cơ Đồng Phú sang thị trường Mỹ.

 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top