Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 6 năm 2022 | 10:27

Chất vấn tại kỳ họp thứ 3: Cử tri hoan nghênh cả Đại biểu Quốc hội, các vị Bộ trưởng

Sau 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề nông nghiệp, nông thôn, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải, các đại biểu đánh giá, phiên chất vấn có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát.

Cử tri hoan nghênh và đánh giá cao vai trò điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các câu hỏi chất vấn ngắn gọn, mang hơi thở cuộc sống của các vị ĐBQH và cách trả lời thẳng thắn, trực tiếp từng vấn đề và sẵn sàng nhận trách nhiệm của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ.

Hữu cơ hóa nền nông nghiệp để định vị thương hiệu nông sản Việt

Chất vấn trưởng ngành Nông nghiệp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: “Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, từ khi dịch Covod-19 đến nay, giá các loại hàng hóa càng tăng phi mã. Ngoài các giải pháp về kiểm soát giá mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào trong thời gian tới hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này, để người nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế?”

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cũng đặt câu hỏi: “Thời gian qua, người nông dân phải khổ sở gánh chịu nạn phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho  bà con. Nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ. Bộ trưởng có biết thực trạng này không? Giải pháp nào để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, tràn lan trên thị trường hiện nay?”.

 

01.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, để giải quyết vấn đề về giá, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương đã có rất nhiều phiên họp với các hiệp hội ngành hàng như phân bón, thuốc - hóa chất bảo vệ thực vật... và các doanh nghiệp liên quan về việc hỗ trợ người nông dân, từ đó đã có sự can thiệp nhất định.

Đối với những phản ánh về tình trạng dìm giá hoặc tích trữ, hàng gian, hàng giả, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo ngành quản lý thị trường xử lý, phối hợp cơ quan liên quan điều tra, khởi tố.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn cơ cho vấn đề này cần được giải quyết từ việc người nông dân phần nào tự chủ, tuần hoàn được các chế phẩm nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn, cũng như chế phẩm sinh học như phân bón, thuốc, thức ăn.

“Tôi nghĩ đây là một chỉ dấu, không chỉ là cách để đối phó trong một tình huống mà về lâu dài nó cũng là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp của chúng ta, trong lĩnh vực trồng trọt cũng như chăn nuôi, để tạo ra được thương hiệu nông sản Việt Nam,” Bộ trưởng nói.

Một giải pháp khác được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập là việc tham gia vào kinh tế tập thể, trở thành thành viên hợp tác xã của các hộ nông dân để có giá chiết khấu khi mua vật tư đầu vào với khối lượng, số lượng lớn, từ đó góp phần hạn chế rủi ro khi đối mặt với “bão” giá từ thị trường.

Trả lời đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) về vấn đề định vị thương hiệu nông sản Việt Nam, điểm nhấn khác biệt giữa nông sản Việt Nam và nông sản của các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu nông sản khác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta cần phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu. Nhãn hiệu có thể xây dựng 1-2 năm, đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ là có được một nhãn hiệu. Nhưng thương hiệu bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng. Niềm tin đó mới là cái khó. Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hệ sinh thái của cả một ngành hàng, từ thương hiệu của doanh nghiệp, của hợp tác xã, người nông dân. Nhiều khi mất 5-10 năm mới hình thành, tạo dựng được cảm xúc của người tiêu dùng, ấn tượng của người tiêu dùng đối với một loại nông sản nào đó.”

Theo Bộ trưởng, giải pháp cho vấn đề này là thay đổi tư duy áp đặt trong việc xây dựng thương hiệu cho từng loại nông sản, bắt đầu từ hệ sinh thái ngành hàng.

Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp xanh

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết, trước thực trạng giá phân bón tăng cao, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ. Đây được nhìn nhận là giải pháp căn cơ chủ động và tích cực. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một thực trạng, đó là từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học rất cao, đến mức lạm dụng.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.

Thay đổi tư duy từ sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp

Trả lời cụ thể câu hỏi chất vấn của các đại biểu Lê Thị Song An (Long An), Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) và Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) về câu chuyện giá nguyên liệu tăng cao, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu ở biên giới và các giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngay khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19 và nhất là cao điểm bị ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Công Thương cũng như Bộ Ngoại giao đã vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, đây là trường hợp hết sức bất khả kháng do quy định phòng, chống dịch của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng chúng ta chậm thay đổi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và PTNT chậm thông tin để người dân biết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nhiều bà con nông dân chưa quan tâm đến lĩnh vực này, mặc dù bộ cũng tổ chức rất nhiều đợt truyền thông và tập huấn.

Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp, không thể chỉ dùng biện pháp truyền thông, mà cần phải thực hiện một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết phải có cánh đồng lớn

Giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề tập trung đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp lớn, hiện nay, các mô hình tập trung về đất đai hết sức thành công trong cả nước thông qua việc dồn điền đổi thửa, thông qua hình thức các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê, còn phần chuyển mục đích sử dụng cũng có nhưng không nhiều và đặc biệt hiện nay nhiều hộ dân đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả tốt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vướng mắc liên quan đến hạn mức chuyển nhượng đất trồng lúa và đất lâm nghiệp (hạn mức đất lúa là 20ha) nhưng năng lực để đầu tư là không nhiều. Hơn nữa, thực tiễn thế giới cũng chứng minh  phát triển nông nghiệp công nghệ cao không có nghĩa là phải cánh đồng lớn mới phát triển được.

