Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 11 năm 2019 | 16:5

Chất vấn Bộ Nội vụ về luân chuyển cán bộ, tinh gọn biên chế

Chiều nay (7/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

le-vinh-tan.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông bày tỏ băn khoăn: "Hiện tượng thiếu giáo viên có nguyên nhân là quy định về định mức học sinh trên lớp và giáo viên trên lớp hiện nay chưa có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn, chưa có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn miền núi đồng bằng vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Theo tôi đối với khu vực Tây Nguyên và thành phố lớn còn có nguyên nhân là việc di dân không theo kế hoạch và việc dịch chuyển lao động. Vậy Bộ trưởng cho biết làm thế nào để bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy?.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, riêng về giáo viên, Bộ Nội vụ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đạo tạo và xin kiến nghị Chính phủ cho thành lập Nghị quyết riêng về vấn đề biên chế của giáo viên.

"Chúng ta không thể lấy biên chế giáo viên mà để tính cho biên chế cho các đơn vị sự nghiệp khác bởi vì đây là lĩnh vực đặc thù, dân số tăng giảm, thiếu cục bộ từng môn, từng vùng và theo định mức thì chúng ta cũng phải có định mức biên chế cho từng vùng", Bộ trưởng cho biết. 

Phản ánh vấn đề được nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm, đại Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập.

Cho rằng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức, đại biểu lý giải, thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học  rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu đặt câu hỏi: Vấn đề này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này? Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Về vấn đề tinh giản biên chế, theo đại biểu cử tri băn khoăn lo lắng về tình trạng giảm những người "tinh" và đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp tối ưu nào để khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức kém tài?

Theo đại biểu, việc sắp xếp lại bộ máy Nhà nước chắc chắn sẽ có rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, điều này tạo nên tâm lý rất bất an.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp then chốt để chúng ta giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với chủ trương tinh giản biên chế tinh gọn bộ máy?

Điểm nghẽn lớn trong thực hiện tự chủ

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng giáo dục, y tế sẽ càng được nâng lên.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục y tế? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới?

Theo đại biểu việc thực hiện chủ trương tự chủ của các đơn vị công lập như hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập như: Quyền tự quyết của các đơn vị tự chủ, quyền tuyển dụng lao động, quyết định lương hay các vấn đề sử dụng các tài nguyên của đơn vị, tài sản công, liên kết với các đơn vị khác... Các bất cập này đã được các địa phương, đơn vị nhiều lần đề cập nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Nhấn mạnh đây là điểm nghẽn lớn trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng ta về giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân bất cập với vai trò của mình, Bộ trưởng giải quyết như thế nào?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta  là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1.500.000 người, chiếm tỷ lệ rất lớn.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên hiện nay không đủ để đứng lớp, kể cả ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Để giải quyết những vấn đề như các đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị, đã có kết luận và bước đầu giải quyết được 19 tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu và kể cả lực lượng y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị theo đúng tinh thần “có người học phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh phải có nhân viên y tế để chăm sóc”.

Như vậy thì thống kê bước đầu Bộ Nội vụ nhận được là 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu, riêng ngành y tế khoảng hơn 12.000.

“Vấn đề này Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế.

Bộ trưởng khẳng định, chúng ta phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cái gốc của vấn đề.

Cho biết, nhiều địa phương làm rất tốt, giảm giáo viên rất tốt và cũng không cần đề nghị tăng thêm biên chế giáo viên, ngoài ra, mỗi năm còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho phát triển, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị các tỉnh khác phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng đối với giáo viên, Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và kiến nghị Chính phủ cho ban hành một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Năm 2021, Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15% biên chế

Trả lời đại biểu về sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế của các bộ ngành và của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong báo cáo của Bộ Nội vụ về thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có ghi rất rõ về vấn đề tinh giản biên chế. Nhưng riêng số liệu của mỗi bộ về tinh giản biên chế bao nhiêu, Bộ trưởng “xin phép đại biểu sẽ gửi bằng văn bản về số liệu thống kê cụ thể, vì chưa nắm tình hình của từng đơn vị riêng”. 

Đối với việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đã giải thể một trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là đơn vị trực thuộc Bộ và sắp xếp cơ cấu cấp phòng. Bộ Nội vụ đã giảm 14 phòng, hiện nay không có vụ nào còn phòng. 

Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã giảm cơ cấu bên trong của 19 đơn vị trực thuộc, trong đó đã giảm tất cả 3 đơn vị đào tạo của các đơn vị trực thuộc, gom chức năng, nhiệm vụ đào tạo của các đơn vị trực thuộc này về cho Học viện hành chính quốc gia”. Vì vậy, “nếu sắp xếp theo Quyết định 705 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị đào tạo đối với các bộ, ngành Trung ương, Bộ Nội vụ là đơn vị tiên phong làm đầu tiên”, Bộ trưởng khẳng định.  

Bộ trưởng cũng cho biết, biên chế của Bộ Nội vụ được giao năm 2015 là 639 người, nếu tính số giảm biên chế của Bộ “tổng cộng đến giờ này có 76 người, tức là đạt trên 10%”.

Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức “chúng tôi vừa rồi đăng ký giảm 15%, hiện còn 64 biên chế chưa nhận, để giải quyết trường hợp những đơn vị nào thiếu đột xuất sẽ lấy từ số lượng biên chế dự phòng này”. Như vậy, mục tiêu đến năm 2021 theo quy định, Nghị quyết 39 chỉ cần giảm 10% Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15%, Bộ trưởng cho biết. 

Sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa “xin nhận khuyết điểm”.

Theo Bộ trưởng, đây là quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc có từ tháng 3/2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ, đến nay Bộ còn 4 nhiệm vụ chưa làm.

“Tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của bộ trưởng”, người đứng đầu ngành nội vụ thẳng thắn nói.

Bộ trưởng cho biết, đã làm việc với một số lãnh đạo của cơ quan liên quan bàn về vấn đề cơ cấu của người dân tộc sắp tới và biên chế đã được giao. Theo đó, dứt khoát thi tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc không thể tuyển dụng chung với người Kinh. Vì vậy, phải tuyển dụng riêng, tức là tuyển dụng người dân tộc với nhau, và người Kinh với nhau để đảm bảo cơ cấu.

“Nếu làm chung thì không được đâu, kể cả về tiêu chuẩn, điều kiện bồi dưỡng người dân tộc, kể cả trình độ ngoại ngữ cũng phải tính khác chứ không thể tuyển dụng chung một mặt bằng”, Bộ trưởng nhấn mạnh và hy vọng trong nhiệm kỳ tới, nhất là Đại hội các cấp sẽ phải đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc. Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh đều đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc trong cơ cấu công chức, viên chức ở cấp tỉnh, thậm chí có những tỉnh đạt tỷ lệ cao.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top