Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 11 năm 2017 | 9:57

Có cơ chế đặc thù, TP. HCM không phải loay hoay “xé rào”

Sáng nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần căn cứ pháp lý để TP. HCM bứt phá

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng trong suốt thời kỳ đổi mới có nhiều lần có cách làm xé rào tạo ra làn sóng đổi mới. Ví dụ như những năm 80, Thành phố đề xuất thí điểm khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố, sau đó pháp chế hoá thành quy định chung trên cả nước.

TP. HCM cũng thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước là ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công Thương vào tháng 10/1987, sau đó Quốc hội ban hành sắc lệnh ngân hàng vào năm 1990. Thành phố cũng tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác.

 

tao co che dac thu de tphcm khong phai loay hoay xe rao hinh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

 

Theo đại biểu, trao cho TP. HCM những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP. HCM thì Thành phố cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với nghị quyết này, Thành phố sẽ không cần phải loay hoay “xé rào” mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đồng ý với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách đem lại nguồn thu lớn cho thành phố. Tuy nhiên, chính sách này cũng ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và người dân, nên cần lường trước những phản ứng của những đối tượng này.

Theo đại biểu, không chỉ phát triển kinh tế hạ tầng mà mục tiêu còn là phát triển giáo dục, y tế, môi trường, văn hoá, sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sống. Từ đó lựa chọn chính sách tăng giảm thuế một cách hợp lý.

"Cần bổ sung nguyên tắc có sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Phải có đánh giá tác động trước khi triển khai nhằm tránh những phản ứng không đáng có. Các dịch vụ công phải tốt hơn, minh bạch trong thông tin và công bằng trong ứng xử", bà Mai Hoa nói và nhấn mạnh vấn đề không phải ở chỗ tăng giảm mà là tăng giảm hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. 

Băn khoăn về thu thuế tài sản

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với việc cần có chính sách đặc thù để TP. HCM phát triển hơn nữa, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên, việc ban hành luật tài sản để thí điểm ở TP. HCM thì cần hết sức cân nhắc. Đây là loại thuế có lịch sử lâu đời ở nhiều nước, chiếm phần quan trọng tổng thu từ thuế, ví dụ như Nhật Bản là 10%, Canada là 4%. Ở Việt Nam thuế thu từ đất chỉ chiếm 0,03% GDP. Do đó, cần có đạo luật áp dụng trên toàn quốc.

 

tao co che dac thu de tphcm khong phai loay hoay xe rao hinh 2
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

 

Nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế là công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nếu áp dụng ở TP. HCM thì có sự khác biệt giữa người nộp thuế như có nhà đất ở địa bàn khác thì không bị nộp thuế nhưng có ở TP. HCM thì phải thực hiện nghĩa vụ này. “Việc thí điểm cơ chế đặc thù thì cần sự khác biệt nhưng vấn đề nào tác động đến tâm lý, lợi ích người dân thì cần hết sức thận trọng” – nữ đại biểu nêu ý kiến.

Dẫn mục tiêu quan trọng khi ban hành nghị quyết là tăng cường tính hấp dẫn của TP. HCM, khắc phục việc kém thu hút đầu tư, nhưng theo đại biểu Lưu Mai, nếu có thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, hấp dẫn thành phố này.

Băn khoăn về điều kiện cần và đủ để áp dụng thu thuế tài sản, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp phân tích, kinh nghiệm các nước cho thấy cần có cơ sở dữ liệu hiện đại, chính xách về hiện trạng bất động sản, thường xuyên cập nhật biến động, việc sở hữu và chuyển giao. Cùng với đó là Nhà nước có sơ đồ chính xác; có sự định giá khoa học, hợp lý; có hệ thống chứng minh tài sản để tránh lách luật, trốn thuế.

Bên cạnh đó phải có sự chuẩn bị về tâm lý đối với những người phải nộp thuế. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay khái niệm nộp thuế tài sản nhiều người còn chưa nắm rõ nên điều kiện cần và đủ chưa đồng bộ.

“Sau khi thí điểm mà không áp dụng luật thuế tài sản trên toàn quốc thì người đã nộp thuế ở TP. HCM được tính toán thế nào? Có khi nào dừng đạo luật mà chưa áp dụng phạm vi toàn quốc? Thí điểm thì không tránh khỏi có sai sót và cần sửa chữa, cũng không quá cầu toàn nhưng cần thận trọng nhằm hội tụ đầy đủ các yếu tố để chính sách ban hành hợp lòng dân” – đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Băn khoăn của đại biểu Quốc hội là xác đáng

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong buổi làm việc sáng nay (20/11), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất, đầu tàu cả nước, chiếm 1/5 GDP và tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,6 lần cả nước. Số DN chiếm 1/3 cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ.

