Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 10 năm 2017 | 4:40

Cơ hội xuất khẩu thịt lợn đang tới, gạo vẫn trông đợi vào thị trường gần

Lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến xuất khẩu thịt lợn được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, mở ra nhiều cơ hội lớn; trong khi đó, xuất khẩu gạo được dự báo vẫn phải phụ thuộc vào những thị trường gần.

Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn: Cơ hội của Việt Nam đã tới

Cơ hội xuất khẩu thịt lợn đang rộng mở.

Tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam” ngày 20/10 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, Bộ này thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 30 tỷ USD/năm, với 10 ngành hàng chủ lực. Tuy nhiên, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn, với năng suất sản xuất từ 27,5 - 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa, 2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60 kg thịt/người, 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80 kg cá/người... nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi vẫn chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu.

Việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước từ nhiều năm nay vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn người chăn nuôi xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Theo Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm mạnh xuống còn 1,17 triệu con. Trong khi xuất khẩu chính ngạch lại hạn chế. 

Tại diễn đàn, Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á đã chia sẻ về cơ hội xuất khẩu và cả những thách thức cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn Việt Nam. Ông cũng chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết của De Heus, kinh nghiệm tổ chức thành công chuỗi liên kết sản xuất thịt gia cầm xuất khẩu, cũng như những nỗ lực góp phần vào việc phát triển nguồn thực phẩm sạch và bền vững. Ông Vũ Trọng Nghĩa, đại diện Công ty CP Thương mại và đầu tư Biển Đông cũng đánh giá về nhu cầu nhập khẩu thịt lợn từ Hàn Quốc, các cơ hội và thách thức cho sản phẩm thịt lợn Việt Nam. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám, cơ hội xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam đã tới. Việt Nam hiện đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Những công việc này đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm. 

Trà Vinh – Cần Thơ kết nối nông sản sạch

Đại diện 20 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vừa tham dự buổi toạ đàm “Kết nối thị trường” đối với các mặt hàng nông – đặc sản sạch tỉnh Trà Vinh và TP Cần Thơ. Tại tọa đàm các nhà sản xuất mong muốn tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, củng cố và phát triển mối liên kết giữa nhà sản xuất - cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn vào các hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích. 

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, cho biết: Hiện nay, nông sản sạch ở Trà Vinh đã được kết nối với TP.HCM. Riêng tại TP.Cần Thơ đang có nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, điểm bán hàng nông sản sạch. Trên cơ sở hợp tác giữa 2 địa phương tạo điều kiện để DN 2 liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm an toàn; phối hợp xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ hàng hóa”. 

Tại buổi kết nối, 12 biên bản ghi nhớ giữa 12 công ty, HTX, hộ kinh doanh của Trà Vinh ký kết cung ứng nguyên liệu cho 5 đơn vị tại Cần Thơ gồm có Coopmart, Lotte, công ty Ngọc Quang Phát, công ty Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, HTX Nông sản xanh Cần Thơ.

 Hiện nay trên địa bàn Cần Thơ có 107 chợ trong đó có 5 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2; 53 chợ hạng 3; 33 chợ chưa xếp hạng; 2 chợ nổi, 5 trung tâm thương mại và 8 siêu thị và trung tâm bán buôn.

Xuất khẩu gạo tiếp tục trông cậy vào các thị trường gần

Xuất khẩu gạo vẫn phụ thuộc vào các thị trường gần như Trung Quốc, Philippines...

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thị trường XK gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. Các ý kiến ở hội nghị đều cho rằng các thị trường gần và truyền thống vẫn sẽ tiếp tục là thị trường chủ lực của gạo Việt Nam trong những năm tới.

