Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 7 năm 2018 | 22:7

Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình bị xử phạt 1,6 tỷ đồng

Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình đã bị xử phạt 1,6 tỷ đồng do mắc phải 19 vi phạm về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở và đây cũng là mức phạt hành chính kỷ lục từ trước tới nay tại TP.HCM.

Theo đó, Công ty Tân Bình là chủ đầu tư dự án Tổ hợp nhà ở - Nhà ở xã hội Tân Bình (Tân Bình Apartment), toạ lạc tại địa chỉ số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình. Quá trình triển khai dự án này, Công ty Tân Bình đã tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định với 67/117 hợp đồng mua bán.
 
UBND TP.HCM đã yêu cầu Công ty Tân Bình hoàn trả lại chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khoản tiền mua chênh lệch do tính sai diện tích. Bên cạnh đó, chủ đầu tư này còn ký hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng chưa được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện.
dân-trí.png
UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình. (Ảnh: Báo Dân Trí)

 

Ngoài ra, Công ty Tân Bình còn thu tiền của khách hàng không đúng tiến độ, thu vượt tỷ lệ theo hợp đồng. Bán căn hộ khi chưa được ngân hàng bảo lãnh, hoạt động không đủ điều kiện năng lực hành nghề quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, không nghiệm thu hồ sơ thiết kế, không phê duyệt thiết kế, dự toán công trình…
 
Đối với hạng mục nhà ở xã hội, cơ quan chức năng xác định Công ty Tân Bình bán, cho thuê, cho thuê mua không đúng đối tượng, không công khai thông tin hoặc thông tin không đầy đủ nội dung về dự án BĐS theo quy định.
dân-trí-1.jpg
Dự án Tân Bình Apartment do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư.(Ảnh: Báo Dân Trí)
 
Tại dự án Tân Bình Apartment, Công ty Tân Bình đã chuyển đổi công năng 88 căn hộ thương mại thành 168 căn nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
 
Với những sai phạm nêu trên. Ngày 25/7, thông tin từ UBND TP.HCM cho hay, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình (Công ty Tân Bình)  với số tiền phạt lên đến 1,64 tỷ đồng.
 
Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Tân Bình chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt, nếu không sẽ bị cưỡng chế bằng hình thức khấu trừ tài khoản, kê biên tài sản; BĐS tại địa điểm vi phạm sẽ bị phong toả tình trạng pháp lý.
 
Công ty Tân Bình có 19 vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở. Đây được xem là mức phạt hành chính kỷ lục đối với một doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn TP.HCM từ trước đến nay.
 
Hải Phòng: Để công trình xây dựng trái phép “mọc” trên đất nông nghiệp
 
Hiện nay, nhiều địa phương ở TP Hải Phòng đang diễn ra tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch chung của Thành phố, gây khiếu kiện kéo dài và phức tạp an ninh trật tự.
 
Tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên hiện có 26 hộ xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã An Lư: Tình trạng vi phạm xảy ra từ nhiều năm do nhu cầu về nhà ở của người dân. Khu đất nông nghiệp nằm xen giữa khu dân cư. Các hộ tập kết vật liệu và thi công “chui”. Việc phát hiện, ngăn chặn gặp khó khăn do các hộ làm vào ban đêm, ngày nghỉ lễ, thi công rất nhanh. Có trường hợp vi phạm, địa phương cưỡng chế tháo dỡ nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.
công-trình-vi-phạm-tại-xã-an-lư-huyện-thủy-nguyên-tnmt.jpg
Công trình xây dựng trái phép “mọc” trên đất nông nghiệp. (Ảnh: Báo TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG)

 

Ông Thuận cho biết thêm, từ năm 1995 đến nay, xã An Lư chưa có quy hoạch cấp đất giãn dân, thay vào đó là việc đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi dó, trên thực tế, nhu cầu về nhà ở của người dân tại địa phương ngày càng tăng cao. Một số hộ đã tự ý chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp xen kẹt sang làm đất ở hoặc làm kinh tế trang trại, vô hình dung đang góp phần phá vỡ quy hoạch chung của địa phương.
 
Trong khi đó, tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên đã xảy ra việc xây dựng nhà ở, nhà trọ, trang trại tràn lan trên đất nông nghiệp. Việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, tại huyện Thủy Nguyên đã phát sinh 30 hộ xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, chủ yếu tập trung tại các xã: An Lư, Lập Lễ, Kênh Giang, Hòa Bình, Kỳ Sơn và Quảng Thanh.
 
