Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 5 năm 2020 | 14:55

Có quyết tâm, chúng ta nhất định tận dụng tốt thời cơ để bứt phá

Tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp (DN), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.

“Làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành DN lớn được. Không nản chí, vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Cần năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của DN là tự mình đánh mất cơ hội…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

tt5.jpg
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ lâm thời đã tiến hành phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
 

Kế sách “động viên kinh tế”

Sau 75 năm giành độc lập, tinh thần: “Xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Một ngày sau Lễ độc lập (2/9/1945), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những nhiệm vụ cấp bách, trong đó chứa đựng nguyên lý xóa đói, giảm nghèo, dân giàu, nước mạnh. 

Trong những tháng ngày bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng, bằng sự trải nghiệm của cuộc đời, sự hiểu biết con người và nhân dân, hơn ai hết, Người ý thức rõ ràng công việc này không dễ, không thể làm một sớm một chiều, không thể nói suông vì hơn hai triệu đồng bào chết đói là do chính sách độc ác của Nhật, Pháp. Bấy giờ, chính quyền của dân, do dân, vì dân thì phải làm cho đồng bào sống, có sống mới làm được cách mạng; “có thực mới vực được đạo”. Người hiểu rõ hơn ai hết “dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy ăn làm trời), “dĩ thực vi tiên” (trước cần phải ăn), và “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi giới công thương Việt Nam, mà ngày nay Đảng, Nhà nước ta lấy ngày đó làm Ngày doanh nhân Việt Nam (ngày 13/10/1945). Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Hơn bốn tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc. Tinh thần chủ đạo của cuộc họp là “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Và Người nhấn mạnh nhiệm vụ phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn, Làm cho dân có mặc, Làm cho dân có chỗ ở, Làm cho dân có học hành.

Trong khoảng một năm sau khi nước nhà độc lập đến khi bước vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh liên quan tới công việc xóa đói, giảm nghèo như: Sắc lệnh về tổ chức các cuộc lạc quyên (5/4/1946); Sắc lệnh về việc lưu hành các loại giấy bạc (5/4/1946); Sắc lệnh phát hành các loại tín phiếu có giá trị như giấy bạc Việt Nam (18/7/1947),... Trong một bài viết có tựa đề Động viên kinh tế đăng báo Cứu quốc ngày 13/12/1946, Người đã nêu rõ ý nghĩa của công việc này là để người có sức giúp sức, có tiền giúp tiền, có của giúp của, tức là tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến và để kiến quốc; đồng thời những việc tiêu xài vô ích phải cố gắng tinh giảm. Mục đích của động viên kinh tế là làm cho nước giàu, dân mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra một kế hoạch Chính phủ và tư nhân đều bỏ vốn ra mở mang ở vùng xa thành thị nghề làm ruộng, nghề tiểu công nghệ, nghề làm mỏ. Phương pháp động viên kinh tế thì phải động viên lao động, động viên công nghệ, động viên nông nghiệp, động viên tài chính, tiết kiệm...

Tầm nhìn hội nhập

Trong tư duy về kế sách xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gói lại trong chính sách đối nội, tạo nội lực, mà Người có cả một tầm nhìn về chính sách đối ngoại, thu hút ngoại lực bằng chủ động, tích cực hội nhập, khai thác kinh tế quốc tế.

Trong Lời kêu gọi gửi Liên Hợp quốc năm 1946, Người đã tuyên bố chính sách đối ngoại với các nguyên tắc: “Tôn trọng nền độc lập của các nước láng giềng và mong muốn hợp tác với các nước có chủ quyền trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối; sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực với các nước dân chủ”. Cụ thể, Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các hải cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo, dân giàu nước mạnh là một thái độ văn hóa, một cách ứng xử nhân văn trên nền truyền thống tốt đẹp của dân tộc, soi sáng dân tộc trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xóa đói giảm nghèo, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Đảng và Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách và các biện pháp hữu hiệu giúp nhân dân trong lao động sản xuất, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống. Giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu đã và đang trở thành cuộc vận động lớn, mang giá trị nhân văn cao cả, có ý nghĩa xã hội hóa cao, trong đó vai trò của các DN, doanh nhân là hết sức quan trọng.

Nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

 

t6.jpg

Tại Hội nghị giữa Thủ tướng với DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại lời Bác: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Người từng nói: “Chúng ta có quyết tâm, chúng ta nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao được đời sống của toàn dân”. Lời động viên của Người là một tài sản vô giá, như lời hiệu triệu đã tạo động lực cho nhân dân miền Bắc khôi phục và tăng gia sản xuất, làm tốt vai trò hậu phương cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tích bước ngoặc mới của lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây là thời cơ vàng để chúng ta có thể vượt lên nếu tận dụng tốt việc dịch chuyển của kinh tế thế giới.

Mặc dù phải tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội và sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của các nước phát triển ngay trong thời kỳ thuận lợi. Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Điều này cho thấy, Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến  nhận xét, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng DN là vô cùng lớn.

 

t7.jpg
Nhanh chóng khôi phục hoạt động giao thương quốc tế thời kỳ hậu dịch bệnh.

 

Để góp phần giảm nhẹ các tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế và đời sống người dân, Thủ tướng đã chỉ đạo cả hệ thống phải tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời, phải kiểm soát lạm phát dưới 4% (vì nếu tăng trưởng 5 và lạm phát 4 thì cuộc sống nhân dân khó khăn hơn -NV). Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công: (1) thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân, (2) thu hút FDI, (3) đẩy mạnh xuất khẩu, (4) thúc đẩy đầu tư công, (5) khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Chính phủ đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  Lê Minh Hưng cho biết, trong suốt thời gian chịu tác động của dịch Covid-19, NHNN đã luôn chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát lạm phát, không để tỷ giá biến động, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giảm lãi suất, giữ nền tảng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định.

 

t8.jpg
Ngành ngân hàng có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của Agribank.

 

“Tính đến ngày 8/5, NHNN đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian tới, NHNN tiếp tục đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn vĩ mô. NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Đề xuất 10 giải pháp, chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới tiếp tục trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.

“Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của DN. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho DN, người dân”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng DN, hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất 5 giải pháp để đồng hành cùng DN vượt qua dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục chủ động phối hợp các bộ, ngành và các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN… để đánh giá mức độ, yêu cầu và hiệu quả của điều hành Chính phủ trong thời gian tới.

Thứ hai,  tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho DN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho DN.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước…

Thứ tư, xây dựng các đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới.

Thứ năm, tập trung khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với EU, CPTPP, RCEP…

“Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng DN, hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

 

Trong 4 tháng đầu năm 2020, cam kết vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 12,3 tỷ USD, mặc dù giảm 15,5% so cùng kỳ, song điều ngạc nhiên là giá trị vốn cam kết đã tăng trở lại trong tháng 4 khoảng 81% so với tháng 3 trước đó và tăng hơn 62% so với tháng 4 năm trước.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Những năm gần đây, dựa vào tiềm năng đất đai, khí hậu,… nông dân các địa phương ở Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng vùng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng thương hiệu cho nông sản… Cùng nhau thi đua sản xuất để làm giàu cho gia đình và quê hương.

  • Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Có thời điểm diện tích mía của Thanh Hóa lên tới 32,1 nghìn ha và được xem là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh. Vì lý do khác nhau mà nhiều hộ dân đã phải chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Đâu là hướng đi cho cây mía xứ Thanh?

  • Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản

    Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản

    Sáng 18/3, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo Tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật về xây dựng thương hiệu nông sản.

Top