Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 4 năm 2022 | 10:4

Củ Chi - Địa chỉ đỏ giáo dục cho thế hệ trẻ

Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) được biết đến với danh hiệu “đất thép thành đồng” nhờ vào những chiến công hiển hách trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Địa đạo Củ Chi chính là nơi thu nhỏ trận đồ sáng tạo của quân và dân ta; là địa danh ghi nhận những dấu ấn của một thời lịch sử hào hùng.

Vùng đất thép 

Địa đạo Củ Chi thuộc huyện Củ Chi, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc; được hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm căn cứ, thì hệ thống địa đạo càng phát triển.

Với ý chí quật cường, sáng tạo, bền bỉ, quân và dân Củ Chi đã xây dựng hệ thống địa đạo dài hơn 200km, với các công trình liên hoàn gồm: chiến hào, kho tàng, khu làm việc, nghỉ ngơi cùng hệ thống đường hầm nhiều tầng có khả năng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Trong địa đạo có những nút chặn ở các điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học phun vào; những đoạn hiểm yếu còn đặt hầm chông, cạm bẫy. Nhiều cửa hầm được cấu trúc thành chốt chiến đấu, ụ bắn tỉa rất linh hoạt, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự, trận địa mìn trên mặt đất đã biến Củ Chi thành vùng đất thép huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

 

13up.jpg
Đền Bến Dược.

 

Để xóa sổ vùng căn cứ cách mạng này, đế quốc Mỹ và ngụy quyền thực hiện hơn 4.000 cuộc hành quân càn quét, với nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Trút xuống khoảng 500 nghìn tấn bom, đạn, 480 tấn chất độc hóa học các loại. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời”, “nắm thắt lưng địch mà đánh”, thực hiện lối đánh áp sát với những chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích. Phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, bằng 3 mũi giáp công, quân sự, chính trị, binh vận đã lập nên những chiến công xuất sắc.

Nhờ vào những thành tích này, nơi đây đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Với tầm vóc và giá trị lịch sử, địa đạo Củ Chi như một pháo đài trong lòng đất, một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép”, trở thành địa danh nổi tiếng trên thế giới, là địa điểm lưu giữ những dấu ấn lịch sử, là nơi để giáo dục quốc phòng và an ninh cho lực lượng vũ trang, thế hệ trẻ và nhân dân.

Ngày nay, Củ Chi “đất thép thành đồng” đang có những bước chuyển mình với vai trò được xem là cửa ngõ của các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với nhiều con đường huyết mạch như Quốc lộ 22, Cộng Hòa, Quốc lộ 1A, Trường Chinh.

Với tầm nhìn về phát triển quy hoạch, mở rộng các đô thị vệ tinh thì sắp tới Củ Chi sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển. Cùng với sự phát triển chung của thành phố, Củ Chi cũng đang có những chuyển biến tích cực, vùng đất thép, thành đồng năm xưa giờ đang hàng ngày “thay da đổi thịt”.

Địa chỉ đỏ để giáo dục thế hệ trẻ

Với chủ trương giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo hệ thống địa đạo Củ Chi trở thành nơi tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch, năm 1994, UBND TP. Hồ Chí Minh giao cho Bộ Tư lệnh Thành phố quản lý “Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi” gồm: địa đạo Bến Dược (Căn cứ Khu ủy - Quân khu Sài Gòn - Gia Định) và địa đạo Bến Đình (Căn cứ Huyện ủy Củ Chi),... với vùng lõi khoảng 80ha.

 

13up2.jpg
Khu Di tích Địa đạo Củ Chi, nơi ghi dấu ấn lịch sử một thời hào hùng.

 

Trong nhiều năm qua, với bề dày về giá trị lịch sử, văn hoá, tầm vóc, quy mô của Khu Di tích đã không ngừng phát triển. Trở thành nơi học tập, tham quan, điểm đến không thể thiếu trong chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh, tuyên truyền, giáo dục truyền thống chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho các đối tượng, trong đó có thế hệ trẻ.

Trả lời báo chí, Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc khu di tích địa đạo Củ Chi thông tin, địa đạo luôn là địa chỉ đỏ trong giáo dục quốc phòng và an ninh, bằng nhiều biện pháp, Đảng ủy - Ban Giám đốc Khu Di tích đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ trong bảo tồn, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ.

Theo đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng bộ và chuyên nghiệp. Cụ thể, nguồn nhân lực Khu Di tích cơ bản được lựa chọn tại địa phương, ưu tiên con, em các đối tượng chính sách, gắn bó, hiểu biết, tự hào về truyền thống quê hương, có tinh thần phục vụ tốt. Mặt khác, làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên có năng lực, Ban Giám đốc chủ động gửi đi đào tạo, tập huấn chuyên sâu tại các trường văn hóa, quân sự của thành phố, Quân khu và trường du lịch để cập nhật các kỹ năng mới trong quản lý, trùng tu, nâng cao khả năng ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình về giá trị của Địa đạo, trong đó có kiều bào, du khách quốc tế.

Việc quảng bá hình ảnh Khu di tích địa đạo Củ Chi cũng được quan tâm thông qua việc thường xuyên lan toả những hình ảnh, hoạt động của khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, khơi dậy được truyền thống, tinh thần kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh chống quân xâm lược, bảo vệ căn cứ địa cách mạng và khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Những giá trị các hiện vật lịch sử với hình ảnh nổi bật giữa địa đạo Củ Chi là Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - nơi lưu danh hơn 45 nghìn liệt sĩ khắp cả nước đã chiến đấu, hy sinh tại Sài Gòn - Gia Định và những người con của Sài Gòn - Gia Định hy sinh trên khắp cả nước. Đền Tưởng niệm là quần thể hài hòa, tầm vóc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Đây là nơi các tổ chức chính trị - xã hội thường tổ chức học tập, báo công, về nguồn, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên và sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Với những giá trị lịch sử to lớn, Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi là công trình quân sự, chứng tích lịch sử tiêu biểu, nơi ghi dấu ấn lịch sử về một thời hào hùng, một địa chỉ đỏ để giáo dục quốc phòng an ninh cho thế hệ trẻ.

Để giữ gìn, trùng tu, bảo tồn Khu Di tích trường tồn với thời gian, ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2367/QĐ-TTg về xếp hạng Địa đạo Củ Chi là Di tích quốc gia Đặc biệt. Hiện nay, Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng thống nhất chủ trương và UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ trình UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới. Đây sẽ là cơ hội để bảo tồn, giữ gìn và nâng tầm Địa đạo Củ Chi lên tầm cao mới, để hình ảnh địa đạo mãi là nơi ghi dấu ấn lịch sử về một thời hào hùng, nơi có những con người kiên cường, bất khuất trên vùng “đất thép thành đồng”.

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top