Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ đang làm xáo trộn kinh tế thế giới. Theo đánh giá của một số chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của nước ta.
Tác động hai chiều
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của chính quyền ông Donald Trump với các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất. Quyết định của ông Trump đã gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ (nền kinh tế số 1 hành tinh) và Trung Quốc (đông dân nhất thế giới và là thị trường hấp dẫn nhất).
Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright, nhìn bối cảnh toàn cầu, chiến tranh thương mại này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể ra sao phải chờ thêm thời gian. Với Việt Nam, cuộc chiến thương mại này sẽ “vừa ảnh hưởng tích cực, vừa tiêu cực”.
Lợi ích trực tiếp của Việt Nam đến từ cuộc chiến thương mại này là khả năng tận dụng khi cánh cửa cho hàng Trung Quốc sang Mỹ dần khép lại với mức thuế suất nhập khẩu tới 25% với các mặt hàng xuất khẩu cùng loại. Tương tự, nhiều hàng hóa Trung Quốc áp thuế cao đối với Mỹ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng thị trường.
“Cơ hội vào Mỹ với một số lĩnh vực lâu nay chúng ta cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc như dệt may, da giày... sẽ đến nhiều hơn”, ông Du nói.
Trong khi đó, theo Báo cáo Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa mới công bố, Việt Nam có thể chịu tác động hai chiều.
Tác động tích cực là cơ hội thị trường Mỹ khi hàng Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, tác động này là không lớn do các sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế không phải là sản phẩm chủ lực của Việt Nam, đồng thời khối doanh nghiệp FDI sẽ có lợi thế lớn hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Cơ hội với thị trường Trung Quốc cũng không nhiều.
Ngược lại, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực do tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm, kéo theo cầu về hàng Việt Nam giảm. Ngoại trừ EU, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm vào năm 2019 và giảm mạnh hơn trong các năm 2021-2023.
Tương tự, tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6%, điều này cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực FDI sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Tác động tiêu cực có thể từ dòng vốn FDI tăng thêm, trong điều kiện các nước sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, tính toán cho thấy, tác động này không đáng kể, thậm chí FDI vào Việt Nam có thể sẽ giảm.
Điều này có thể do tác động của thương mại bị ảnh hưởng làm cho tình hình sản xuất của khu vực FDI bị ảnh hưởng, vì vậy, sẽ hạn chế một chút dòng đầu tư.
Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cũng lưu ý, tác động này không quá lớn, chỉ khoảng 0,01 điểm phần trăm.
Nguy cơ hàng Trung Quốc “tuồn” vào Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương vừa có báo cáo lên Chính phủ nêu lên nhận định ban đầu, có đề xuất cụ thể về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cuộc chiến này không chỉ là cạnh tranh thương mại mà còn là cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Vì vậy, ông Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần đánh giá kỹ và sâu hơn trên nhiều khía cạnh. Mỹ không chỉ áp thuế với Trung Quốc mà còn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh của mình.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cuộc chiến này không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu mà bản quyền công nghệ, chính sách tiền tệ tín dụng, cơ cấu kinh tế... cũng sẽ chịu tác động.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương lo ngại, việc Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc sẽ dẫn tới nguy cơ các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam.
“Chúng ta đã áp dụng thuế tự vệ với thép, phân bón. Nhưng dệt may, đồ gỗ, da giày của Trung Quốc bị chặn đường xuất sang Mỹ, họ sẽ đẩy mạnh xuất sang Việt Nam, liệu chúng ta có dễ dàng ngăn chặn không?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm (diễn ra sáng 9/7).
Dự báo về hoạt động xuất khẩu 6 tháng cuối năm, đại diện Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng như sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo tăng tích cực, xuất khẩu cũng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, trong đó lo ngại nhất là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa chính thức bắt đầu.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết, hiện nay có ý kiến cho rằng, cuộc chiến này là cơ hội cho Việt Nam, “nhưng theo chúng tôi, đây không thể là cơ hội bởi vì kinh tế Việt Nam mở, tất cả hoạt động của thế giới đều tác động tới chúng ta.
Nếu chúng ta không xử lý khéo, không những đây là cuộc chiến thương mại giữa hai nước lớn mà tiền đề ảnh hưởng tới những nước mà chúng ta có xuất siêu như Mỹ. Trước mắt là thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng bày tỏ lo ngại, nguy cơ hàng Trung Quốc sẽ đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ.
