Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 12 năm 2021 | 14:34

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Hoàn thiện để phù hợp với thực tế

Chủ trương của Đảng về đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 31/10/2012 đã được thể chế trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, trong thực tế, công tác này bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được nghiên cứu bổ sung, đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp.

12 nội dung về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) Nguyễn Đắc Nhẫn, để thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, pháp luật đất đai đã quy định 12 nội dung về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cụ thể, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Căn cứ, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định và thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện và việc báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Mặt khác, các quy định của Luật Đất đai 2013 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ hơn. Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có bước tiến rõ rệt và đạt được những kết quả tích cực. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quản lý Nhà nước về đất đai hiệu quả và là một trong những giải pháp lớn để sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

Trên thực tế, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hội nhập trong thế giới phẳng hiện nay, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế luôn có sự vận động phát triển nên các quy định của pháp luật đất đai về công tác quy hoạch, sử dụng đất nói chung, về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải được nghiên cứu bổ sung, đổi mới, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quy hoạch phải đảm bảo được sự ổn định, đồng bộ và kế thừa

Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là quy hoạch ở cấp vĩ mô, do vậy, nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải mang tính định hướng, tổng quát và có tầm chiến lược quốc gia. Đồng thời, phải đảm bảo tính ổn định và đồng bộ, có tính kế thừa, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động”.

Đó là một trong những nhận định của nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững”, do Viện Nghiên cứu quản lý đất đai chủ trì thực hiện.

Đối với việc đổi mới nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, đề tài chỉ ra rằng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần khoanh định và phân bổ nguồn lực đất đai của cả nước theo các khu vực đặc thù để quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả, gồm: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định mục đích sử dụng (khu vực tĩnh); khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất và khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất (khu vực động).

 

hình-1-3.jpg
Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo được sự đồng bộ, ổn định và kế thừa để phù hợp với thực tế.

 

Mặt khác, quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần phải đảm bảo tính liên vùng trong sử dụng đất để khai thác sử dụng có hiệu quả cao nhất công năng của các công trình hạ tầng (như sân bay, bến cảng, nhà ga, hệ thống giao thông, công trình năng lượng…), các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch…

Việc xác định không gian sử dụng đất cấp quốc gia (chỉ tiêu, diện tích, ranh giới các khu vực) cần bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái. Gồm diện tích, ranh giới các loại đất: đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Xác định không gian sử dụng đất cấp quốc gia (chỉ tiêu, diện tích, ranh giới các khu vực hiện hữu) ổn định mục đích sử dụng nhằm bảo tồn, tôn tạo các công trình lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc, như: đô thị cổ, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng..., đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Xác định diện tích đất chưa sử dụng có thể khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp trong kỳ quy hoạch; diện tích, ranh giới các khu vực đất bãi bồi ven biển, ven các đảo, quần đảo, khu lấn biển.

Xác định diện tích, cơ cấu và khoanh định không gian sử dụng các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia theo khu chức năng, gồm: Đất khu kinh tế, đất khu công nghệ cao, đất đô thị và đất khu du lịch; Xác định không gian ngầm cấp quốc gia và liên tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất, theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm tài chính quốc tế. Vùng Đông Nam Bộ được xác định là “nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Thúc đẩy phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á; tập trung phát triển cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển container trung chuyển quốc tế; xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái đạt hiệu quả cao về xã hội và môi trường; bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn”.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản; phát triển chuỗi giá trị về nông nghiệp đối với 3 sản phẩm chủ lực của vùng về thủy sản, trái cây và lúa gạo; vùng trọng điểm về trồng lúa tại khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; vùng trồng cây ăn quả ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực cù lao; vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển từ Tiền Giang đến Hà Tiên.

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng mạng lưới đô thị vùng tạo động lực cho phát triển, tăng cường liên kết với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, kết nối nội vùng và liên vùng, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thuỷ lợi, đê điều.

Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Bảo đảm việc sử dụng đất linh hoạt, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng các công trình chống sạt lở, xâm nhập mặn, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Mạnh tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top