Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 8 năm 2020 | 11:14

Công nghiệp phụ trợ nông nghiệp: Vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu

Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng - là cánh tay nối dài giúp người nông dân tăng năng suất lao động, phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Tuy nhiên, công nghiệp phụ trợ hiện vẫn là khâu rất yếu của ngành nông nghiệp.

Nếu công nghiệp phụ trợ của ngành nông nghiệp phát triển thì giá trị sản phẩm được nâng lên thêm 10 -15%, đặc biệt còn tạo dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 a1.jpg

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (Phúc Thọ - Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt.

 

Công nghiệp phụ trợ đối với nghề vườn

Công nghiệp phụ trợ (CNPT) là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò phụ trợ cho việc sản xuất các thành phần chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu… và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm CNPT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

Ngành CNPT ngoài vai trò tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa rộng, vừa sâu.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, CNPT đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng.

Khi Việt Nam tham gia vào EVFTA, bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp lúc này là phải đầu tư phát triển CNPT.

CNPT cho ngành nông nghiệp tức là công nghiệp cơ khí, công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ bảo quản, dự trữ hàng hóa…, đây là khâu còn rất yếu của ta. Dù Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp nhưng theo các chuyên gia, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp còn yếu nên năng suất lao động còn thấp và hầu hết hiện nay các mặt hàng nông sản của ta vẫn là xuất khẩu thô, nên các sản phẩm sau thu hoạch thường bị giảm sút cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nếu CNPT cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển thì giá trị sản phẩm được nâng lên thêm 10 -15%, đặc biệt còn tạo dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện cho DN,  hiệp hội ngành hàng liên kết lại, tạo ra quy mô sản xuất lớn, đi kèm với đó là đầu tư công nghiệp cơ khí, công nghệ chế biến và kho lưu trữ, cũng như công nghệ bảo quản để sản phẩm giữ được chất lượng từ sau thu hoạch đến khi đưa ra thị trường.

Giải quyết mối lo được mùa, mất giá

Đối với các loại nông sản, đặc biệt là trái cây sản xuất trên diện tích lớn, số lượng nhiều, khi đến mùa thu hoạch là nỗi lo của đa số nông dân. 

a3.jpg

Sản xuất nấm kim châm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Bá Hoạt.

 

Nhiều năm qua, không ít trường hợp nông sản vào vụ thu hoạch rộ lại phải chờ người đến thu mua, hoặc có liên kết với DN cũng khó tiêu thụ bởi đầu ra bão hòa.

Chính vì thế, áp dụng công nghệ vào bảo quản nông sản có thể giảm bớt nỗi lo và gánh nặng cho nông dân, đồng thời có thể giữ được chất lượng, nâng cao giá trị nông sản trong thời gian bảo quản.

Theo Cục Kinh tế Hợp tác - PTNT, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Trong đó, làm lúa tăng nhanh nhiều loại máy móc thiết bị, từ khâu làm đất, bảo vệ, chăm sóc đến thu hoạch…, góp phần giải quyết lao động nặng nhọc, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản.

Tính trung bình cả nước, số lượng thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, năm 2017 so với năm 2011, số lượng máy kéo tăng 45,5%, trong đó máy kéo chở lớn tăng 92,4%, máy gặt đập liên hợp tăng 77,1%, máy sấy tăng 25,8%.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Thái Thuận (Ninh Thuận), chia sẻ, các loại trái cây sau khi thu hoạch chỉ giữ được độ tươi 1-2 ngày trong điều kiện bảo quản bình thường.

Chính vì vậy, nếu không áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ  vào khâu bảo quản, giá trị trái cây sẽ giảm 30 - 50%, đó là chưa kể vào kỳ thu hoạch rộ.

Công ty Thái Thuận đầu tư công nghệ bảo quản, sản phẩm trái cây có thể giữ được độ tươi ngon 50 - 60 ngày, đồng thời, với chế độ bảo quản này, sản phẩm có thể tăng giá trị lên 30%.

Điển hình như với trái nho Ninh Thuận, Công ty Thái Thuận đã đầu tư hệ thống sơ chế đóng gói MAP, liên kết với 50ha sản xuất nho an toàn của nông dân Ninh Thuận.

Được đầu tư cao, giá thành sản xuất nho tăng 250 đồng/kg, lại được phần lớn DN thu mua vì chất lượng tốt, giữ vững trong thời gian dài, đảm bảo lợi nhuận khi tiêu thụ ra thị trường.

Anh Nguyễn Văn Tân, nông dân trồng nho tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước - Ninh Thuận) cho biết, từ khi được DN liên kết đầu tư dây chuyền bảo quản nho sau thu hoạch, sản phẩm nho an toàn của anh không còn rơi vào tình trạng được mùa, mất giá.

