Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 11 năm 2017 | 2:11

Chính phủ nói không với tăng trần nợ công

Giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn sáng nay (16/11), Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2016 - 2020.

Hơn 3 triệu tỷ đồng nợ công tính đến cuối năm 2017. Trung bình mỗi người dân Việt đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ là 4,2 triệu tỉ đồng. Nợ công tăng nhanh, ngân sách phải vay nợ mới để trả nợ cũ khiến nợ chồng lên nợ, chính là một trong những lo lắng của cử tri.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) 

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận về nợ công: "Bộ trưởng nói nhiều đến việc kìm hãm nợ công, đến giới hạn nợ. Nhưng tôi cho rằng nợ công vấn đề chính không phải là con số nợ mà là hiệu quả sử dụng tiền đi vay như thế nào. Nợ công thì không xấu, nhưng hiệu quả đầu tư thấp thì mới xấu. Nếu vay về mà đầu tư hiệu quả thì chúng ta mới có thể trả nợ gốc và tiền lãi. Còn đầu tư không hiệu quả thì rất nguy hiểm, ví dụ vừa rồi Chính phủ phải giải quyết 12 dự án đầu tư công ngàn tỷ, thua lỗ và thất thoát rất nhiều".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, áp lực trả nợ rất lớn.

Theo ông Dũng, nhìn chung cần tiếp tục kiểm soát nợ công nhưng bước đầu các phương pháp đang triển khai đúng. Vừa qua, đã từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, bước đầu cơ cấu lại và kiểm soát tương đối có kết quả. Các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn cho phép. Thực hiện kéo dài được kỳ hạn trái phiếu. Nếu 2011 kỳ hạn phát hành là 3,9 năm thì 2016 là 5 năm trở lên. 10 tháng đầu năm, kỳ hạn phát hành lên 12,57 năm. Thời gian qua sau cơ cấu lại, tỷ lệ trái phiếu Chính phủ và nợ trong nước còn gần 61%. Nợ nước ngoài trên 39%. Sau 2017, nợ trong nước tăng lên, lãi suất giảm xuống, kỳ hạn dài ra. 

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ 

Giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2016 - 2020. Chúng ta vừa phải đảm bảo phát triển nhanh, bền vững mà phải giải quyết tồn tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm. Đây là vấn đề nan giải đặt ra cho toàn hệ thống chính trị. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nghiên cứu trình Trung ương, Quốc hội nới trần nợ công để có thêm vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng an ninh... Chính phủ tính toán kỹ, và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tới cuối năm 2016 vay trả nợ nước ngoài đã vượt quá giới hạn cho phép 25%.

"Chính phủ nói không với tăng trần nợ công", ông Huệ khẳng định và cho biết, thay vào đó Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính lập đề án giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã có riêng một Nghị quyết về vấn đề này...

D.T

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top