Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 2 năm 2016 | 8:19

Chính thức ký Hiệp định TPP: Cửa đã mở để Việt Nam đón thêm nhiều cơ hội

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết hôm 4/2 mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết tại New Zealand. Nhiều chuyên gia đánh giá, TPP mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Việt Nam có nhiều lợi thế nhất

Còn nhớ cách đây không lâu, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) có nghiên cứu đánh giá tác động của TPP đối với Việt Nam, trong đó giả định có 6 kịch bản về sự tác động. Qua đó, dù ở kịch bản nào thì Việt Nam cũng là quốc gia nhận được nhiều lợi thế nhất khi TPP được ký kết.

chinh thuc ky hiep dinh tpp: cua da mo de viet nam don them nhieu co hoi hinh 0
Các nước tham gia TPP: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Chẳng hạn, về GDP, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho biết trong hầu hết các kịch bản mô phỏng sự tác động của TPP thì Việt Nam là nước có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo %. Dẫn chứng số liệu cụ thể, TS. Thành cho biết, ví dụ ở kịch bản a (khi dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan giữa các nước TPP), GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 1,03% trong khi các quốc gia khác đều dưới 1%, còn nhiều quốc gia ngoài TPP GDP tăng trưởng âm. 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Lĩnh vực đầu tiên mà chúng ta được hưởng lợi từ TPP là hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng chúng ta có thể mạnh như hàng dệt may,giày dép và thủy sản. Theo tính toán của rất nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, khi TPP có hiệu lực thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt được mức bình quân hàng năm hai con số, qua đó cũng giúp cho GDP của Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng ổn định và với tốc độ cao.
Còn theo Bộ Tài chính, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, khoảng từ 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan... Nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt  Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

Đặc biệt, Việt Nam cam kết một biểu thuế nhập khẩu chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm; các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm: động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giầy, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, sản phẩm sắt thép, linh kiện điện tử…

Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm tới

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ ra lợi thế của nước ta tham gia TPP: Việt Nam là nước kém phát triển nhất, cơ cấu kinh tế của Việt Nam khác các nước khác, trình độ cũng khác nên nền kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế tham gia TPP sẽ bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh nhau.

 

Ông Nguyễn Trần BạtChủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn InvestConsult Group: TPP ảnh hưởng khá toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam, trước hết là các thể chế kinh tế. Các thể chế và các chính sách kinh tế chắc chắn sẽ có thay đổi để phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia có nền kinh tế tiên tiến. Thương nhân Việt Nam cũng sẽ từng trải hơn và quen dần với hệ điều hành có chất lượng quốc tế. Người mua Việt Nam có thể được tiếp cận các hàng hóa có chất lượng cao và có nhiều đảm bảo.

Khi TPP hiệu lực, ông Doanh kỳ vọng: Việt Nam được mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản với các sản phẩm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản. Hơn nữa, Nhật Bản cũng rất muốn hợp tác với Việt Nam trong sản xuất rau quả tươi, cá và các sản phẩm khác. Đó là những tín hiệu đáng mừng của Việt Nam. Dự báo, Việt Nam sẽ thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP cao hơn, có thể đạt khoảng 35 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm sắp tới.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cũng đánh giá rất tích cực về TPP đối với Việt Nam: “Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo nghiên cứu của HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020”.

Nhìn chung, về kinh tế, TPP được kỳ vọng sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD vào năm 2025, xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD. Một điểm rất quan trọng về lợi thế của Việt Nam khi vào TPP được các chuyên gia đánh giá là ở việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0%. Điều này sẽ tăng thêm động lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, giày dép, thủy sản… được kỳ vọng sẽ tăng tốc phát triển xuất khẩu sang các thị trường lớn và đầy tiềm năng này.

Cùng với đó, cơ hội lớn từ chuỗi cung ứng mới và rất lớn thuộc khối TPP, nơi chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Hơn thế, TPP sẽ là động thực quan trọng thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư của Việt Nam, tăng cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Vấn đề quan trọng nhất với Việt Nam đối với TPP, theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, là TPP tạo sức ép để Việt Nam đổi mới, cạnh tranh nhanh hơn. Có đổi mới, cải cách nhanh hơn, môi trường đầu tư kinh doanh mới có thể tiến lên./.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...

Hiệp định TPP là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường..

 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top