Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 3 năm 2019 | 17:42

Công trình “khủng” xây trên đất nông nghiệp được “hợp thức hóa”?

Theo tìm hiểu được biết, công trình “khủng” xây dựng kiên cố là của ông Hán Thành Tuấn, có địa chỉ thôn 2, xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Một công trình bề thế được xây dựng trên đất nông nghiệp từng bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai với mức phạt 10 triệu đồng và yêu cầu hộ vi phạm khôi phục đảm bảo theo quy định pháp luật, tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào, công trình sau đó lại được chính quyền huyện Hoằng Hóa “hợp thức hóa” thành đất ở bằng hình thức thu hồi và đem đấu giá để thực hiện xây dựng điểm dân cư nông thôn xã Hoằng Vinh. Người trúng đấu giá một trong những lô đất này lại chính là chủ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp trước đó đã bị thu hồi để đấu giá.


Việc để công trình “khủng” xây dựng trên đất nông nghiệp sau đó lại được “hợp thức hóa” rất có thể sẽ tạo tiền lệ xấu cho nhiều vi phạm khác trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.

Theo tìm hiểu được biết, công trình “khủng” xây dựng kiên cố nói trên là của ông Hán Thành Tuấn có địa chỉ thôn 2, xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Thời điểm công trình được xây dựng vẫn là đất nông nghiệp được gia đình ông Tuấn mua gom của nhiều hộ dân từ trước. Công trình được xây dựng để làm trụ sở văn phòng Cty.

Do xây dựng công trình quy mô trên đất nông nghiệp, ngày 29/3/2018, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Quyết định số 14a/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Hán Thành Tuấn với hành vi vi phạm: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại định tại Điểm a Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể: Chuyển mục đích sử dụng 646,4m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Vị trí: Tại một phần các thửa đất số 8, 9, 21, 22 thuộc tờ bản đồ số 11 xã Hoằng Vinh lập năm 2014. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính là 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).

Quyết định cũng yêu cầu chủ hộ vi phạm là ông Hán Thành Tuấn chấm dứt ngay hành vi vi phạm; có biện pháp khôi phục đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Sai phạm rõ ràng là vậy, tuy nhiên không hiểu lý do vì sao, sau đó không lâu, công trình lại được chính quyền huyện Hoằng Hoá “ưu ái” cho “hợp thức hóa” thành đất ở tại nông thôn bằng hình thức thu hồi và đấu giá.

Cụ thể, ngày 6/6/2018, UBND huyện Hoằng Hóa có Quyết định số 3634/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại xã Hoằng Vinh để thực hiện dự án: Xây dựng điểm dân cư nông thôn xã Hoằng Vinh. Theo đó, tại điều 1 quyết định này cho biết thu hồi 2.419,91m2 đất của 02 đối tượng thuộc xã Hoằng Vinh để giao cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án: Xây dựng điểm dân cư nông thôn xã Hoằng Vinh tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, tổng diện tích thu hồi để thực hiện dự án là 2.419,91m2.

Cụ thể, danh sách thu hồi đất có 2 chủ sử dụng đất. Trong đó, ông Hán Thành Tuấn có tổng diện tích thu hồi 2.269,82m2 (đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng: Lấy từ đất chuyên trồng lúa nước); đất của UBND xã quản lý bị thu hồi là 150,09m2 (đất do UBND xã quản lý: Lấy từ đất chưa sử dụng (BCS) 46,56m2; lấy từ đất giao thông (DGT): 103,53m2).

Cũng trong ngày 6/6/2018, UBND huyện Hoằng Hóa có Quyết định số 3635/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án (dự toán) bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án: Quy hoạch điểm dân cư nông thôn xã Hoằng Vinh.

Quyết định này cho biết, mục tiêu của dự án: Quy hoạch điểm dân cư nông thôn xã Hoằng Vinh nhằm đấu giá quyền sử dụng đất ở thu tiền cấp quyền sử dụng đất để xây dựng tiêu chí nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hoằng Vinh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Chủ đầu tư của dự án này là UBND xã Hoằng Vinh. Tổng diện tích thu hồi thực hiện dự án: 2.419,91m2. Tổng số đối tượng bị ảnh hưởng trong khu vực thu hồi là 02 đối tượng.

