Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 12 năm 2016 | 2:27

Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại: Cuộc chiến cam go!

Chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội luôn là “cuộc chiến” nóng bỏng. Trong hơn 11 tháng qua, đã có gần 47.000 vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý 21.561 vụ, trong đó có 183 vụ khởi tố hình sự. Đặc biệt, thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hoạt động buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng. Đâu là giải pháp ngăn chặn?

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà hàng Mai Hương, Ngã 4 Vạn Phúc - Tố Hữu, quận Hà Đông.

Phát hiện nhiều vi phạm

 Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, chỉ riêng trong tháng 11 năm 2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra 881 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…, xử lý 737 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 08/11, Đội QLTT số 13 kiểm tra cửa hàng kinh doanh tạp hóa Toàn Liên (thôn Đông, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn). Kết quả phạt tiền 30 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Tịch thu, tiêu hủy 379 bao thuốc lá điếu nhập lậu, trị giá hàng hóa hơn 9,6 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 09/11, Đội QLTT số 8 phối hợp với Đội Công an kinh tế huyện Gia Lâm khám hàng hóa trên thùng xe ô tô 15C-22718 do ông Nguyễn Thanh Phương lái xe kiêm chủ hàng (hộ khẩu tại phường Trại Cau, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng). Kết quả phát hiện trên thùng xe chở 1.020 chiếc áo các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, trị giá khoảng 35 triệu đồng. Đội đã hoàn thiện hồ sơ chuyển Chi cục QLTT Hà Nội xử lý theo đúng thẩm quyền…

Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389, cho biết, các điểm trung chuyển hàng hóa như: Ninh Hiệp, ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, sân bay Nội Bài… là những địa bàn trọng điểm mà Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội bám sát, yêu cầu các ngành, Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, phải nói rằng, các đối tượng làm ăn phi pháp thường bất chấp pháp luật, lợi dụng tình hình thị trường để buôn lậu và gian lận thương mại. Các đối tượng buôn lậu hình thành đường dây có tổ chức, câu kết chặt chẽ giữa chủ đầu nậu khu vực biên giới và trong nội địa, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng. Hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều con đường khác nhau.

Đặc biệt, gần đây lại nổi lên tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu các ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn trên địa bàn và lĩnh vực phụ trách, chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh hiệu quả; bên cạnh tập trung kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kho hàng thường vận chuyển, tập kết hàng lậu, sẽ tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại để đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cũng theo ông Kiên, thời gian qua, công tác nhận định, dự báo, đánh giá tình hình thị trường, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ở một số vụ việc và thời điểm chưa có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời dẫn đến việc xử lý các vụ việc có tính chất đường dây, ổ nhóm chưa nhiều. Công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội với các tỉnh lân cận chưa chặt chẽ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, ngăn chặn sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Còn theo ông Trần Việt Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, do lực lượng biên chế mỏng, kiêm nghiệm nhiều lĩnh vực, việc duy trì liên tục quân số, phương tiện trên các tuyến, địa bàn trọng điểm gây nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí đã khiến công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm gặp nhiều khó khăn. Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) chưa đồng bộ, còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau; trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm nên chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ…

Tập trung kiểm soát dịp cuối năm

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đây là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái hoạt động rất mạnh, vì vậy, trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ban Chỉ đạo 389 phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực, và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng trên địa bàn trong dịp cuối năm 2016, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội 2017 thì người đứng đầu đơn vị tại địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Kiên cho biết, để người dân Thủ đô yên tâm vui đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, bảo đảm hàng hóa lưu thông trên thị trường ổn định, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, hội chợ hàng khuyến mãi, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các kế hoạch kiểm tra đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về chất lượng, an toàn thực phẩm; kiểm tra, đấu tranh chống hành vi buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử...

Để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản,... không đảm bảo ATTP, mới đây Hà Nội đã tiếp nhận tài trợ 3 xe xét nghiệm lưu động ATTP từ doanh nghiệp. Ngay sau khi tiếp nhận, ngày 16/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo 389/TP về ATTP do Chi cục QLTT Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra ATTP tại nhà hàng Mai Hương – địa chỉ Ngõ 4 Vạn Phúc - Tố Hữu (quận Hà Đông). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã lấy các mẫu rau, thịt của nhà hàng Mai Hương đưa lên xe kiểm nghiệm nhanh để kiểm tra các chỉ số dư lượng chất tạo nạc, chất kháng sinh và thuốc trừ sâu. Qua kiểm tra và tiến hành lấy mẫu kiểm tra nhanh trên xe kiểm nghiệm nhanh cho kết quả một số mẫu rau dương tính với thuốc trừ sâu.

Gần đây, ngày 22/11, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chủ trì đã sử dụng xe kiểm nghiệm ATTP kiểm tra tại chợ đầu mối Minh Khai, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Tại buổi kiểm tra, đoàn đã tiến hành lấy 13 mẫu tại các quầy hàng trong chợ để xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu ATTP trên xe chuyên dụng. Trong đó có 4 mẫu giò chả, 4 mẫu rau, 5 mẫu thịt gia súc, gia cầm. Kết quả kiểm nghiệm nhanh cho thấy cả 13 mẫu đầu âm tính đối với các chỉ tiêu phân tích. Ngoài ra, đoàn cũng tiến hành lấy 3 mẫu thịt gà để kiểm nghiệm sâu trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh việc kiểm tra ATTP bằng các xe lưu động, ông Kiên cho biết: Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, cơ sở đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối, chợ dân sinh... Trong đó, đặc biệt tập trung kiểm tra chất lượng, ATTP của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đồng thời, kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết, như thực phẩm tươi sống, rượu, bia, nước giải khát,... Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của các chốt kiểm dịch, tránh kiểm soát hình thức. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu ngành nào cấp giấy chứng nhận hậu kiểm thì ngành đó phải chủ động kiểm soát chặt ATTP lĩnh vực được phân công.

Một giải pháp quan trọng nữa là công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nhận biết thực phẩm sạch và tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATTP. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm về ATTP sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top