Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 9 năm 2021 | 16:0

Chuyển đổi số nông nghiệp: Cơ hội để bứt phá

Trong bối cảnh hiện nay, xã hội luôn biến đổi, khó có thể dự báo trước. Nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng cũng dựa vào câu chuyện biến đổi đó, từ đó định hướng, thích nghi.

cds1.jpg
Công cuộc chuyển đổi số đối với nông nghiệp của Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh 

 

Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp là tất yếu, giúp nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Ba thách thức

Tại Diễn đàn chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định, công cuộc chuyển đổi số đối với nông nghiệp đang là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh. Việt Nam xác định tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, điều này sẽ tạo ra bước ngoặt, tích hợp nền kinh tế tri thức, mang lại sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan xác định, nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 thách thức là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới.

Việt Nam đang sống trong nền kinh tế xanh, ở châu Âu người ta đã đưa ra tiêu chí tiêu dùng xanh, sản phẩm sản xuất không ảnh huổng đến hệ sinh thái, không ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, nền nông nghiệp phải thay đổi. Đây là thách thức lớn vì nhiều năm chúng ta đi theo câu chuyện sản xuất rồi mang đi bán. Hiện, mỗi thị trường đòi hỏi khác nhau, về an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường năm sau khác năm trước, đòi hỏi cập nhật, thay đổi liên tục.

“Tuy nhiên, thách thức cũng là thời cơ, chúng ta chuyển đổi để hòa nhập với thế giới, đi sau cũng có dư địa lớn để phát triển. Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cơ hội bứt phá 

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và coi đây là cơ hội bứt phá của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những định hướng phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp trên nền tảng chuyển đổi số, gắn kết hài hòa hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta phải chuyển đổi số thành công, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Nông nghiệp còn là cơ sở giúp bảo đảm hệ thống chính trị và bảo đảm môi trường sinh thái tự nhiên. Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành sản xuất chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nông nghiệp Việt Nam phải có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao. Đại dịch Covid-19 cũng đã chứng minh việc đưa công nghệ thông minh vào nông nghiệp giúp bảo đảm sự ổn định, thông suốt, đồng thời giúp phát triển kinh tế sau đại dịch.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được tín nhiệm, trở thành đại sứ của nông dân. Bộ Ngoại giao cũng đã kết hợp tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm về nông nghiệp với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong thời gian tới, để chuẩn bị sự bứt phá kinh tế sau Covid-19, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nhằm đưa Việt Nam tiếp cận các xu thế mới của thế giới, tiếp tục đề xuất các sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Một số định hướng

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông chia sẻ: Đất nước ta, cũng như toàn thế giới, đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19, gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức chưa từng có đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có định hướng quan trọng là: đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu được đặt ra là người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số nhằm phát triển nông nghiệp số chính là một trong những chìa khoá để thực hiện thành công mục tiêu này.

 

cds.jpg
Chuyển đổi số nhằm phát triển nông nghiệp giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

Trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cũng đã đề ra một số định hướng trong lĩnh vực nông nghiệp đó là:

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số".

Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Bài học chuyển đổi số nông nghiệp ở Hà Lan

Ông Frans Lips - Cán bộ chính sách cấp cao, Bộ Nông nghiệp Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan chia sẻ, Hà Lan có 17 triệu dân, trong khi diện tích đất nhỏ, tạo áp lực rất lớn lên ngành nông nghiệp. Người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động của họ. Do đó, áp dụng công nghệ chính là giải pháp để quốc gia này giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp.

Nông nghiệp của Hà Lan định hướng chuyển đổi để phục vụ các thế hệ tương lai, cung cấp thực phẩm, đảm bảo ổn định phù hợp cho người nông dân. Theo đó, để tạo sự khác biệt cho các thế hệ tiếp theo, Hà Lan phải đưa ra các nghiên cứu mang tính chiến lược cả trong nông nghiệp, nước, thực phẩm. Quốc gia này xác định một số công nghệ để đầu tư, xem đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề đang gặp phải, hướng đến ngành nông nghiệp chính xác.

Hiện, Hà Lan vẫn đang cố gắng giảm chất thải ra môi trường, sử dụng công nghệ để xây dựng hệ thống mùa màng mới, đem lại lợi nhuận cao hơn. Ông Frans Lips kỳ vọng, công nghệ sẽ giúp ngành nông nghiệp của đất nước này trở nên hấp dẫn hơn, thu hút nhiều người lao động trẻ hơn.

Đại diện Bộ Nông nghiệp Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan cũng chia sẻ, nông nghiệp chính xác ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thực phẩm cung ứng tại quốc gia này. Nông nghiệp chính xác đòi hỏi một số nguyên tắc: đo lường, lên kế hoạch, phân tích và chỉ thực hiện được khi có môi trường đất tốt, vụ mùa có sức chống chịu tốt.

Theo ông, Hà Lan ý thức được rằng công nghệ không thể thay thế được kiến thức về hệ sinh thái. Những "viên gạch" trong hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cây giống, đất tốt, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật... cùng với kiến thức, công nghệ mới tạo nên những vụ mùa bền vững. Hà Lan cũng đã đa dạng hóa hệ thống mùa màng nhằm chống chọi lại bệnh tật, dịch bệnh.

Ông Frans Lips đánh giá, khó để người nông dân áp dụng công nghệ, trong khi doanh nghiệp chưa có định hướng rõ ràng, chưa phổ cập được cho nhân viên. Cùng với đó là những khó khăn khăn khi ứng dụng công nghệ mới ở trang trại của người dân.

Hà Lan đã hỗ trợ các chương trình giúp người dân tiếp cận công nghệ, hướng đến mục tiêu tăng tính phì nhiêu của đất, thuần thục cách thức sử dụng công nghệ. Những nông dân tham gia chương trình đào tạo này sẽ trở thành đại sứ trong chương trình. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng xây dựng giáo trình cho sinh viên, giúp các em hiểu, áp dụng vào thực tế.

Có nhiều giải pháp trong nông nghiệp, có mạng lưới, kết hợp giải pháp công nghệ với nhau để tạo ra giải pháp tổng thể toàn diện, hiệu quả. Hà Lan cũng thường xuyên đánh giá, mang đến trải nghiệm khác biệt về một trang trại hiện đại.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top