Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 14:34

Chuyển đổi số: Hành trình không thể chậm

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đều rất quan trọng. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số càng quan trọng hơn bởi sẽ giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới..

Bài 1: Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, cần cái gì?

Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần cái gì đang là một trong những câu hỏi được đặt ra đối với các ngành, các cấp, cơ quan chuyên môn và người nông dân để thay đổi và phát triển nền nông nghiệp hiện đại...

“Dữ liệu”, yếu tố quan trọng nhất

Trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, người nông dân vẫn thường sử dụng câu  tục ngữ để chỉ về những yếu tố quan trọng làm nên mùa vụ bội thu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp của thời hiện đại, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thì chuyển đổi số là rất quan trọng. Vậy yếu tố nào là quan trọng nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp? Theo các nhà quản lý, nhà khoa học và chính người nông dân thì “Dữ liệu” là yếu tố quan trọng nhất trong nông nghiệp khi chuyển đổi số.

 

5.jpg
 

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong nông nghiệp số, bên cạnh tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân sử dụng thêm tư liệu số, đó là dữ liệu số và công nghệ số. Vì vậy, người nông dân sẽ phải có thêm một số tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ, sinh học chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Thay vì chỉ đơn thuần là “trông trời, trông đất, trông mây”, người nông dân sẽ “trông dữ liệu, trông dữ liệu và trông dữ liệu”. Thay vì chỉ đơn thuần mua giống cây, mua phân bón, người nông dẫn sẽ phải mua dữ liệu. Và Nhà nước có thể giúp cho toàn bộ nông dân Việt Nam bằng cách tạo ra những dữ liệu cơ bản sẵn sàng và miễn phí.

 “Vua chuối” Võ Quan Huy (Công ty TNHH Huy Long An), người có hơn 1.000ha đất trồng chuối, ớt, bưởi, nuôi tôm, nuôi bò… ở 6 tỉnh phía Nam nói: “Có cách nào để biết thời tiết Trung Quốc trước vài tháng, bởi nếu biết trước, ta sẽ canh thời gian xuất chuối, dưa hấu để được giá cao và tiêu thụ mạnh”.

Ông Huy bận tâm không phải là về công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng, mà là về thời tiết của một thị trường xuất khẩu. Thời tiết ở thị trường tiêu thụ chính là dữ liệu mang lại giá trị lớn cho người nông dân. Nghe rất phi lý, nhưng thực ra lại rất có lý.

Còn gia đình ông Lê Hồng Thái ở thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo (Khoái Châu - Hưng Yên) là một trong những hộ được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên lựa chọn làm cơ sở bảo tồn gen giống gà quý Đông Tảo thì lại muốn biết dữ liệu về đặc điểm thời tiết, thổ nhưỡng vùng nào phù hợp với việc nuôi giống gà đặc sản của quê hương, thậm chí, ông còn muốn biết địa phương nào lựa chọn sản phẩm gà Đông Tảo nhiều nhất.

“Tìm được địa phương có những điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với việc chăn nuôi gà Đông Tảo để đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi tại khu vực đó, cung cấp con giống, sản phẩm gà thịt chất lượng tương đương với gà bản địa không dễ chút nào nếu như chúng tôi không có những dữ liệu đó”, ông Thái nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Tổng giám đốc Nafoods Group, cho biết, chuyển đổi số trong chuỗi giá trị tại Nafoods được thực hiện theo mô hình con cá. Theo đó, Nafoods chỉ sở hữu cái lõi là đầu cá và xương sống. Trong đó, đầu là công nghệ, dữ liệu; xương sống gồm có 4 đốt: đốt đầu tiên là giống, đốt thứ 2 là trồng và nuôi, đốt thứ 3 là hậu cần và chế biến, đốt sống cuối cùng là tiêu thụ.

“Để số hóa, chuyển đổi số thì trước hết phải có dữ liệu. Muốn có dữ liệu, từng doanh nghiệp riêng lẻ không thể làm được, mà phải có sự hợp lực của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan”, ông Hùng nêu vấn đề.

Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nếu chuyển đổi số nông nghiệp mà không xây dựng được kho dữ liệu thì không thể thành công. Cần phải có số liệu cụ thể một năm thu hoạch mỗi loại nông sản bao nhiêu, trong đó có con số cụ thể từng tháng. Từ đó, tính toán xem đưa đi tiêu thụ ở thị trường nào, bao nhiêu sản lượng đưa vào chế biến sâu, bao nhiêu xuất khẩu, bao nhiêu tiêu thụ nội địa...