“Như vậy, Thành phố phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho phát triển cả  nước” – ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Thành phố là địa bàn đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách Trung ương và mức đóng góp ngày càng tăng thể hiện rõ tinh thần Thành phố vì cả nước.

 

luong truoc van de nay sinh khi phan quyen cho tphcm hinh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

 

Dự toán 2018, Quốc hội giao cho TP. HCM là 376.000 tỷ đồng, tức để hoàn thành dự toán, Thành phố phải thu trên 1.000 tỷ/ngày. Như vậy, Thành phố chỉ nhận phấn đấu tăng thêm 1% thì gánh nặng giao thu sẽ giảm cho rất nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng phân tích, động lực tăng trưởng của Thành phố đang chậm lại. Tăng trưởng bình quân từ mức 2 con số giai đoạn 1986 – 2010 (10,2%) đã giảm còn 1 con số trong giai đoạn sau (9,6%), tác động trực tiếp làm chậm lại mức tăng trưởng chung của cả nước. Cho dù thời gian này nhiều địa phương khác có mức tăng trưởng vượt bậc nhưng do mức đóng góp ko lớn nên không bù lại được.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, các cơ chế chính sách được đề xuất chủ yếu là phân cấp, phân quyền đối với quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế uỷ quyền giữa các cấp, thu nhập của cán bộ công chức viên chức do Thành phố quản lý. Theo quy định hiện hành, đây là thẩm quyền của cấp trên nay phân cho Thành phố thực hiện. Đối với một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, trình Quốc hội cho phép Thành phố nghiên cứu xây dựng để báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH, Quốc hội cho phép thí điểm . 

“Qua theo dõi, chúng tôi thấy đa số các vị đại biểu nhất trí đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên một số đại biểu băn khoăn về phân cấp phân quyền trong cơ chế chính sách tài chính,  đặc biệt là đề xuất thuế tài sản, điều chỉnh chính sách thu hiện hành. Các băn khoăn này là xác đáng, khi đề xuất chính sách này, Thành phố và Chính phủ đã lường trước những vấn đề nảy sinh. Do vậy, trong dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến DN, nhất là DNVVN, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới sản xuất, lưu thông hàng hoá trên cả nước, tập trung vào hàng hoá phát sinh trên địa bàn” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh

Ngân sách Trung ương không cam kết bổ sung thêm cho Thành phố

Ông Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, đã bàn và thống nhất với Thành phố để các cơ chế chính sách này cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về NSNN và nợ công trong kế hoạch tài chính 5 năm, cũng như kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, không ảnh hưởng phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương. 

“Từ nay đến năm 2020, Thành phố vẫn tiếp tục điều tiết về Trung ương với tỷ lệ hiện hành, ngân sách Trung ương cũng không cam kết bổ sung thêm cho Thành phố. Thực tế, dù chúng ta muốn cũng khó khăn, không làm được khi ngân sách rất khó khăn” – Bộ trưởng nói. 

Về giá trị vốn Nhà nước tại 39 DN do Thành phố quản lý trong danh sách phải cổ phần hoá giai đoạn 2016 – 2020 thì giá trị sổ sách khoảng 42.000 tỷ đồng, Thành phố dự kiến thu 67.000 tỷ đồng từ cổ phấn hoá. “Chúng tôi cho rằng, giai đoạn tới, khi kinh tế Thành phố mạnh hơn thì số thu từ cổ phần hoá không chỉ là 20.000 tỷ đồng mà có thể gấp nhiều lần số này. Khi đó, theo dự thảo Nghị quyết, phần để lại sẽ là nguồn lực đáng kể để Thành phố thực hiện nguồn lực của mình”. 

Việc tăng dư nợ vay đảm bảo cho Thành phố có thêm dư địa vay và phù hợp chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến, theo các Hiệp định đã ký, Thành phố vay lại từ nguồn này khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng trọng điểm. Hàng năm, căn cứ trần nợ công được Quốc hội quyết định, Bộ sẽ tổng hợp nhu cầu vay của địa phương để trình Quốc hội quyết định, bảo đảm việc tăng mức vay của Thành phố được đặt trong quan hệ nhu cầu vay, bội chi của địa phương khác và yêu cầu đảm bảo an toàn nợ công trong giới hạn. 

“Mong muốn Quốc hội ủng hộ thông qua Nghị quyết, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh hơn, hiện đại, đóng góp nhiều hơn vào GDP cả nước. Khi đó không chỉ Thành phố thuận lợi mà cả nước nói chung cũng thuận lợi” – ông Đinh Tiến Dũng đề nghị.

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top