Không những vậy, sản phẩm cũng được DN thu mua gấp đôi so với chưa áp dụng công nghệ bảo quản này. Trái nho rất dễ hư trong điều kiện bình thường, khi áp dụng công nghệ bảo quản, độ tươi ngon và chất lượng được giữ nguyên đến 60 ngày, là điều DN an tâm khi thu mua và tiêu thụ dần.

Ưu điểm cho sản phẩm chế biến

Một trong những quy trình chế biến nông sản không thể thiếu chính là sấy thực phẩm. Quy trình này đòi hỏi công nghệ, thiết bị phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, diệt trừ mầm bệnh, đồng thời giữ được độ tươi ngon của nông sản sau khi chế biến và đưa vào thị trường tiêu thụ.

Công nghệ sấy vốn đã được nhiều DN áp dụng trong chế biến. Mới đây nhất là công nghệ sấy vi sóng trong chế biến, bảo quản thực phẩm và nông sản.

Cụ thể, sấy vi sóng là đưa nhiệt thâm nhập vào thành phần trong sản phẩm bằng những tia sóng nhỏ. Nhiệt theo tia sóng này làm khô sản phẩm trong thời gian rất ngắn.

Phương pháp này không chỉ giúp tiết kiệm điện năng trong quy trình sấy nông sản, mà còn giữ lại được hầu hết các chất dinh dưỡng và màu sắc ban đầu của nông sản, thực phẩm

Không những vậy, nhiệt theo sóng siêu cao tần còn có thể tiêu diệt được hai loại vi khuẩn gây hại cho nông sản, thực phẩm là E.Coli và Salmonella.

Thạc sỹ Trần Văn Sư, Khoa Điện tử-Viễn thông, Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bảo quản, chế biến sau thu hoạch là thách thức lớn cho người trồng trọt ở Việt Nam

Trước đây, người dân và DN nhỏ thường sử dụng các phương pháp sấy nhiệt như phơi nắng, sấy bằng lò than, củi, sấy lò hơi. Tuy nhiên, phương pháp này mất nhiều thời gian, khó giữ lại được đầy đủ chất dinh dưỡng có sẵn trong nông sản, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bị các vi khuẩn có hại xâm nhập như E.coli, nấm mốc và đôi khi còn nhiều lưu huỳnh (hóa chất chống mốc).

Khi ứng dụng công nghệ sấy vi sóng (sóng siêu cao tần), người sản xuất và DN nhỏ có hướng đi mới trong chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm.

Minh chứng điển hình là Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Nam (TP. Hồ Chí Minh), sản xuất chế biến nước yến đóng chai Song Yến đã ứng dụng công nghệ này trong tiệt trùng dụng cụ sản xuất, đóng chai sản phẩm yến.

Thay vì mất 60 phút để sấy khô và diệt khuẩn các thiết bị, dụng cụ so với trước đây, công nghệ sấy vi sóng chỉ mất 5 phút để thực hiện quy trình này.

Đầu tư công nghệ với chi phí cao, nhưng hiệu quả cũng lớn: điện năng giảm 12 lần, giúp DN cân bằng và giảm chi phí sản xuất khi sử dụng trong thời gian dài.

Ông Đào Quốc Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Máy và thiết bị công nghiệp Quốc tế (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, so với thực hiện sấy thông thường (10.000 chai/8 giờ), sấy vi sóng nâng công suất lên 19.200 chai/8 giờ, DN có thể tiết kiệm 360 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.

Hơn nữa, việc lắp đặt thiết bị sấy vi sóng dễ dàng và linh hoạt, dễ dàng di chuyển, thân thiện với môi trường. Đây là công nghệ tối ưu cho các loại nông sản sấy khô như xoài, mít, đậu phộng, hạt điều, ca cao, càphê, thanh long… Như vậy, có thể nói, chính khoa học và công nghệ cao là phương thức tốt nhất cho việc bảo quản và chế biến nông sản hiện nay.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Những năm gần đây, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã được triển khai, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cũng như sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thêm nữa, cùng với việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, dựa trên sự tiếp thu công nghệ mới của thế giới, một nền nông nghiệp 4.0 bước đầu hình thành, mở ra nhiều kỳ vọng. 

a4.jpg
Thu hoạch nho ở Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử/TTXVN.

