Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 9 năm 2018 | 21:45

Công bố thực trạng thị trường bất động sản trong thời kỳ 2007-2011

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã công bố báo cáo Thực trạng thị trường bất động sản. Đơn vị này đã nêu ra những nguyên nhân dẫn đến bong bóng trong thời kỳ 2007-2011.

Cụ thể, có 6 nguyên nhân khiến bong bóng bất động sản phình to và đổ vỡ trong thời kỳ hoàng kim quá khứ.
 
Thứ nhất, năm 2007, tăng trưởng GDP ở mức rất cao, đạt 8,48%. Tại TP.HCM, mức tăng trưởng GDP năm 2007 là 12,6%, mức tăng cao nhất trong 10 năm tính từ năm 1997. Khi đó, người dân và doanh nghiệp dễ kiếm tiền, bất động sản được chọn là kênh đầu tư để kinh doanh, cất trữ, kể cả đầu cơ.
 
Thứ hai, nguyên nhân từ chính sách nới lỏng tín dụng. Các ngân hàng thương mại đã cho vay dưới chuẩn, thể hiện tăng trưởng tín dụng năm 2007 rất cao lên đến hơn 37%. Trong đó, một phần lớn vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội đổ vào đầu tư kinh doanh bất động sản. Ngoài ra còn có tình trạng các ngân hàng thương mại buông lỏng việc kiểm soát nguồn vốn vay tín dụng mà lẽ ra phải được sử dụng đúng mục đích.
 
Thứ ba, thị trường xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp.
 
Thứ tư, nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, cò đất, môi giới xuất hiện với giới đầu cơ chuyên nghiệp cầm trịch làm giá, tạo sóng, đẩy giá tăng cao so với giá trị thực để trục lợi, kích thích tâm lý đầu tư lướt sóng.
bđs-36.jpg
Theo HoREA, có 6 nguyên nhân khiến bong bóng bất động sản phình to và đổ vỡ trong thời kỳ hoàng kim quá khứ. Ảnh: Vũ Lê (Theo Vnexpress) 
 
Thứ năm, việc điều tiết thị trường bất động sản khi xuất hiện dấu hiệu bong bóng chưa hiệu quả. Cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền không sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
 
Thứ sáu, một nguyên nhân dẫn đến bong bóng bất động sản năm 2010 là hệ quả của gói kích cầu đầu tư với quy mô gần 1 tỷ USD vào giữa năm 2009. Một phần đáng kể trong nguồn vốn này được sử dụng sai mục đích để đầu tư vào bất động sản mà không được các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt.
 
HoREA khẳng định, trong năm 2018-2019, cơn ác mộng này sẽ không xảy ra vì tăng trưởng tín dụng vẫn trong tầm kiểm soát.
 
Năm 2017, tính trên cả nước, tăng trưởng tín dụng đạt 18,17%, trong khi năm 2007 có mức tăng nóng là 37%. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 ở mức hợp lý khoảng 17%.
 
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương vào những tháng cuối năm sẽ không nới room tín dụng và đang tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, linh hoạt và sẽ hạn chế tín dụng vào bất động sản. Năm 2018, khi cho vay trung, dài hạn, chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn. Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ này giảm xuống còn 40%.
 
Tin tưởng khó xảy ra bong bóng bất động sản, HoREA cho rằng, cơ quan Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng công cụ về thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết thị trường. Ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp bất động sản, giới đầu tư và người tiêu dùng đều thông minh hơn.
 
Ngược lại, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo về tính chu kỳ của bong bóng bất động sản, thậm chí nêu rõ thời điểm mà bong bóng có thể vỡ. Một số doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch ứng phó khi bong bóng vỡ. Để tránh kịch bản tồi tệ có thể xảy ra, nhiều chuyên gia còn đề xuất giải pháp ngăn chặn cơn sốt đất.
 
Chuyên gia kinh tế ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đã từng cảnh báo, nếu tín dụng tiếp dụng đổ vào bất động sản, bong bóng có thể xảy ra. Nguyên nhân gián tiếp hình thành bong bóng chính là đà tăng tín dụng hiện nay.
 
Theo ông Hiếu, dấu hiệu có bong bóng là giá bất động sản tăng 100% trong một năm. Vị này cũng cho rằng, bong bóng có thể nổ vào năm 2019, tương đương chu kỳ khủng hoảng 10 năm.
 
Trong khi đó, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế Tp.HCM cũng đã bày tỏ lo ngại về việc bong bóng có thể vỡ giữa cơn sốt đất xảy ra tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Cơn sốt đất Sài Gòn tiếp tục đà tăng trong những tháng đầu năm 2018 thúc đẩy thị trường trên đà tích tụ bong bóng bất động sản.
 
Vị chuyên gia này cũng cho hay, TP.HCM cần ít nhất 5 giải pháp để ngăn chặn phản ứng tiêu cực. Những giải pháp này gồm: đánh thuế đất, định giá đất theo thị trường để áp thuế, thắt chặt tín dụng đối với tài sản là đất hoang, giới hạn thời gian giao dịch, siết chặt quy hoạch sử dụng đất, áp dụng cơ chế đặc thù của Tp.HCM vào quản lý đất đai.
 
Theo Tổng giám đốc một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại khu Nam Tp.HCM, điều đáng lưu tâm là những thành phần tham gia thị trường phủ định nguy cơ bong bóng bởi họ vẫn kỳ vọng việc tăng trưởng kéo dài.
 