Trong đó hộ gia đình, cá nhân: 01 hộ; tổ chức 01 đối tượng (UBND xã). Tổng hợp kinh phí đảm bảo cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 282.679.835 đồng. Thời gian di chuyển và bàn giao mặt bằng tháng 6/2018.

Ngày 27/7/2018, UBND huyện Hoằng Hóa tiếp tục có Quyết định số 4666/QĐ-UBND về việc đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư xã Hoằng Vinh thuộc MBQH số 47/MBQH-UBND được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt ngày 9/4/2018.

Tiếp đó, ngày 2/8/2018, UBND huyện Hoằng Hóa có Quyết định số 4752/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư nông thôn xã Hoằng Vinh thuộc MBQH số 47/MBQH-UBND được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt ngày 9/4/2018.

Theo đó, khu đất đấu giá gồm 3 lô đất trên địa bàn xã Hoằng Vinh. Tổng diện tích đấu giá 3 lô: 2.316,1m2. Mục đích sử dụng đất: Đất ở tại nông thôn; hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; Thời hạn sử dụng đất: Lâu dài. Tổng giá trị quyền sử dụng đất khởi điểm của các lô đấu giá: 2.316.100.000 đồng.

Ngày 25/9/2018, UBND huyện Hoằng Hóa tiếp tục có Quyết định 6634/QĐ -UBND về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư xã Hoằng Vinh.

Trong danh sách khách hàng trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Vinh có ông Hán Thành Tuấn trúng 1 lô và bà Lường Thị Vóc (vợ ông Tuấn ) trúng 2 lô.


Công trình “khủng” của ông Hán Thành Tuấn xây dựng trên đất nông nghiệp đã được hợp thức hóa thông qua hình thức thu hồi và đấu giá.

Trước băn khoăn của dư luận về việc có hay không việc UBND huyện Hoằng Hóa ưu ái cho ông Hán Thành Tuấn “hợp thức hóa” công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thành đất ở bằng hình thức thu hồi và đấu giá, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tiệm - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tiệm thừa nhận công trình của ông Hán Thành Tuấn xây dựng trên đất nông nghiệp đã bị UBND huyện Hoằng Hóa phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính vào tháng 29/3/2018.

Ông Tiệm cũng cho biết lý do công trình trên vẫn tồn tại và được UBND huyện “ưu ái” tạo điều kiện để “hợp thức hóa” thành đất ở là bởi: “Lúc đó xây rồi anh cũng cam kết xin không tháo dỡ và đề nghị với huyện là lập quy hoạch đất ở để đấu giá… anh ấy cũng cam kết với Hội đồng giải phóng mặt bằng, nếu như anh ấy không trúng đấu giá thì anh ấy phải phá dỡ công trình để cho Hội đồng bàn giao đất cho người khác. Sau đó, tổ chức đấu giá thành công. Anh ấy cũng trúng”.

Đồng thời, trong buổi làm việc này, vị Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cũng thừa nhận trách nhiệm quản lý chưa kịp thời nên dẫn đến việc UBND huyện phải “chiều” và “chạy theo” nguyện vọng của người dân có công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.

“Sự việc nó cũng có các bước mà nó có những cái sai như thế. Đến thời điểm này, khi anh đã trúng đấu giá, đã nộp tiền vào ngân sách rồi, thành đất ở rồi nó không phải là sai nữa. Nó chỉ là cái sai khi xây trên đất chưa phải là đất ở. Cái này một mặt quản lý Nhà nước cũng phát hiện nhưng chưa kịp thời. Biết là người ta xây dựng sai, trách nhiệm của mình cũng có. Xét về quản lý Nhà nước bọn em chịu trách nhiệm. Nói thật với anh không ai muốn, khi anh ấy làm sai thì kéo theo bọn em sai đấy chứ…”, ông Nguyễn Văn Tiệm cho biết.

Vì sao quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn xã Hoằng Vinh lại chỉ phục vụ một hộ gia đình? Việc công trình “khủng” xây trên đất nông nghiệp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính về đất đai lại được “hợp thức hóa” thành đất ở liệu có tạo ra tiền lệ vi phạm cho các vi phạm khác trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hay không?

 

 

Thanh Trà
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top