 

Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhận định: Nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ; năng lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn một khoảng cách khá xa so với tiềm năng của  nước nông nghiệp. Thị trường khoa học công nghệ đã hình thành nhưng với quy mô nhỏ; việc chuyển giao kỹ thuật, hấp thụ công nghệ mới của doanh nghiệp gặp không ít trở lực; hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế…

Mặt khác, trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ số, những yếu tố từng là “bệ đỡ” tăng trưởng của nông nghiệp nước nhà như tài nguyên, đất đai, nhân công..., không còn tác dụng quyết định. Thế nhưng, dường như nông nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán phát triển trên nền tảng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi thế giới. Nông nghiệp thông minh - nông nghiệp số đang phát triển tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Hà Lan, Đức, Isarel, Nhật Bản…, đem lại hiệu quả vô cùng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam không thể đứng ngoài “làn sóng” ấy. Và thực tế, chúng ta đã có một số mô hình ứng dụng thiết bị thông minh hay các hoạt động tiếp cận nông nghiệp 4.0 trong sản xuất lúa, ngô, lợn giống, thủy sản…

Thực tế cho thấy, từ nước nhập khẩu lương thực, đến nay, nông sản của Việt Nam có mặt ở 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Qua đó thấy được, khoa học công nghệ đã đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Hiện nay, nông nghiệp đóng góp 15% vào GDP. Năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện do nhiều địa phương cũng như DN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Và, có thể nói, từ khâu giống, quy trình canh tác đến chế biến, bảo quản... đều có dấu ấn của khoa học công nghệ. Đơn cử như cây thanh long, từ việc nghiên cứu, cải tạo giống đã cho năng suất 40-50 tấn/ha, tăng hơn 74% so với giống cũ, tạo ra lợi nhuận cho nông nghiệp khoảng 13.000 tỷ đồng/năm...

Được biết, tại một hội thảo về đổi mới hoạt động khoa học công nghệ ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý thẳng thắn nhận định: Hoạt động khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng cho việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trước bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh và hội nhập quốc tế.

Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Quốc tế Sao Nam (Sancopack) nêu ví dụ: Một trong những nguyên nhân khiến nông sản bị thất thoát sau thu hoạch ở mức cao, tới 20-30%, gây lãng phí là do việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến còn yếu.

Ở một góc nhìn khác của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đại Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn - Hà Nội) cho biết: Đơn vị đang ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu của Nhật Bản trong chăn nuôi nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên mới chỉ đầu tư được một phần các trang trại, chưa kể, chi phí của DN cho việc đào tạo nông dân kỹ năng vận hành máy móc, công nghệ mới... Như vậy, nguồn vốn cho ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp cũng là cả vấn đề.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế phát triển, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết: Cơ sở trang thiết bị ở nhiều đơn vị nghiên cứu và DN còn lạc hậu; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất; nguồn kinh phí dành cho khoa học công nghệ của Nhà nước còn thấp so với yêu cầu, trong khi việc xã hội hóa nguồn vốn cho lĩnh vực này rất hạn chế; thiếu liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với tổ chức chuyển giao, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp…

Khoa học công nghệ làm”bệ phóng” cho phát triển kinh tế

Để khoa học công nghệ phát huy vai trò “bệ phóng” với nông nghiệp, đồng thời tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho nghiên cứu, ứng dụng, các nhà khoa học đã nhiều lần đề nghị thành lập một quỹ đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ cho DN vay vốn. Đồng thời, có cơ chế trích một phần nhỏ giá trị nông sản xuất khẩu tái đầu tư cho khoa học công nghệ. Chẳng hạn dành 1 USD/tấn gạo xuất khẩu cho công tác nghiên cứu về lúa gạo từ giống, công nghệ chế biến và bảo quản...

a2.jpg
Kiểm tra nhân cấy mô hoa lan giống tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội).  Ảnh: Bá Hoạt.

 

Từ thực tế sản xuất kinh doanh, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho rằng: Bên cạnh các chính sách khuyến khích, ưu đãi tín dụng cho DN đưa khoa học công nghệ vào sản xuất thì các đơn vị nghiên cứu cần đổi mới phương thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến DN và nông dân. Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho DN khi gặp rủi ro về vấn đề bản quyền nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu hóa, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, DN sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dẫn dắt nông dân sản xuất. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tạo cơ chế khuyến khích DN và người dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp. Cùng với đó là tạo điều kiện về thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia chương trình, dự án hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để sáng tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp đã rõ, những giải pháp cũng đã được đưa ra và thực tế đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành công từ sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Một điều cần lưu ý là: Việc phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải gắn với người nông dân. Vì vậy, các cơ quan nghiên cứu cũng như DN cần chủ động chuyển giao công nghệ mới cho nông dân. Đồng thời gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà nước với DN, hợp tác xã, người nông dân để từng bước giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, phát triển công nghiệp và dịch vụ…

Giải pháp thúc đẩy phát triển CNPT

Một số địa phương đã ban hành chính sách để hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ giới hóa, chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao, góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNPT. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm CNPT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Mục tiêu đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống DN cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các DN bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Chính vì thế, khi nguồn cung bất ngờ bị đứt gãy như trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều DN rơi vào thế bị động, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất.

Được biết, thời gian tới, để thúc đẩy phát triển ngành CNHT, Bộ Công Thương đã nêu rõ phương hướng rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho DN. Đồng thời, tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư, để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho DN CNHT trong nước tạo nền tảng phát triển kinh tế nói chung, kinh tế vườn nói riêng.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top