Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 11 năm 2018 | 22:4

Dấu hiệu "thiếu minh bạch" trong kiểm tra, xử phạt của QLTT Thanh Hóa!

Nhận tiền của người dân không có phiếu thu, không lập biên bản vi phạm. Khi bị phản ảnh đến cơ quan cấp trên thì cố tình hợp thức hóa..., đó là những phản ánh của bạn đọc về cách làm việc của cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm tới vấn đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (hay còn gọi là Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa) do bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm Trưởng ban; ông Trần Hữu Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh là Trưởng bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa.

Dư luận ghi nhận về những thành tích trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa. Từ đơn vị trực thuộc sự quản lý của Sở Công Thương, ngày 11/10/2018, Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập về Tổng cục QLTT, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương với tên gọi Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa, có trụ sở đóng tại Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. 

 Sau khi nạp 5 triệu đồng, ông Q. được cán bộ Đội QLTT số 1 đưa 1 quyết định hướng dẫn về kẹp vào đăng ký kinh doanh để tránh bị các đội khác phạt. 
 

Kể từ khi được xem là cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một bộ phận nhỏ là cán bộ đang công tác tại Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã có những việc làm, hành động đi ngược lại với vai trò, trách nhiệm của người QLTT, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Một vụ việc cho thấy, sáng ngày 14/11, đoàn công tác Đội số 1, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa tới số nhà 06, đường Lê Phụng Hiểu, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa thăm cơ sở kinh doanh quần áo. Không kế hoạch, không biên bản, ít ngày sau (tức ngày 15, 16/11), cán bộ QLTT đã liên tục gọi điện thúc ép ông Nguyễn Anh Q. tới Cục để đóng tiền. 

Tới 16 giờ 45, ngày 16/11, ông Nguyễn Đình Chính (áo sơ mi) xuống gia đình hộ kinh doanh đả thông sự việc.

 

"Vì cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em của tôi mới mở được ít ngày, đang trong giai đoạn hoàn thiện các hồ sơ để báo cáo cho việc kinh doanh thì cán bộ QLTT xuống thăm có hôm rồi cứ gọi lên nộp tiền, không nộp thì bị xử lý nên buộc tôi phải lên Cục QLTT nộp thôi"- ông Q. cho biết.

Lo sợ tới việc kinh doanh, chiều ngày 16/11, ông Q. tới Cục QLTT tỉnh theo đúng yêu cầu của ông Việt (cán bộ QLTT số 1). Theo những tư liệu ông Q. ghi lại được trong buổi làm việc cho biết: Tại đây, nhiều cán bộ QLTT đã đưa ra các thông điệp về những hộ kinh doanh gần đó với mức phạt cao ngất trời từ 20-30 triệu đồng, thậm chí có hộ ông H. lên tới 200 triệu đồng.

"Những nhà người ta không quen biết thì mức phạt còn phải cao hơn nhiều. Ơ! Đấy hình như chưa thấy cái vấn đề ấy bao giờ ư? Kể cả 200 triệu. Nói luôn cho biết, phạt đấy nợ. Đó là đấy. Nó là như thế. Nó không phải đổ đầu người, có nhà này nhà kia", một cán bộ QLTT bật mí.

 

 Sáng ngày 20/11 (tức 5 ngày sau đó), Quyền Đội trưởng Đội QLTT số 1 mới gửi Quyết định xử phạt xuống cho ông Q. mà không hề có biên bản kiểm tra, phương án kiểm tra.

 

Chưa dừng lại ở những "đòn phủ đầu" người dân, một cán bộ QLTT khác lại đưa ra một thông điệp: "Thôi. Như thế này này, chú Chính chú ấy nói rồi. Đúng không nợ. Hôm ngồi trên phòng chú Chính nói tạo điều kiện nhé. Lần sau như thế không phải xuống kiểm tra, sau đấu mối quan hệ thì a lô thôi nhé. Lấy cái quyết định đưa cho hắn trước đi. Không phải đội ni kiểm tra đâu, mà nhiều đội lắm".