Đầu năm 2018, UBND huyện Thủy Nguyên đã kiểm điểm trách nhiệm, kỷ luật cảnh cáo 9 cán bộ, công chức của 3 xã: An Lư, Lập Lễ, Kỳ Sơn liên quan đến việc để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.
 
Tại huyện Tiên Lãng, nhiều hộ dân ở xã Khởi Nghĩa đã tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương chậm chễ, thiếu kiên quyết, chưa tháo dỡ công trình vi phạm. Điển hình, khu trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung thuộc 2 thôn An Dụ và An Tử, xã Khởi Nghĩa có diện tích 26.138 m2 hình thành từ năm 2008.
 
Theo Phòng TN&MT huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, việc xây nhà trên đất nông nghiệp tại khu trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung xã Khởi Nghĩa xuất hiện từ những năm 2005 - 2006. Hiện có 5 trường hợp vi phạm. Ban đầu, các hộ xây dựng nhỏ lẻ. Sau khi cải tạo, họ chuyển cả gia đình ra đây này sinh sống. Chính quyền địa phương nhắc nhở, lập biên bản xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm. UBND huyện Tiên Lãng yêu cầu UBND xã Khởi Nghĩa rà soát báo cáo cụ thể từng trường hợp vi phạm xây nhà ở trên đất nông nghiệp, tập trung xử lý.
 
Hiện tại, một số địa phương ở Tp. Hải Phòng cũng xảy ra vi phạm như trên với tính chất, quy mô và mức độ khác nhau. Do đó, UBND các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn, không để phát sinh thêm vi phạm, giải quyết triệt để những vi phạm, tồn tại cũ. Đối với những trường hợp khó khăn về đất ở, xây nhà trên đất nông nghiệp mà đất đó nằm trong quy hoạch đất ở của địa phương, UBND xã, phường cẫn lập hồ sơ báo cáo cấp trên xem xét tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đối với những trường hợp đã xây dựng nhưng không nằm trong quy hoạch đất ở, cần tiến hành vận động tháo dỡ.
 
Hà Nội: Chủ đầu tư, nhà thầu dự án cầu vượt An Dương bị Kiểm điểm
 
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn kiểm điểm rút kinh nghiệm, hoàn thành cầu vượt nút giao An Dương trước ngày 10/10/2018. Sau thời hạn trên, nếu chưa hoàn thành, UBND thành phố sẽ xử lý trách nhiệm theo quy định và công khai.
 
Ngày 25/7 vừa qua, tại trụ sở UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương và kéo dài đê bê tông cốt thép đến ngõ 124 đường Âu Cơ.
 
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương là dự án trọng điểm của Thành phố nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực. UBND TP và UBND các quận có liên quan đã nỗ lực, tích cực giải quyết cơ chế, tháo gỡ các khó khăn để triển khai dự án.
 
cầu-vượt-tại-nút-giao-an-dương-báo-đâu-tưvn.jpg
Cầu vượt nút giao An Dương (Ảnh: Báo Đầu Tư.VN)

 

Tuy nhiên, Dự  án đến nay đã chậm so với kế hoạch tiến độ hơn 1 tháng, trách nhiệm hoàn toàn do Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát (Tổng công ty Thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long, Công ty cổ phần Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long) đã thiếu nỗ lực, thiếu phối hợp trong thực hiện Dự án; yêu cầu Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn nghiêm túc rút kinh nghiệm.
 
Đối với công tác thi công, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành, nâng cao trách nhiệm cán bộ theo dõi dự án; nghiên cứu lại công tác phân luồng giao thông qua khu vực thi công…
 
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đánh giá, đối với đơn vị thi công, công tác vệ sinh môi trường không đảm bảo; mặt bằng thi công không gọn, ảnh hưởng tới lưu thông của phương tiện tham gia giao thông, yêu cầu nhà thầu thi công nâng cao ý thức trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
 
Việc phối hợp, điều hành giữa các nhà thầu thi công không đồng bộ gây chậm tiến độ dự án; yêu cầu các nhà thầu nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp tổ chức thi công, khắc phục yếu kém nêu trên, đẩy nhanh tiến độ dự án.
 
Chủ đầu tư chủ trì cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát được ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu họp bàn để thống nhất phối hợp thực hiện, đảm bảo yêu cầu tiến độ. Đối với đơn vị tư vấn giám sát phải nâng cao trách nhiệm trong công tác giám sát chất lượng công trình và các công tác khác trong quá trình thi công.
 
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội yêu cầu các nhà thầu có văn bản cam kết tiến độ hoàn thành từng hạng mục của gói thầu; lập biên bản tất cả các vi phạm của các nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
 
 
 
 
Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top