Hiện, có nhiều mô hình để tập trung đất đai như mô hình hợp tác xã để liên doanh, liên kết giúp doanh nghiệp và người nông dân có điều kiện chuyển giao công nghệ giống, phân bón và thị trường, người nông dân vẫn sản xuất trên mảnh ruộng của mình, ly nông nhưng không ly hương. 

Thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về “tam nông”

Báo cáo về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực. Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Trong đó, nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản, tăng 16,8% các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tiếp tục duy trì xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3% xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

 

03.jpg
Phó thủ tướng Lê Văn Thành giải trình các vấn đề liên quan đến nông nghiệp trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Phó Thủ tướng  Lê Văn Thành cho biết, nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi thủy - hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp. Chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư. Năng suất lao động của ngành Nông nghiệp còn rất thấp, chỉ bằng 50-60% của các nước tiên tiến. 

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, trước hết là các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.

Cần đồng bộ các giải pháp để giảm giá xăng dầu

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia và một số nước khác thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn từ 2.000 đồng/lít đến khoảng 10.000 đồng/lít.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Việt Nam đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Cả nước đã giảm 24.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách. Hiện xăng dầu chịu các loại thuế gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Việc có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính cũng cho rằng, bên cạnh giảm thuế thì cần thực hiện đồng bộ các chính sách bởi nếu giảm thuế để giảm giá xăng dầu nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả. Mặt khác, giá không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn quan hệ cung cầu.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Hiện nay nước ta sử dụng 21 triệu tấn xăng dầu mỗi năm; trong đó sản xuất trong nước là 11 triệu tấn, nhập khẩu 10 triệu tấn. Nhà máy Bình Sơn công suất đảm bảo nhưng Nhà máy Nghi Sơn sản lượng thấp, có giai đoạn dừng sản xuất nên thời gian tới phải có biện pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Bộ trưởng cho biết, giảm thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định giá, thuế trong xăng dầu cho linh hoạt.

 

02.jpg
Sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường, tránh hàng nông sản xuất khẩu bị ùn ứ vì thiếu thông tin.

 

Quyết tâm kiểm soát lạm phát 

Về việc kiểm soát lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là vấn đề toàn cầu. Nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước thì phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài nên cũng gây sức ép lên lạm phát.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này, trong những tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức kiểm soát.

Theo Thống đốc, trong thời gian tới, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát các diễn biến kinh tế vĩ mô và tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá.

Thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp.

“Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai”

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, hiện cả nước dồn sức làm cao tốc, nhưng chất lượng đường vừa qua đặt ra nhiều vấn đề. Nguyên nhân là thiết kế, thi công hay giám sát?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cao tốc chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp. Còn đường chất lượng cao “có nhưng không tới mức dự án cao tốc nào cũng không đảm bảo chất lượng”. Xây dựng cơ bản hiện nay phải làm thật tốt, dự án cao tốc hiện nay và sắp tới sẽ bám theo các tiêu chí này. 

Theo Bộ trưởng, các khâu thanh, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, Thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm.

“Ngành Giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật”, Bộ trưởng Thể khẳng định.

Về định hướng phát triển đường sắt, Bộ trưởng Thể cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thẩm định dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao. Kế hoạch là sẽ báo cáo Bộ Chính trị và phấn đấu trong nhiệm kỳ này báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Khi có chủ trương đầu tư còn lập dự án đầu tư, 3-4 năm sau mới có thể triển khai. Hệ thống đường sắt hiện hữu sẽ định hướng thành vận chuyển hàng hoá, kết nối xuống các cảng cùng đường biển. Còn đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách để đảm bảo giao thông Bắc - Nam thông suốt, nhất là vào dịp lễ, Tết.

Ba chương trình mục tiêu quốc gia chậm vì làm kỹ để tránh sai sót, tiêu cực

Ba chương trình mục tiêu quốc gia, gồm giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng tiền ngân sách dành cho 3 chương trình này khoảng 92.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chương trình này thực hiện khá chậm. Giải trình việc này, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Thủ tướng đã lập Ban chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng, ban hành 19 văn bản để phê duyệt, quy định nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn cho 3 chương trình này. Các tiêu chí phân định, danh sách huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc đối tượng của chương trình giảm nghèo bền vững. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cũng được lập, ban hành.

Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trung ương 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó thủ tướng cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nên “phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra”.

Lãnh đạo Chính phủ nói “nhận thức rõ trách nhiệm”, nên Ban chỉ đạo Chính phủ tới đây sẽ yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và có văn bản hướng dẫn.

Các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; có các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền. “Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước”, ông nhấn mạnh.

Các cấp, ngành ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa bàn khó khăn.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau kỳ họp này và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top