“Nếu thống kê cung - cầu, mà chỉ có dự báo tổng hợp về nguồn cung, không biết bao nhiêu sẽ chế biến sâu, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, phân ra từng thị trường thì không giải quyết được vấn đề. Đây là kết nối cung - cầu để tính toán phương án rải vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, lập kế hoạch tiêu thụ. Làm được điều này thì mới giảm được tình trạng được mùa - mất giá”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Theo ông Trần Hùng, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (thuộc nhóm nghiên cứu triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp), một trong những bài toán khó ở đây cần giải quyết, đó là vấn đề xây dựng kho dữ liệu của từng yếu tố liên quan và xây kho dữ liệu như thế nào cho chuẩn?

“Vậy cơ sơ dữ liệu này gồm những gì? Thứ nhất là khí hậu. Toàn bộ vùng khí hậu này sẽ được quan trắc tự động bằng ảnh vệ tinh, bằng những trạm quan trắc ảo, thực, và thông báo về cho một trung tâm dữ liệu. Thứ hai là vùng trồng, biết được thời điểm nào, canh tác bao nhiêu, thu hoạch đến đâu và tính được ra sản lượng”, ông Hùng nêu rõ.

“Dữ liệu” có vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nhưng thực tế nguồn dữ liệu về ngành nông nghiệp còn rất thiếu, chưa đầy đủ, hoặc có thì cũng không nhiều, không đủ. Trước thực trạng thiếu nguồn dữ liệu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan gọi là “sản xuất mù”, “bán mù”, “mua mù”.

Áp dụng các công nghệ hiện đại

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là chưa áp dụng được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn.

Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Công nghệ sinh học,  Nguyễn Đức Huy (SN 1984, ngụ phường 9, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) tiếp tục học Cao học tại Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2010, Huy bảo vệ thành công đề tài chuyên đề Sinh lý thực vật. Sau nhiều năm đèn sách, Huy trở về Đà Lạt và bắt đầu công việc làm nông tại quê nhà.

“Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, bắt buộc phải có quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng chính xác cho từng loại rau và phải được thực hiện tự động bằng thiết bị công nghệ. Vì vậy, tôi bắt tay vào nghiên cứu và thiết lập ra VietPorics Control System – Hệ thống kiểm soát VietPorics”, Huy chia sẻ.

Với hệ thống này, chỉ cần một cái click chuột trên máy tính hoặc một chạm trên điện thoại di động thông minh đã nắm rõ được quy trình chăm sóc, tưới tiêu, sinh trưởng của từng loại cây trồng.

Thậm chí, cây trồng sắp bị bệnh gì, loại dịch bệnh nào sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới cũng được phần mềm này phát hiện, cảnh báo.

Với diện tích trên 1,5ha, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (Đông Triều - Quảng Ninh) đã đầu tư nhà màng trồng rau thủy canh và ứng dụng phương pháp trồng thủy canh lưu hồi bằng hệ thống máng thủy canh nhập từ Thái Lan, trong nhà màng khép kín.

Thực hiện mô hình này, cây trồng được cách ly mầm bệnh, tránh độc tố từ chất hóa học. Sản phẩm của công ty nhờ đó đảm bảo chỉ tiêu về ATTP, đến nay đã có mặt tại nhiều hội chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn…

Cùng với Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương cũng triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới tại TX Quảng Yên, mang lại hiệu quả cao. Với diện tích hơn 500m2, mô hình rau hữu cơ của công ty được thực hiện theo nguyên tắc “6 không” (không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không sử dụng giống biến đổi gen, không đất ô nhiễm). Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm của công ty luôn đảm bảo chất lượng, đạt năng suất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hiện nay, internet vạn vật (IoT) đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng hiệu quả để phục vụ các hoạt động theo dõi thông tin, hình ảnh về cây trồng, vật nuôi. Tại Việt Nam, tuy IoT chưa được áp dụng nhiều nhưng đây là xu hướng mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

Các cảm biến được cài đặt có tính toán, xung quanh các cánh đồng cùng với công nghệ nhận dạng hình ảnh cho phép nông dân xem cây trồng của họ từ mọi nơi trên thế giới. Hệ thống cũng kết nối với các thiết bị được lắp đặt tại cánh đồng để tự động tưới nước, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng theo sự điều khiển của con người. Các cảm biến này gửi cho nông dân thông tin cập nhật theo thời gian thực, do đó có thể thực hiện các thay đổi phù hợp với cây trồng của họ.