Trước những yêu cầu buộc phải nộp 5 triệu đồng mà chưa biết mình vi phạm gì, ông Q. có hỏi thì cán bộ QLTT luôn có những lời nói để kéo thời gian để người dân đưa tiền.

Sau 18 phút trao đổi, một cán bộ QLTT số 1 lại trấn an: "Chú là Nguyễn Anh Q. đúng không, lập hơi lâu thôi. Chú biết kế hoạch của bọn anh một năm phạt mấy tỷ không? Ở trên dội xuống. Thôi, chú ký vô đây, ký nháy vô đây. Có lấy biên bản không để anh bảo làm? Chứ không có cái này thì các đội khác đến kiểm tra người ta phạt tiếp đấy".

Khi ông Q. tỏ ra khó hiểu trước cách làm của cán bộ QLTT số 1 thì tiếp tục có một cán bộ khác lại tiếp chuyện: "Chú cầm lấy cái quyết định này, về kẹp vào đăng ký kinh doanh trước mắt đi đã. Cầm lấy để chứng minh cho các đội khác đến kiểm tra thì có Đội QLTT số 1 đã kiểm tra rồi thì người ta không kiểm tra nữa, chứ không kiểm tra nữa mà không có cái này thì người ta lại tiếp tục phạt đấy".

 

 Sáng ngày 20/11, cán bộ QLTT mới xuống cửa hàng đưa Quyết định xử phạt, biên lai thu tiền phạt cho ông Q.

 

Tiếp đó, cán bộ QLTT đã thu của ông Q. 5 triệu đồng mà không hề có biên bản hay quyết định xử phạt. Đổi lại số tiền 5 triệu đồng mà cán bộ QLTT đã thu, ông Q. chỉ nhận được một "Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ", được lập ngày 16/11/2018, do ông Nguyễn Đình Chính, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa với nội dung: "Kiểm tra nhãn hàng hóa đối với hàng hóa đang kinh doanh tại cửa hàng. Thời hạn kiểm tra 01 ngày, kể từ ngày 16/11/2018". Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Văn Minh, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 1 làm Trưởng Đoàn kiểm tra cùng với các thành viên là ông Trương Văn Việt, Lê Thế Trung, kiểm soát viên.

Khó hiểu trước việc thu tiền của cán bộ Đội QLTT số 1, người dân đã phản ánh thông tin sự việc trên tới ông Nguyễn Văn Hùng, Q. Cục Trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa và bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa. 

 Ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ông Chính chỉ là Quyền Đội trưởng chứ làm gì phải Đội trưởng"

 

Tới 16 giờ 45 cùng ngày (16/11), ông Nguyễn Đình Chính xuống cửa hàng số 06 Lê Phụng Hiểu để giải bày với gia đình ông Q.. Có lẽ, để hợp thức hóa các hồ sơ thủ tục trong việc lấy tiền, sáng ngày 20/11 (tức 5 ngày sau đó), cán bộ QLTT số 1 xuống cửa hàng ông Q. đưa một biên lai thu tiền phạt và ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là 5 triệu đồng, khớp với số tiền mà cán bộ Đội QLTT số 1 đã lấy của ông Q. trước đó ngay tại trụ sở Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa vào chiều ngày 16/11.

Quyết định xử phạt này lại do Quyền Đội trưởng Đội QLTT số 1 Nguyễn Đình Chính ban hành và yêu cầu người vi phạm phải nộp tiền tại Kho bạc nhà nước TP Thanh Hóa. Nhưng thực tế, ông Q. đã phải đưa cho cán bộ QLTT vào ngày 16/11.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đội QLTT số 1 do ông Nguyễn Đình Chính làm quyền đội trưởng, chứ ai cho ông ấy phong chức danh là Đội trưởng bao giờ. Đến tôi cũng là Quyền Cục trưởng. Hồ sơ vụ việc hiện đang ở bộ phận Pháp chế".

Tuy nhiên, khi đề cập tới phương án kiểm tra, biên bản kiểm tra vụ việc trên cũng như quy trình làm việc của Đội QLTT số 1 thì ông Hùng lảng sang ý khác. Câu chuyện này xin gửi tới ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT trả lời dư luận.

 

 

Quang Duy
Ý kiến bạn đọc
Top