Vị này nhận định, bong bóng bất động sản mới sẽ không thuần túy tuân thủ các quy luật cũ. Bởi vào từng thời điểm, quy mô thị trường cũng thay đổi và các biến số ngày càng khó lường. Vì vậy, tốt hơn là nên thiết lập hàng rào phòng vệ sẵn sàng ứng phó với bong bóng bất động sản, thay vì khẳng định điều đó chưa xảy ra.
 

Công bố kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM).

Theo TTCP, trong quá trình triển thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan đã để xẩy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Cơ quan thanh tra chỉ rõ các vi phạm, khuyết điểm xảy ra trong việc quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Kết quả thanh tra cho thấy, việc UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16-9-1998, trong đó: điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 5 doanh nghiệp trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5000).

Bên cạnh đó, việc tăng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vị trí, giới hạn quy hoạch được phê duyệt không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa. Trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng Thành phố, các sở, ngành liên quan và UBND TP HCM.

TTCP kết luận việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải quyết phù hợp.

Đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND TP HCM đã quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần sớm xem xét, có giải pháp giải quyết phù hợp.

“Ngoài ra, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng có trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chưa đúng thời điểm thu hồi đất, nhất là khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực; không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, việc thực hiện còn chậm, còn một số hạn chế, bất cập, dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư, UBND TP cần rà soát để giải quyết dứt điểm”- TTCP chỉ rõ.

36.jpg
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM -(Theo Ảnh: Hoàng Triều - Người Lao động).

Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Sở Địa chính, UBND Quận 2 và UBND TP HCM.

Cơ quan thanh tra cũng đã có kết luận kiểm tra về khu tái định cư 160 ha. Theo đó, UBND TP HCM đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, UBND TP HCM đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư. Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN, dẫn đến, làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm

Trên cơ sở kết quả kiểm tra nêu trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM các định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm như kết luận đã nêu, trên cơ sở đó thực hiện: (1) kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ… để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; (2) công khai, nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến khiếu nại kéo dài trong thời gian vừa qua.

Căn cứ vào Kết luận kiểm tra của TTCP, UBND TP HCM rà soát, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 theo đúng quy định của pháp luật.

Rà soát từng trường hợp cụ thể người dân đang khiếu nại, đặc biệt là các hộ dân nằm trong khu vực khoảng 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp cho người dân, sớm chấm dứt khiếu nại.

Phối hợp với TTCP và các bộ, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) để kiểm tra, rà soát, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trong việc quy hoạch, giao đất, thực hiện đầu tư tại các dự án thuộc các Khu tái định cư theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các thông báo số 75/TB-VPCP ngày 19-4-2018 và số 109/TB-VPCP ngày 14-7-2018 của Văn phòng Chính phủ.

 

Thanh Hóa: "Tiện tay cầm nhầm" 279 m2 đất vàng

Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư trung tâm thương mại Bờ Hồ đã “tiện tay” chiếm dụng 279,7m2 đất “vàng” ngay tại Trung tâm thành phố Thanh Hóa để xây dựng căn hộ cao cấp và Trung tâm thương mại.

Được biết, Trung tâm thương mại Bờ Hồ tọa lạc ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền, phía Đông giáp đường Lê Hoàn; phía Tây giáp đường Cao Thắng; phía Nam giáp đường Nguyễn Trãi; phía Bắc giáp đường Tống Duy Tân… Nơi đây được đánh giá là khu đất “vàng”, có hoạt động kinh, doanh buôn bán sầm uất bậc nhất của thành phố Thanh Hóa.

Giám đốc một Sàn giao dịch Bất động sản cho biết, 1m2 đất ở đây có giá trị không dưới 200 triệu đồng. Thế nhưng, ngay cả khi có tiền tỷ cũng không dễ thâu tóm được những miếng đất vàng ở khu vực này. Như vậy, chỉ cần nhẩm tính sơ bộ thì 279,7m2 đất lấn chiếm có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Một số hình ảnh về hiện trạng công trình. Theo: Ảnh-Thiên Vân - Đức Năng (Báo Đời Sống và Pháp Luật)

365.jpg
TTTM Bờ Hồ tọa lạc ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền. Được đánh giá là khu đất “vàng”, có hoạt động kinh, doanh buôn bán sầm uất bậc nhất TP Thanh Hóa.

 

364.jpg
Khối đế tòa nhà được phê duyệt là 4 tầng, thực tế thi công là 7 tầng (vượt 3 tầng).

 

363.jpg
...thực tế tòa nhà đã thi công vượt quá 2 tầng so với thiết kế được phê duyệt (22/20 tầng).

 

366.jpg
Mặc dù, công trình đang thi công còn dang dở, chưa nghiệm thu, chưa hoàn thiện các hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy, nhưng chủ đầu tư vẫn cho các doanh nghiệp vào thuê mặt bằng kinh doanh.

 

362.jpg
Những tấm thép lớn được cẩu lên cao bằng sợi cáp mỏng manh.

 

361.jpg
Dự án đầy tai tiếng này, có sự hiện diện của các thương hiệu nổi tiếng như: Siêu thị điện máy Pico; Hightland Coffee; Kampai Hotpot; Thời trang hàng hiệu Barishidi Paris…

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top