Chiến lược phát triển thị trường XK gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7 năm nay với mục tiêu giảm dần lượng gạo hàng hóa XK nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo. Cụ thể, đến 2020 XK khoảng 4,5 - 5 triệu tấn gạo, đến 2030 XK khoảng 4 triệu tấn gạo/năm.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thực tế XK gạo hiện nay cho thấy tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp trung bình và thấp đang giảm mạnh, trong khi tỷ trọng của gạo thơm, nếp, gạo Japonica tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, gạo thơm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng gạo XK Việt Nam với 26,32%, gạo nếp đứng thứ 3 với 23,43%. Còn gạo trắng phẩm cấp trung bình chỉ chiếm 9,05% và gạo trắng phẩm cấp thấp là 4,65%.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Intimex, cho rằng, định hướng giảm mạnh gạo trắng phẩm cấp trung bình và thấp là đúng, vì đây là những loại gạo mà Việt Nam càng ngày càng khó cạnh tranh trên thị trường thế giới do có nhiều nước cùng sản xuất, XK. Chẳng hạn, ở thị trường Trung Quốc, trong khi một số loại gạo của Việt Nam đang chiếm thế thượng phong hay XK tốt như nếp, gạo thơm, thì gạo trắng rất khó cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng loại của Pakistan, Myanmar…

Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, thị trường XK gạo của Việt Nam về lâu dài vẫn là các thị trường gần, truyền thống. Bởi gạo không phải là mặt hàng mang tính toàn cầu mà là mặt hàng mang tính khu vực. Trong các thị trường gần và truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường quan trọng nhất do nhu cầu NK gạo của nước này rất lớn, lớn hơn cả lượng gạo XK của Việt Nam. Với nhu cầu NK lớn như vậy, Trung Quốc rất cần nguồn cung cấp từ Việt Nam, do gần gũi về địa lý và người tiêu dùng ở nhiều tỉnh Trung Quốc đã quen sử dụng gạo Việt Nam. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao ổn định được thị trường Trung Quốc. Điều này cần tới nỗ lực của Chính phủ bằng việc ký kết được với Trung Quốc những hiệp định thương mại song phương có liên quan đến sản phẩm gạo.

Vì sao giá dừa tươi lao dốc?

Giá dừa tươi Bến Tre đang giảm mạnh. Ảnh: Bắc Bình.

Hơn một tuần qua, giá dừa xiêm xanh ở Bến Tre giảm từ 80.000 đồng/chục (12 trái, loại 1,3 kg/trái) xuống còn dưới 60.000 đồng/chục. Dừa khô cũng giảm khoảng 20.000 đồng/chục, hiện có giá 140.000 đồng/chục. Các loại dừa tươi uống nước khác chỉ còn khoảng 30.000 đồng/chục. Thương lái cho hay giá dừa tươi sẽ còn giảm sâu từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2018.

Ông Nguyễn Văn Đáng (ngụ TP.Bến Tre) cho biết: “Hơn 2 công dừa của tôi hiện có cả trăm buồng dừa đến kỳ thu hoạch nhưng điện thoại kêu bán thì các thương lái cứ chê, có người đồng ý mua xô với giá 25.000 đồng/chục. Rẻ quá nên tôi kêu những người thân quen đến... cho về uống nước”.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây MeKong (xã Hữu Định, TP.Bến Tre), cho biết mức giá dừa xiêm xanh loại từ 1,3 kg/trái trở lên công ty ông vẫn mua với giá 60.000 đồng/chục. Tuy nhiên chỉ áp dụng với nhà vườn có liên kết tiêu thụ (xã Phong Nẫm và Phong Mỹ, H.Giồng Trôm và xã Hữu Định, H.Châu Thành), loại dưới 1,3 kg/trái thì 50.000 đồng/chục.

Theo ông Thuật, nguyên nhân giá dừa xiêm xanh nói riêng và giá dừa tươi nói chung giảm do thị trường miền Trung, miền Bắc giảm cầu vì thời tiết chuyển lạnh. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc gặp sự cạnh tranh về mẫu mã, trọng lượng, giá cả với dừa xiêm xanh của Thái Lan. Theo bà Phạm Thị Hân, Phó giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, dừa tươi của tỉnh này hiện chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu còn rất khiêm tốn.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top