Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 5 năm 2020 | 11:48

Cao Bằng: Cần đa dạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Cao Bằng triển khai khá tốt. Tuy nhiên, việc phát triển và bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cần được quan tâm sâu hơn.

Gần 53 tỷ đồng phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn

Giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh được giao 52 tỷ 900 triệu đồng thực hiện “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

cán-bộ-kỹ-thuật-hướng-dẫn-người-dân-cách-sử-dụng-phân-hữu-cơ-hudavil-sử-dụng-cho-cây-mía.jpg
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách sử dụng phân hữu cơ hudavil sử dụng cho cây mía

 

Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 36 tỷ 600 triệu đồng; tuyên truyền tư vấn, đào tạo nghề và việc làm đối với lao động nông thôn 1 tỷ đồng; rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1 tỷ đồng; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy 1 tỷ đồng; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp 1 tỷ 200 triệu đồng; xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn 1 tỷ 500 triệu đồng; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề cho lao động nông thôn 10 tỷ đồng; giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn 600 triệu đồng.

Phụ nữ huyện Bảo Lạc tích cực trang bị nghề cho hội viên

Huyện Bảo Lạc hiện có 7.083 HV phụ nữ, sinh hoạt tại 146 chi hội. Các cấp Hội luôn quan tâm tạo điều kiện cho HV phát triển kinh tế thông qua việc tạo vốn sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kiến thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật...; tuyên truyền, vận động HV phát huy nội lực, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 

phụ-nữ-xã-bảo-toàn-bảo-lạc-thu-hoạch-dong-riềng.jpg
Phụ nữ xã Bảo Toàn (Bảo Lạc) thu hoạch dong riềng.

 

Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lạc Mông Ánh Hồng cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, HV, phụ nữ thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, HV, phụ nữ; khẳng định vai trò, trách nhiệm của chị em phụ nữ trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, HV, phụ nữ tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Niềm vui của người dân sau học nghề

      

anh-triệu-văn-thí-mở-cửa-hàng-sửa-chữa-máy-nông-nghiệp-tại-nhà.jpg
Anh Triệu Văn Thí mở cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp tại nhà

 

Năm 2016, anh Triệu Văn Thí, xóm Nà Sẳng - Nà Đâư, xã Bình Lăng tham gia lớp học sửa chữa máy nông nghiệp trong thời gian 3 tháng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Với quyết tâm học nghề để sửa chữa máy cho gia đình và phát triển kinh tế, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Trung tâm cũng như tự tìm hiểu thêm qua sách, báo, ti vi, anh đã nắm được các kỹ thuật cơ bản trong sửa chữa máy nông nghiệp như: máy cày, máy tuốt lúa, máy bừa... Anh Thí chia sẻ: Biết tôi đã qua học nghề, bà con trong xóm, xã đều mang máy đến để sửa chữa; vừa làm tôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập khá ổn định; vào dịp cao điểm thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Tại một lớp hàn điện sơ cấp được tổ chức tại trường Trung cấp Nghề của tỉnh, sau 3 tháng học nghề, ai cũng phấn khởi khi kiến thức, tay nghề được nâng cao hơn trước rất nhiều. Anh Mai Mạnh Cửu, công nhân Công ty TNHH Thương mại Nhung Đối là một trong những học viên đã tham gia khóa đào tạo nghề phi nông nghiệp (hàn điện) cho biết: Trước đây anh làm nghề hàn chủ yếu theo kinh nghiệm, tuy nhiên, qua lớp học, với sự hướng dẫn của giáo viên, anh đã biết thêm nhiều kiến thức mới để khi ra làm nghề cũng thuận tiện hơn với nhiều kỹ năng được áp dụng vào thực tiễn. “Hầu hết các học viên sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo nghề ở đây trở về làm việc tại các xưởng cơ khí đều được đánh giá chất lượng tay nghề đạt khá cao”, anh Cửu bộc bạch.

Những nguồn vốn mồi giúp người lao động phát triển nghề

Giai đoạn 2015 - 2019, từ nguồn vốn tín dụng NHCSXH, toàn tỉnh có 117.506 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình cho vay, nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; giải quyết việc làm; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi.

 

khách-hàng-giao-dịch-tại-agribank-chi-nhánh-cao-bằng.jpg
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Cao Bằng

 

Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Cao Bằng có dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 3.339 tỷ đồng, chiếm 73,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay qua 466 tổ vay vốn với 3.195 thành viên đạt 138 tỷ đồng; các chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 55, Nghị quyết 30a được triển khai hiệu quả.

Cần mở các lớp nghề truyền thống để phát triển và bảo tồn

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Cao Bằng có 21 làng với 10 nghề đang hoạt động; không ít làng nghề truyền thống đang dần mai một hoặc hoạt động cầm chừng. Ông Nông Vĩnh Thời, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Cao Bằng) cho biết: Tỉnh đã quy hoạch rõ điểm nghề, làng nghề, để có chiến lược phát triển phù hợp với từng địa phương; đồng thời hỗ trợ đào tạo tay nghề, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm gắn với thị hiếu người tiêu dùng,...

Bà Ngô Thị Cẩm Châu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, các nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh chưa được sự quan tâm, đầu tư đúng mức để bảo tồn. Việc sản xuất các nghề còn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, chủ yếu là quy mô hộ gia đình nên chất lượng sản phẩm cũng như trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp so với các mặt hàng khác.

 

người-dân-xóm-lúng-súng-xã-yên-lạc-nguyên-bình-thực-hiện-công-đoạn-sản-xuất-giấy-bản.jpg
Người dân xóm Lúng Súng, xã Yên Lạc (Nguyên Bình) thực hiện công đoạn sản xuất giấy bản

 

Giấy bản được người Dao dùng trong các dịp lễ, Tết như: cấp sắc, đám tang, đám cưới, lễ cầu an; sử dụng trong việc sao chép sách cổ, sách hát, sách cúng, sách dạy học; dùng để làm tiền vàng (đốt cho người âm, thần linh, ma quỷ)... Bà Triệu Mùi Coi, xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc (Nguyên Bình) cho biết: Trước kia, hầu như nhà nào cũng làm giấy bản, nhưng hiện nay đa phần các gia đình không làm thường xuyên, chỉ khi nào nhà có đám ma hoặc lễ cấp sắc mới làm nhiều giấy bản đủ dùng cho cuộc lễ kéo dài từ 1 - 7 ngày... Để bảo tồn, phát triển nghề làm giấy bản truyền thống của người Dao Đỏ, chính quyền địa phương cần phát triển nghề truyền thống trở thành làng nghề gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ tìm kiếm thị trường để sản phẩm có đầu ra ổn định, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. 

Theo kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng làng nghề nông thôn của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh Cao Bằng hiện còn trên 800 hộ làm nghề truyền thống, thu hút 1.816 lao động; thu nhập từ làng nghề chiếm 83% tổng thu nhập các hộ gia đình nông dân. Để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống được tốt hơn, Cao Bằng nên đa dạng các mô hình, các lớp nghề, cần quan tâm hơn tới việc đào tạo và phát triển các nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top