Thực tế, trong thời gian qua, các sản phẩm như: sắt, thép, xi măng của Việt Nam đã nhiều lần bị Mỹ cáo buộc là có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng mượn nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ để hưởng lợi về thuế suất.
“Các sản phẩm thép của Trung Quốc hiện đang phải chịu thuế rất cao từ Mỹ, nên thay vì việc xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải cẩn trọng”, ông Lực nói.
Giữ vị thế “trung lập kinh tế”
Trước những thách thức do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra, theo chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim, nguyên Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ, Việt Nam cần có đối sách để tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện này.
Chuyên gia Phạm Nam Kim cho biết, Việt Nam, với gần 100 triệu người tiêu dùng ở mức thu nhập trung bình, là thị trường hấp dẫn và sẽ được nhiều nước quan tâm. Hơn nữa, Việt Nam là cửa ngõ đi vào thị trường ASEAN và CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Do vậy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh thương mại thế giới, có tính cạnh tranh rất khốc liệt.
Bên cạnh đó, Việt Nam, cũng như những quốc gia khác, sẽ phải tranh đấu không ngừng để giữ gìn và phát triển các thị trường xuất khẩu của mình. Trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến nói trên là những khó khăn do chính quyền Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn xuất khẩu thép, nhôm, cá da trơn vào thị trường này.
“Khi chiến tranh thương mại bùng nổ giữa hai siêu cường thì bên nào cũng muốn lôi kéo Việt Nam về phe của mình, và khi đã bị lôi kéo về một bên thì chắc chắn, Việt Nam sẽ chịu sự chi phối của phe đó và coi phe đối lập là “thù địch”, theo đó sẽ phải hứng chịu những đòn trừng phạt tương tự như một bên siêu cường đối địch. Để tránh rơi vào tình thế khó xử và nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia thì cách tốt nhất là không theo phe nào, tức giữ vị thế “trung lập kinh tế”,” chuyên gia Phạm Nam Kim phân tích.
Chuyên gia Phạm Nam Kim cũng chỉ rõ, chủ trương độc lập và giữ vững chủ quyền kinh tế đã là cương lĩnh phát triển kinh tế của Đảng, được phê duyệt tại Đại hội XI, gọi là cương lĩnh 2011, nhưng tới nay, chưa được phát huy. Hiện nay, tình thế đang khiến Việt Nam thực hiện cương lĩnh thông qua đường lối trung lập về kinh tế.
“Để thực hiện chủ trương “trung lập về kinh tế” mà vẫn giữ được mức độ tăng trưởng của nền kinh tế thì Việt Nam một mặt phải đa phương hóa tối đa các quan hệ kinh tế. Việc ký kết hiệp định CPTPP là bước tiến rất tốt nhưng ta cần đi xa hơn nữa để bổ sung những thị trường đã không còn tồn tại. Mặt khác, ta phải ngăn chặn sự chi phối, dưới mọi hình thức của một quốc gia hay khối kinh tế, lên nền kinh tế Việt Nam”, chuyên gia Phạm Nam Kim nhấn mạnh.
Cụ thể, theo chuyên gia Phạm Nam Kim, bước đầu sẽ là đa phương hóa tối đa quan hệ kinh tế, thương mại thông qua những hiệp định FTA thế hệ mới, đồng thời sẽ không để một đối tác nào có một vị thế có thể chi phối được nền kinh tế quốc gia. Chính sách này không chỉ áp dụng cho nguồn cầu mà cả cho nguồn cung ứng cho nền kinh tế quốc gia.
Tiếp đó, hạn chế tới mức không chi phối được các quan hệ kinh tế, thương mại với những quốc gia và khối kinh tế hiện tại. Để thực hiện bước này, Chính phủ sẽ sửa đổi Luật Cạnh tranh theo đúng tinh thần của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng và nghiêm cấm sự chi phối thị trường của một doanh nghiệp, một quốc gia hay một khối kinh tế.
Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer vừa thông báo nước này đã quyết định sẽ áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, sau các nỗ lực đàm phán bất thành nhằm tìm ra giải pháp cho tranh chấp hiện tại. Trong danh sách đề xuất có một số hàng hóa thuộc các lĩnh vực trọng tâm trong Made in China 2025 - kế hoạch chiến lược giúp biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp toàn cầu, nổi bật là công nghệ. Kế hoạch này sẽ chưa có hiệu lực ngay mà trải qua một chương trình tham vấn kéo dài 2 tháng. Sau đó, danh sách 200 tỷ USD hàng Trung Quốc mới được hoàn tất. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.