Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2016 | 9:24

Chính sách đang cản trở thu hút FDI vào nông nghiệp

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp vẫn chưa giải quyết được lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và người nông dân.

Nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế và đang có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này còn hạn chế.

chinh sach dang can tro thu hut fdi vao nong nghiep hinh 0
Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu sẽ khó thu hút đầu tư FDI. (Ảnh: Internet)

Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng với tư duy mới để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 3/2016, cả nước có 530 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước).

Quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp chỉ khoảng 7 triệu USD/dự án. Không những ít, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản rất ít.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho rằng, thời gian qua, nhiều đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản đã tới tìm hiểu thị trường nông nghiệp của Việt Nam, nhưng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư vốn vào lĩnh vực này với tỷ trọng vốn thấp, chủ yếu do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu. Hiện Việt Nam bị đánh giá ở vị trí 18/19 về độ hấp dẫn của ngành nông nghiệp.

 
 

 

“Khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp là phải đảm bảo nguồn đất nông nghiệp. Nhưng hiện nay khi đã có quỹ đất làm nông nghiệp thì các thủ tục cũng tương đối mất thời gian và gặp nhiều khó khăn. Nếu các lãnh đạo địa phương quan tâm và có kế hoạch dành hẳn một quỹ đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc vận chuyển những mặt hàng nông nghiệp sau khi sản xuất đến nơi tiêu thụ vẫn còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ”, ông Atsusuke Kawada cho biết.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong điều kiện sản xuất nông lâm nghiệp manh mún, phân tán hiện nay, việc tập trung một vùng đất đai rộng lớn cho một chủ đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu tập trung là điều rất khó khăn và phức tạp.

Việc tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng là những trở ngại lớn làm cho nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam đã thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp từ những năm 1991-1993, nhưng đến nay, thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn thất bại bởi không giải quyết được bài toán lợi ích trong hợp tác đầu tư, đó là lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích của nông dân.

Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng: Đã đến lúc phải thay đổi tư duy thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp: “Có thể thu hút FDI nhưng không nên quan tâm đến bao nhiêu tỷ lệ % mà phải quan tâm đến lựa chọn nhà đầu tư ở đâu thích hợp với vùng nào, canh tác cây gì, con gì để hợp tác và với mô hình làm sao để chia sẻ lợi ích, tổ chức lại nông dân ở đấy, không thể là những nông dân nhỏ lẻ”.

Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp định hướng đến năm 2030 để gỡ bỏ những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua. Từ đó, nắm bắt cơ hội và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần phát triển nông nghiệp.

Theo TS.Nguyễn Anh Phong, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), mặc dù, nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế những giai đoạn khó khăn, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất thô sơ, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu.

Đặc biệt, trước áp lực tái cơ cấu hướng đến nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp sẽ chú trọng vào các dự án có giá trị gia tăng, có tính lan tỏa và sử dụng công nghệ cao và tiên tiến trên thế giới, để qua đó có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp trong nước, tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia.

“Hiện Bộ NN&PTNT đang dự thảo chính sách đặc thù để thu hút FDI vào nông nghiệp. Theo đó, không phải tất cả các doanh nghiệp FDI đều được hưởng ưu đãi mà sẽ hỗ trợ ưu đãi một số nhóm FDI cụ thể theo một số tiêu chí: Có khả năng tạo việc làm, thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng. Đối với những nhóm doanh nghiệp được ưu tiên thì sẽ đưa ra những hỗ trợ như: có thể được miễn hoặc giảm một phần thuế, phí, hoặc có thể hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng lao động người Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp FDI đó”, TS. Nguyễn Anh Phong cho biết.

Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây cơ hội vàng để Việt Nam có thể thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Để tận dụng được cơ hội, ngành nông nghiệp cần thay đổi chính sách khuyến khích và thúc đẩy đầu tư; đồng thời, cần có một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tập trung nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm để có thể tăng sức hấp dẫn của nông nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài./.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top