Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2019 | 16:46

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương: Nóng vấn đề điện

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội vào chiều nay (6/11).

tuan-anh.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính về nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, gồm: Công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển cơ khí chế tạo trong nước, tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời.

Điện về vùng nông thôn, miền núi triển khai chậm

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nêu thực trạng dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi triển khai chậm. Tại phiên chất vấn kỳ 3, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu yêu cầu Bộ trưởng cam kết sẽ thực hiện đề án này nhưng đến nay vẫn không đúng tiến độ.

Về tiến độ thực hiện dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, mặc dù đây là đề án rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng đến nay chưa được thực hiện đúng tiến độ.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu dự án hướng tới là cung cấp điện lưới quốc gia cho 11.000 hộ dân, 17 xã và 9.000 thôn, bản ở tất cả các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn trên cả nước cũng như một số nội dung khác liên quan đến cấp điện cho các trạm bơm tưới nước tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô tổng vốn đầu tư dự kiến trên 30.000 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, Bộ đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch để cung ứng vốn cho dự án này, bao gồm các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, Tập đoàn Điện lực (EVN), ngân sách địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khác. Trong đó nguồn vốn lớn nhất mà chúng ta trông đợi là của WB và EU, với quy mô lên tới 24.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, trần nợ công của nước ta lên rất cao, xấp xỉ chạm giới hạn nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng vốn vay dưới danh nghĩa chương trình quốc gia. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tạm thời không xem xét đưa nguồn vay từ WB và EU, ngoại trừ duy nhất khoản tiền hơn 2.800 tỷ đồng đã được EU giải ngân cho dự án.

Do yêu cầu thời điểm đó, các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp các nguồn lực đầu tư cho các địa phương. Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn và các chỉ tiêu của các dự án, chỉ có khoảng hơn 10% các nội dung của dự án này được thực hiện; khoảng 18% nguồn vốn từ ngân sách được giải ngân đã được thực hiện. 

Tuy nhiên, sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực thực hiện an toàn nợ công quốc gia, giảm trần nợ công xuống thì hiện nay, chúng ta có những cơ sở thuận lợi để thực hiện tiếp dự án này.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc tiếp với WB và EU, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ ưu đãi của hai tổ chức này, với quy mô lên khoảng 24.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đủ điều kiện nhằm tiếp tục triển khai các thành phần của dự án. Tuy nhiên, dự kiến đến 2020 mới bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Bộ Công Thương cũng thiết tha kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng vốn vay từ các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho việc triển khai dự án này. 

Không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) và Đôn Tuấn Phong (An Giang) quan tâm tới vấn đề phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch. "Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện, 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt", bà Thu Hà hỏi.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Tuy nhiên, theo ông, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại chất vấn về ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án khi vào vận hành bị giải toả công suất. Giải trình việc này, ông Tuấn Anh cho biết, khi xây dựng các cơ chế mong muốn phát triển điện mặt trời để tạo ra môi trường thí điểm và sau này tổng kết phát triển điện sạch gồm cả điện gió. "Đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019".

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, ở mức 30-40%.

Ông cho rằng có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án điện mặt trời. "Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm trong chưa tổ chức thực hiện đầy đủ, bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng đảm bảo giải toả công suất", ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông cũng nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. "Từ cuối năm 2018 Bộ Công Thường đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm 15 đường dây 110kV, 220 kV... nhưng cũng không triển khai kịp", ông nói. Song ông tin, năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV.

Mức giá 9,35 cent một kWh trong 20 năm theo đại biểu Hà là khá cao nên bà đề nghị làm rõ giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả sản xuất khi phát triển nguồn năng lượng này. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết mức giá này trên cơ sở phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam. "Khi ban hành Quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể", ông chia sẻ. Và thực tế tới 30/6 - khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top