Một trong những chuyển đổi kỹ thuật số sáng tạo nhất là khả năng sử dụng học máy và các phân tích tiên tiến để khai thác dữ liệu cho các xu hướng. Học máy có thể dự báo đặc điểm và gen nào tốt nhất cho thực tế sản xuất tuỳ theo khí hậu của địa phương đó. Các thuật toán còn cho biết sản phẩm nào sẽ được mua nhiều nhất và sản phẩm nào đang ế ẩm trên thị trường. Điều đó giúp nhà nông chọn lựa sản phẩm canh tác trong hiện tại và tương lai.

Hiện, các công nghệ khoa học hiện đại được áp dụng trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch, chế biến có khá nhiều. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số ngành nông nghiệp tiến nhanh và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Giải bài toán kết nối

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ Nông nghiệp và PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Bộ lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ triển khai ở Trung ương và địa phương. Trong năm 2022, Bộ lựa chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là hai lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm.

 

6.jpg
Mô hình liên kết sản xuất giống nho mới NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN

 

Thực tế công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Tại Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã triển khai được một số nội dung. Cụ thể như về truy xuất nguồn gốc. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh, thành khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất. Gần như tất cả các cơ sở dữ liệu về đất, sức khỏe về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật về hiện trạng trên cơ sở bản đồ số. Ngoài ra, thành phố đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Vỏ sò, sendo,…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, nông nghiệp là một trong 5 ngành được tỉnh chọn triển khai chuyển đổi số trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đối với đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, Quảng Nam đã đưa lên 2 sàn: vỏ sò (104 sản phẩm), postmart (109 sản phẩm).

Theo ông Trần Hùng, qua thời gian thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã xác định được những yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Đó chính là việc kết nối giữa các đơn vị với nhau, gồm: kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quan lý nhà nước với thị trường. Do vậy, giải quyết bài toán chuyển đổi số ở đây là giải quyết bài toán về kết nối.

Ông Hùng dẫn chứng, Nhà nước quản lý về sản xuất, hỗ trợ về chính sách và cập nhật, phân tích, định hướng, dự báo thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp cần về kế hoạch sản xuất, vùng sản xuất, quản lý tổ chức sản xuất, khuyến nông, tín dụng thời tiết, sâu bệnh và thị trường vật tư nông sản, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần các thông tin về kế hoạch thu mua sản phẩm, thị trường, sản lượng, truy xuất nguồn gốc, hệ thống chế biến, hệ thống đóng gói, hệ thống vận chuyển,...

Đối với người nông dân, cần thông tin về quy trình kỹ thuật, quản lý vườn trồng, thị trường vật tư nông nghiệp, thông tin thị trường, thiên tai, dịch bệnh, thông tin chính sách hỗ trợ sản xuất và quy trình thu hoạch. Và điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số là người nông dân phản ánh được tình hình và được tiếp nhận tư vấn trực tuyến.

Cùng với giải quyết bài toán trên, thực tế hiện nay, nhiều địa phương và người nông dân vẫn đang còn rất thiếu thông tin về việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi cần được định hướng trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế mới: Một là, bỏ qua trung gian đó chính là sàn thương mại điện tử. Năm 2021, Bộ đã chỉ đạo phát triển nhanh và mạnh 2 sàn thương mại điện tử Việt Nam dành cho bà con nông dân gồm: post mart và vỏ sò.

Thứ hai, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi tập trung hóa, giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây, con. “Giải pháp là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, thông tin như một dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ, với giá phù hợp mà các hộ có thể tiếp cận”.

Thứ ba, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi vật thể hóa. Theo đó, chuyển đổi số sẽ hình thành một phiên bản số của thế giới thực, tức là số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi,… Sau đó, các hoạt động quy hoạch, mô phỏng, đánh giá, phân định sẽ được thực hiện trên thế giới ảo một cách nhanh nhất, tác động trở lại một cách thực chất, hiệu quả và tối ưu.

“Trong số 34 nền tảng số quốc gia được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì có 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp. Ví dụ như nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tốt ưu hóa chuỗi cung ứng. Nền tảng được hiểu là một phần mềm ứng dụng cho toàn quốc, cho các tỉnh, nhất là cho các xã và hộ nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Có một kinh nghiệm ở địa phương để làm tốt chuyển đổi số là, phát triển tổ công nghệ cộng đồng ở cấp xã, thôn và lấy thanh niên làm nòng cốt.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nhưng muốn thực hiện chuyển đổi số thành công thì phải đồng bộ, tích hợp được dữ liệu, tạo sự liên thông, do vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và PTNT mà là của cả các bộ, ngành liên quan.

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, có 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Big Data có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

 

Bài 2: Chuẩn bị gì cho kinh tế số, xã hội số, chính phủ số?

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top